Bạn bè

Tổng số lượt xem trang

Tìm kiếm Blog này

Thứ Bảy, 4 tháng 8, 2018

Những vị tướng làng tôi (phần 2)

Đọc bài phần 1, có người bảo ông chỉ nói phét, làng nào có một tướng cũng đủ hãnh diện với thiên hạ rồi, thế mà dám nói “những vị tướng”. Kể ra bạn ấy chả sai, làng Trà Phương quê tôi chứ có phải những làng nổi danh trong đời sống xứ này như Hành Thiện, Cổ Am, Quỳnh Đôi, Đông Ngạc… đâu. Làng có nhiều tướng nhất thời cách mạng, theo tôi biết, rồi nghe người nhớn kể, là làng Hành Thiện ở Nam Định, phát cả văn lẫn võ, có tới 7 ông tướng được nhà nước phong. Rất kinh.

Làng Trà Phương yêu dấu của tôi, qua 2 cuộc chiến tranh với Pháp và Mỹ, đi bộ đội nhiều lắm. Ở miền Bắc những năm ấy, làng nào mà chẳng bị vét tới người trai tráng cuối cùng. Chiến tranh, những 4 mặt trận, A (miền Bắc), B (miền Nam), C (Lào), D (Campuchia) như cái cối xay thịt tàn bạo, tống trai vào bao nhiêu cũng chả đủ cho nó nghiền. Làng Trà, như những làng khác, trai tráng đi hết, chỉ còn lại chủ yếu đàn bà, người già và trẻ con, tức là những người không thể hoặc chưa thể vào lính. Đàn bà phải thực hiện 3 đảm đang thay đàn ông đã ra chiến trường, người già phải gánh vác phần việc của người trẻ, còn trẻ con vừa đi học vừa làm phần việc của người lớn. Tức là không ai được ngồi đúng vị trí, thiên chức của mình. Thực ra cũng còn trai nhưng không phải tráng, đều dạng hàng tồn, thứ phẩm, đui què mẻ sứt, anh thì chột mắt, anh thì thọt chân, anh thì khoèo tay... Bình thường thì gái làng, nhất là lại đẹp như gái làng Trà vốn nổi tiếng xưa nay, chả thèm để ý mấy anh ấy, nhưng nay đàn ông “chuẩn” bị chiến tranh cướp hết rồi, tự dưng các anh “tồn” lại có giá. Còn bọn con trai nhơ nhỡ đám chúng tôi cứ lớn tới đủ tuổi 17 là xã đội, huyện đội phết vào sổ, mỗi năm 3 đợt tòng quân, khám sức khỏe xong là lên đường. Làng cứ vắng dần, thiếu sinh khí đàn ông, buồn hiu hắt.

Dăm bữa nửa tháng lại có giấy báo tử đưa về, hoặc ông Hâm người làng làm trên huyện đội (bà con quen gọi là ông Hâm huyện đội) báo cho biết trước, không khí tang tóc lại trùm lên lũy tre. Nhà bà Hiếm trong vòng 3 năm nhận 2 giấy báo tử, lúc đầu là anh Trò (năm 1968), sau đó là anh Chuyện (anh của anh Trò, năm 1970). Bà Đang có mỗn anh Sùng, bà Gầu chỉ có anh Loa, đều trai một, các anh mãi mãi không về. Những đêm thanh vắng, nghe tiếng bà Hiếm hờ khóc gọi con, con ơi, Chuyện ơi, Trò ơi, các con ở đâu không về với thày bu, sao nỡ bỏ bu mà đi con ơi. Đêm nào bà cũng khóc, bà còn bảo con ơi, con dại thế, sao con không như thằng M nó lộn về kia kìa, nó lấy vợ, có vợ có con, đâu để bu nó phải mất con như bu mất con thế này. Ấy là bà nhắc tới anh M gần nhà tôi, anh vào tới Quảng Bình thấy bom đạn khiếp quá, bèn lộn về, trốn chui nhủi mấy năm rồi cũng chả ai để ý nữa. Hồi đó những người đào ngũ như anh bị gọi là B quay, bị xã hội khinh ghét ghê lắm. Còn bà Hiếm, sau khi nhà nước có luật phong tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam anh hùng, bị trật mấy lần bởi người ta cứ cứng nhắc áp dụng quy định liệt sĩ phải là con trai một hoặc mẹ phải có 3 con là liệt sĩ mới được danh hiệu mẹ anh hùng. Bà khóc, bà bảo với cán bộ xã, anh hùng tôi cũng chả cần, cứ trả lại hai thằng con trai cho tôi, Chuyện ơi, Trò ơi, các con ơi. Sau nhà nước hình như thấy bất nhẫn quá, hai đứa con trai của người ta hy sinh mà chả nhẽ lại cũng chẳng là gì, bèn hạ tiêu chuẩn xuống, từ 3 còn 2 liệt sĩ. Tôi đi xa, có nghe nói khi chính quyền xã nhận bằng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam anh hùng phong cho bà Hiếm thì bà đã qua đời, lúc còn sống chả được đền đáp gì từ giá máu của con mình.

Tôi, cũng như rất nhiều người làng, trân trọng gọi những người lính của làng là những vị tướng. Trong lòng dân chúng làng Trà, những người lính ấy, kể cả người còn sống lẫn người đã khuất, đều là tướng, uy nghi lẫm liệt. Mỗi lần về quê, tôi đều ra nghĩa trang liệt sĩ thắp hương cho chú ruột tôi, cho những “viên tướng” dũng liệt làng Trà, trong đó có rất nhiều bạn từ thuở để chỏm, bạn học suốt thời vỡ lòng, tập chép, cấp 1, cấp 2, cấp 3, những cái tên Hữu, Hiển, Nhậy, Luật, Ao… mãi tuổi đôi mươi.

Người chết đã vậy, người lính còn sống trở về cũng nhiều lắm, họ đều thành “tướng” cả, dù quân hàm chỉ hạ sĩ, trung sĩ, thiếu úy, hình như cao nhất có chú Bích đại úy con bà cụ Chút, bác Vẻ trung úy con giai cụ Cù, sau này nhiều người hàm cao hơn nhưng là về sau, trong đó có ông Châu anh con bác ruột tôi, chú Thơ con cụ Cán… Những người này tôi sẽ kể ở phần sau. (còn tiếp)

Nguyễn Thông

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét