Vẫn biết vậy nhưng khổ nỗi sự đời có phải bao giờ cũng chiều ý ai, cái số vất vả cứ cuốn mình theo dòng của nó. Nhớ có lần bà xã nửa đùa nửa thật với đám con, bảo rằng chúng mày ạ, tao nghi bố chúng mày không phải tuổi mùi dê đâu mà là tuổi trâu bò ngựa. Mình ngậm tăm bởi biết thị nói quá đúng nên chẳng dại cãi lại làm gì.
Chuyến du ngoạn tỉnh Thanh cũng vậy. Tới hôm nay hơn 1 tháng rồi, lẩn mẩn gõ phím, rời rạc từng chữ, dù lòng còn vấn vương cứ như mọi chuyện mới xảy ra hôm qua, đang trôi trước mắt. Thằng Ngô Văn Đồng lúc chia tay mình nó nắm rất chặt, bàn tay giờ vẫn còn nóng hôi hổi. Đứng chôn chân trên sân khách sạn Điện Lực làm cuộc tiễn đưa, mình không dám ngó chiếc xe chở “chúng nó” đi, giả đò nhìn xa xăm ra biển, mãi sau mới dám hé mắt ti hí dòm theo làn khói mỏng khi xe đã khuất.
Lạ thật, cả đám đàn ông đàn bà, đều đã ngoài 60 (nói thế cho nó nhẹ, đánh lừa thời gian chứ thực ra vào quãng giữa của 60-70 rồi), một số bác đã hăng hái lướt sóng ngoài 70 như cụ Năng, cụ Cường, cụ Cờ… ấy vậy cứ gặp nhau là cười xoe xóe, y như trẻ con. Mụ thị Huệ thật giỏi khi nó trình ra cái câu slogan “Cứ gặp nhau là vui”. Biển Sầm Sơn mấy bữa ấy, nhất là tòa nhà khách sạn Điện Lực của tay giám đốc Trịnh Xuân Như (bạn của thị Huệ, anh Triều Nguyệt, thằng Xuân Ba) được phen vất vả bởi đám côn đồ già đáng yêu. Lịch sử khu du lịch Sầm Sơn sau này cần ghi rõ: Từ ngày 16 tới 20.10 tây lịch, nhằm cữ tàn thu Mậu Tuất 2018, trời khô ráo, đám giặc K.17 tụ tập về đây để kéo nhau đi đánh thành nhà Hồ, càn quét Lam Kinh, công phá Vĩnh Lộc, gây ra biết bao nhiêu rắc rối. Quan trấn thủ địa phương là Nguyễn Xuân Phi với sự trợ giúp của bí thư lang Trần Triều Nguyệt đã hết sức đánh dẹp, giặc mới tan. Chúng chịu rút, tản về kinh thành Thăng Long, về Sài thành, thậm chí rút lên tận Cao Bằng nhưng vẫn ngoan cố hẹn nhau sang năm củng cố lực lượng đánh thẳng vào Sài Gòn cho biết thế nào là lễ độ. Công nhận K.17 gớm thật, một nữ nhân tài sắc xứ Thanh, tên Hoàng Yến, trợ thủ của bí thư lang Triều Nguyệt, đã thè lưỡi nhận xét vậy. Thì vưỡn.
Hồi nhỏ, tức lúc còn bé tí, mình đã nghe các anh chị mình ê a đọc “Ai qua Nông Cống tỉnh Thanh/Dừng chân nhớ Triệu Thị Trinh anh hùng”, trong cái não non nớt khi ấy đã lơ mơ hiểu rằng ở nước mình có một vùng gọi là xứ Thanh, tỉnh Thanh. Thấy bảo đất ấy to rộng lắm, dân cũng đông, người rất ghê, tinh làm to. Mình có lần tò mò hỏi người nhớn, tỉnh Thanh quê bà Triệu có to bằng Hải Phòng quê mình không, anh trai mình cười, thằng này đéo biết gì, Phòng nhà mình chỉ bằng một huyện của nó thôi. Nó chỉ thua Nghệ An, xứ Nghệ quanh quanh ở chỗ nó không có bác Hồ thôi, chứ vua thì nó đầy. Thứ kiến thức sơ khai về Thanh Hóa của mình lúc đầu là vậy.
Cũng hồi nhỏ, trong sách tập đọc có bài về hai điển hình nông nghiệp là anh hùng Hoàng Hanh dân xứ Nghệ và chiến sĩ thi đua Trịnh Xuân Bái người tỉnh Thanh. Điều đặc biệt, ông Bái chỉ là tổ trưởng tổ đổi công, nhưng được đi dự đại hội thi đua toàn quốc năm 1952 bởi ông có thành tích dùng… phân bắc bón cây rất hiệu quả, cho năng suất cao. Mình đọc bài, không hiểu phân bắc là thứ gì, hỏi, anh mình bảo kinh bỏ mẹ, vậy nhưng cụ Bái lại được tuyên dương, được cụ Hồ ôm hôn, thế mới tài.
Chiến tranh lan ra Bắc, tỉnh Thanh vụt nổi lên như ngôi sao sáng chói. Cả sự anh hùng và mất mát đau thương. Có lẽ nhờ nó có cây cầu Hàm Rồng nổi tiếng, có đội nữ dân quân Nam Ngạn, có các cụ già Hoằng Hóa bắn rơi máy bay, có chị Ngô Thị Tuyển, chị Nguyễn Thị Hằng; và nhất là nhờ bài hát của các nhạc sĩ Hoàng Đạm, Xuân Giao. Mình đồ rằng, không có hai cụ nhạc này, tỉnh Thanh sẽ bị khuyết đi một nửa danh tiếng. Nên dựng ngay đầu tỉnh, chỗ cái cổng chào “Thanh Hóa kính chào quý khách” bức tượng cụ Xuân Giao thì hợp nhẽ. Cũng như Quảng Bình nên dựng tượng cụ Hoàng Vân, Bến Tre dựng cụ Nguyễn Văn Tý vậy.
Rồi thì cuối cùng mình cũng được đụng vào Thanh Hóa bằng xương bằng thịt. Không biết các khóa khác, trước và sau K.17 thế nào, chứ K.17 Văn khoa Tổng hợp thì chẳng khác trường đại học Thanh Hóa thu nhỏ. Bên Tàu có đại học Thanh Hoa thì bên ta có đại học Thanh Hóa. Lấn át toàn diện các tỉnh thành khác. Hà Nội cũng thua. Những anh chị: Lê Xuân Sang, Lê Quốc lập, Đặng Quốc Khánh, Nguyễn Văn Sỹ, Trần Triều Nguyệt, Đỗ Xuân Thanh, Trịnh Xuân Ba (không biết thằng này có họ hàng gì với cụ phân bắc Trịnh Xuân Bái), Nguyễn Thị Xuân, Nguyễn Thị Bé, và những ai nữa nhỉ. Đủ huyện tịch Triệu Sơn, Quảng Xương, Hậu Lộc, Vĩnh Lộc, Ngọc Lặc, Hoằng Hóa, Nga Sơn, Tĩnh Gia… Kinh hơn nữa, tinh dững tư chất lãnh đạo. Ban cán sự hai lớp A và B K.17 tuyền người tỉnh Thanh, chả mấy ai vùng khác chen vào được. Số còn lại thì có sừng có mỏ, dân chuyên văn Lam Sơn, nhiều lúc mình cứ nghĩ thầm sao ông trời lại hớ hênh mất cảnh giác cho mình được vào học chung với những đấng bậc như thế.
Đầu năm 1977 mình vào Nam nhận việc. Mỗi lần vào xuyên Việt bằng xe lửa, đi qua Thanh Hóa, ngắm những hàng cọ cao cao trên đồng, lại lẩm nhẩm kia là quê anh Sang, anh Lập, anh Sĩ, anh Sơn, anh Thanh, anh Khánh, cái Xuân, cái Bé, thằng Ba, anh Triều Nguyệt… Cứ ao ước khùng sao tàu nó không trật bánh ngay đất này để mình có dịp lò mò vào chơi với các anh hùng tỉnh Thanh. Suốt bao năm, cho tới tận tháng 10.2018, đất tỉnh Thanh, người tỉnh Thanh mình chỉ được tiếp xúc qua ô cửa kính xe lửa. Tới khi bác cả Năng, bác cả Thuận đưa ra lời kêu gọi… dối già (còn tiếp)
Nguyễn Thông
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét