Bạn bè

Tổng số lượt xem trang

Tìm kiếm Blog này

Thứ Bảy, 3 tháng 8, 2019

Chuyện lớp vỡ lòng: Nhớ những bài học hồi bé tí

Lứa tôi (bu tôi đẻ tôi năm 1955), khi mới bắt đầu đi học, không vào hẳn lớp 1 như bây giờ, mà bắt buộc phải học lớp vỡ lòng (nửa năm) và lớp tập chép (nửa năm). Học xong 2 khóa chuyên tu ấy thì mới được vào lớp 1. Cho nên nói ở miền Bắc học hệ 10 năm tức là phải hiểu đối với hệ phổ thông thôi, chứ thực ra là 11 năm.

Lớp vỡ lòng, ngay cái tên của nó đã rất ý nghĩa, vỡ cái lòng ra, vỡ vạc khai phá trồng trọt thế giới bên trong của mỗi người. Ông Huy anh họ tôi cứ đùa bảo đó là lớp vỡ thình. Thình là cái bọng của con chim non, khi nó teo cái thình đó thì sẽ bay nhảy được.

Ở làng Trà Phương quê tôi hồi ấy, cụ giáo Bạt chuyên dạy vỡ lòng, dạy được nửa năm thì chuyển giao đám trẻ con đã được khai mở chữ cái, đánh vần, biết đọc biết viết cho lớp tập chép của cụ Mông và cụ Thẫn. Đi qua lớp vỡ lòng hoặc lớp tập chép, thấy trẻ con ê a học bài, vui lắm. Cụ Bạt khi ấy cũng đã ngoài 50 để râu dài, còn cụ Mông và cụ Thẫn ngang ngang tuổi cụ Bạt nhưng không nuôi râu. Các "thầy" đều nhân hậu, chả vụt học trò bao giờ dù cụ nào cũng sắm cái roi để dọa những đứa rất bướng hoặc... ngu. Ông Bút con cụ Điếu ngoài xóm Chợ bằng tuổi tôi nhưng học những 2 năm vẫn đúp lớp tập chép, sau ráng học hết lớp 4 thì bỏ, ở nhà đánh dậm rồi đi... bộ đội. Nghe ông Vảng con cụ Vạng nhà gần đó kể sau này ông Bút quên tiệt, không biết chữ, chỉ ký được mỗn chữ "Bút". Dữ đòn thì có thầy Phác dạy cấp 1, thầy có cái thước tay bằng gỗ lim, quật học trò như ngóe, đứa nào cũng sợ, nhưng nhờ thế mà nên người, đám trò chẳng những không giận mà vẫn biết ơn thầy.

Sách vỡ lòng bắt đầu bằng bài Ó ò o, học vần O trước tiên, vẽ kèm con gà trống đang vươn cao cổ gáy. Những bài kết thúc là bài về cu Tý, về chú Kim, những bài ngắn vài câu, kiểu như "Tý đi xem xiếc, xiếc làm trò tài quá, có chị vừa phi ngựa vừa gảy đàn", "Chú Kim đua xe đạp, chú đạp giỏi lắm, chú luôn luôn dẫn đầu. Hoan hô chú Kim"... Tôi còn được nghe ông Giá cũng anh họ tôi (tôi rất nhiều anh họ con bác ruột, dững 8 ông) giải thích cái "chị vừa phi ngựa vừa gảy đàn" ấy có thực, tên là Tạ Thúy Ngọc, con gái cụ Tạ Duy Hiển, trùm xiếc ở VN. Bố nghề xiếc nên con cũng theo nghề cha truyền con nối.

Nhưng tới sách lớp 1 thì bắt đầu được học thơ và những bài văn xuôi dài hơn. Tới sách lớp 2 thì dài tít mít. Tôi còn nhớ sách lớp 1 có bài Cây hồng: "Cây hồng nho nhỏ/Mới nhú chồi xinh/Em cào sạch cỏ/Cho cành thêm xanh/Công em chăm bón/Cây nở hoa rồi/Cánh hồng mơn mởn/Thơm lừng khắp nơi".

Lại có bài ca ngợi Bác công nhân: "Nếu không có bác công nhân/Lấy đâu nhà cửa trú thân đêm ngày/Áo quần ta mặc ai may/Lấy đâu máy móc dựng xây nước nhà".

Nghe chúng tôi ê a học thuộc lòng ở nhà, ông Trác anh họ nữa bảo, nhà cửa thì mình làm chứ công nhân đéo gì, quần áo thì ông Huy (ông Huy dạy học nhưng may quần áo rất khéo, thày tôi chuyên nhờ ông Huy may cho), ông Cảnh, ông Phúng chứ công nhân công nheo gì.

Khi học lớp 2 có bài văn xuôi nói về chăn trâu. Nhưng lại không phải chỉ là chăn trâu. Giờ còn thuộc: "Ven đường vào xóm có một dãy bàng mới trồng lá xanh mơn mởn. Một con trâu lạc đàn tiến lên bứt lá cây. Thạch vừa đi tới vội dắt trâu ra chỗ khác. Cùng lúc ấy Sinh hớt hải chạy đến nhận trâu. Thạch vừa trao dây thừng trâu cho Sinh vừa bảo lần sau Sinh chịu khó trông trâu cẩn thận nhé". Sau này nhớn lên mới thấy buồn cười, trâu có bao giờ ăn lá bàng, vậy mà họ cũng viết được. (còn tiếp)

Nguyễn Thông

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét