Bạn bè

Tổng số lượt xem trang

Tìm kiếm Blog này

Chủ Nhật, 25 tháng 8, 2019

Bác cả Năng (dành cho K17)

Mình chưa già (tự phong vậy) nhưng phải công nhận nhiều lúc lẩn thẩn. Chả hạn mình nghĩ K17 cũng như… quả chuông, có ai gõ vào một nhát là sau đó dồn dập binh boong, binh boong, vui lắm. Hôm nay cũng vậy, mọi người náo nức phấn khởi chúc mừng sinh nhật một vị trưởng lão của khóa ta, bác cả Năng. Binh boong, binh boong, rộn ràng hơn cả dân tỉnh Kiến An năm 1960 đón cụ Hồ về thăm. Bác Năng hồi ấy đã thanh niên 16 tuổi, học trường cấp 3 Kiến An (cả tỉnh chỉ có mỗi một trường cấp 3), biết đâu được nhìn thấy mặt cụ Hồ không chừng.

K17 là khóa bản lề giữa chiến tranh và hòa bình nên có nhiều trưởng lão. Nếu như từ khóa 16 về trước, sinh viên liên tục đăng lính kéo nhau ra trận, thì từ K17 trở về sau, các cựu sinh viên lại lục tục phục viên. Phải công nhận, nhờ có các bác lính hồi môn mà K17, nhất là 2 lớp văn, vui và chững chạc hẳn lên. Đám thò lò mũi xanh như mình, Bá Tân, Đại, Đồng, Nghiệu, Viết, Xuân Ba, Bính… tự dưng lép hẳn, đố dám nhốn nháo vô phép như vốn láo. Còn bọn con gái cũng quên phắt mấy thằng trẻ ranh, chỉ chú mục quấn quít vào các ông anh. Đúng là phúc với người này thì họa cho kẻ kia. Đôi khi tặc lưỡi, kiểu AQ, mình chịu thiệt một tí để bù cho những người từng vào sinh ra tử, coi cái chết nhẹ tựa lông.

Đội quân “súng gươm vứt bỏ lại hiền như xưa” ấy có nhẽ gần hai chục vị. Giờ trí nhớ nhạt rồi, nhưng mình có thể làm cái lít (list) gồm các bác: Bùi Trọng Cường, Lê Xuân Sang, Lê Quốc Lập, Phạm Văn Sĩ, Nguyễn Doãn Tấn, Đặng Quốc Khánh, Lê Văn Sơn, Trần Nam Việt, Hoàng Sĩ Chiến, Lê Tài Thuận, Trần Triều Nguyệt, Ngô Đức Nguyên, Nguyễn Xuân Thụ, Ma Duy Giang, Trần Quang Thuật, Nguyễn Tuấn (lớp ngữ), Đỗ Xuân Thanh… Và tất nhiên không thể thiếu Vũ Lệnh Năng, bác cả Năng. Đó là chưa kể lớp ta còn có những bậc đàn anh đàn chị rất đáng kính nể như cụ Nguyễn Ngọc Xuân (Ninh Bình), cụ Nguyễn Huy Cờ (Hà Bắc), cụ bà Nguyễn Thị Ngụ (TNXP, Hà Tĩnh). Tinh dững cây cao bóng cả, rợp mát đàn em.

Thời gian cứ lừng lững trôi, kéo mất của K17 khá nhiều đại thụ. Chắc giờ các cụ trưởng lão Sang, Sĩ, Thanh… đang họp lớp, họp K17 bis ở cõi xa kia, chờ chúng mình lần lượt tụ về. Ngót nơi này thì đông chỗ khác, luật xưa nay là vậy.

Đứa trẻ nhất non nhất của K17 giờ cũng đã 65. Kinh. Điều may mắn và hạnh phúc là nhiều vị trưởng lão vẫn rất khỏe, vẫn “tiến lên ta quyết tiến lên/tiến lên ta quyết xông lên hàng đầu” làm gương cho các em, nhất là em gái. Có nhẽ do tâm tính hoặc hoàn cảnh riêng, một số cụ lui về ở ẩn như cụ Cường, cụ Việt, cụ Cờ, thậm chí chí có cụ mất tích không sủi tăm như cụ Xuân, cụ Việt. Bù lại, những cụ Nguyệt, cụ Chiến, cụ Thuận, cụ Giang, cụ Năng lại cực kỳ xông xáo. Các cụ là Đan Kô, cầm trái tim nóng hôi hổi giương cao rẽ đường dạt lối cho K17 xông lên vui vẻ, tụ họp, đàn đúm, chơi bời. Nhất là cụ trưởng lão Vũ Lệnh Năng.

Theo lý lịch tôi dày công điều tra được, cụ Năng học tuốt từ hồi khóa 12 cơ, tức là trước ta những 5 khóa. Hồi ấy chắc trẻ và hăng hái lắm, chả biết có cắn đầu ngón tay viết đơn bằng máu không, nhưng cụ phải đi bộ đội, cùng đợt với cụ Cường (cụ ni học khoa Lý, sau lại về học văn, thế mới quái). Hạ sĩ quan Vũ Lệnh Năng vào bộ đội ra đa, đánh trăm trận gần trăm thắng, xong 12 ngày đêm Điện Biên Phủ trên không thì thất nghiệp, hết máy bay để dò, đành về học lại. Lũ Thông cào học được hơn một tháng thì thầy đội Năng đeo ba lô về Sát Thượng. Mà thực ra đã học hành gì, chỉ tinh đi làm nhà, dựng hầm, đào giao thông hào, thậm chí qua phà Đông Xuyên sang tuốt bên huyện Hiệp Hòa bên kia sông quê mụ Hồ Thu Hiền để đào hố cá nhân cho thầy Nhị, thầy Tu. Tôi và anh Lê Văn Sơn, thằng Sĩ Đại đào hăng quá, nhoáng cái đã xong, được thầy Nhị ra úy lạo, khen, thưởng cho mỗi đứa nửa điếu thuốc Điện Biên (thuốc thầy đã cắt sẵn, chứ không phải keo kiệt). Tôi không hút, để dành đem về, khoe với thằng Tô Thanh Trung ở trọ cùng nhà anh Thuận, nó xem rồi xòe diêm hút luôn, còn bảo rét bỏ mẹ, để dành làm đéo gì. Thời gian rảnh còn lại thì kéo nhau đi chợ Chờ mua kẹo đốp, và ra bờ sông Cầu tán nhau. Vậy nên bác đội Năng có về chậm nữa cũng chả thiệt thòi gì. Thầy Chu Xuân Diên vẫn chưa kịp dạy bài khái quát về văn học dân gian cơ mà. (còn tiếp)

Nguyễn Thông

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét