Bạn bè

Tổng số lượt xem trang

Tìm kiếm Blog này

Thứ Năm, 27 tháng 8, 2020

Chuyện truyền đơn

Đã vào thập niên thứ 3 của thế kỷ. Thập niên chứ không phải thập kỷ như nhiều người (có cả GS, TS) nhầm hoặc quen dùng, bởi thập niên là 10 năm, một kỷ là 12 năm, thập kỷ tức 120 năm, còn nếu giải thích rằng thập kỷ có nghĩa là 10 năm của thế kỷ thì rất gượng gạo, chỉ gán ghép cho có chứ chả theo nguyên tắc nào.

Năm 2020 là đầu thập niên thứ 3 của thế kỷ 21, khoa học kỹ thuật đã phát triển như vũ bão, có những thứ chỉ mới vài chục năm trước là chuyện rất bình thường, phổ biến, thì lúc này đã cực kỳ lạc hậu, lỗi thời, xưa cũ, có cảm giác như từng tồn tại ở thời nào xa lơ xa lắc. Chẳng hạn cái truyền đơn.

Hồi tháng trước, đám cộng sản Triều Tiên cứ sôi sùng sục, tố cáo người bà con Nam Hàn thả truyền đơn lên phía bắc. Tay Kim Ủn cảnh cáo không tha thứ cho hành vi "xâm lược" này, thậm chí dọa Nam Hàn sẽ nhận lĩnh hậu quả khủng khiếp chưa từng có. Lâu nay mồm Kim nói gang nói thép thế nào, thiên hạ đều biết cả nên cũng không lấy đó làm điều lăn tăn. Vài ngày sau, báo chính thống của Triều Tiên, rồi báo Hàn, rồi tất nhiên lan tới báo Việt, đồng loạt đăng tin Triều Tiên đã chuẩn bị cho cuộc trả thù khủng khiếp có một không hai, khiến người ta nghĩ phen này bán đảo Triều Tiên chấm dứt cảnh chia cắt, thống nhất tới nơi rồi, Hàn Quốc chết đầu nước. Chỉ có điều, không phải là xe tăng đại bác, tàu bay tàu ngầm, binh hùng tướng giỏi, mà là Triều Tiên đã in xong đợt 1 gồm 12 triệu tờ truyền đơn, cứ từng cục từng cục to như cục tiền cụ Hồ 500 nghìn đồng còn mới (sao dạo này xứ ta tiền 500 mới tinh lắm thế, chả nhẽ...), vuông thành sắc cạnh, chất đầy căn nhà. Đống truyền đơn ấy, chả biết tải nội dung gì, nhưng lựa gió thả sang miền Nam, chỉ rợp trời cũng đủ chết ngộp.


Thực ra người Nam Hàn, nhất là bộ máy lãnh đạo hiện thời, không ngu ngơ âm lịch đến thế. Thời này là thời nào mà còn thả truyền đơn như thả gà thả vịt. Đó chỉ là sản phẩm, hành vi của mấy người Bắc Hàn đào tẩu sang miền Nam ruột thịt thôi. Họ thả mặc họ, chính quyền phương nam vốn tôn trọng quyền tự do nên chẳng ngăn cấm, thậm chí còn thấy hơi lời lợi nữa là khác, cấm làm gì. Chỉ có điều, bây giờ, thời buổi internet thống trị, cách mạng 4 chấm 0, nghe đấu tranh, tuyên truyền bằng phương thức thả truyền đơn, cứ thấy buồn cười. Bắc Hàn, tức Triều Tiên, không có internet đã đi một đằng, chứ ai lại dúi giấy vào tay người Nam Hàn thì khó coi quá. Có nhẽ trên mọi ngõ ngách quả địa cầu chỉ mấy anh cộng sản là mê truyền đơn nhất, bất kể thời nào, khi đấu tranh giai cấp ác liệt cũng như lúc tiến nhanh tiến mạnh tiến vững chắc lên chủ nghĩa xã hội.

Muốn biết truyền đơn là gì, mổ xẻ nghĩa từ của nó chút đã. “Truyền” có nhiều nghĩa nhưng trong trường hợp này thì có nghĩa là làm lan ra thứ gì đó, đưa đi khắp nơi, phổ biến, tuyên truyền. Truyện Kiều có câu “Phong tình cổ lục còn truyền sử xanh”, cái chuyện trai gái xưa cũ ấy được lưu truyền từ đời này qua đời khác; còn trong Chinh phụ ngâm, nhà vua “nửa đêm vang tiếng lệnh truyền”, đôn quân bắt lính vào lúc khuya khoắt đang say ngủ thì có chạy đằng giời cũng chả thoát. “Đơn” là tờ giấy nhỏ, trên đó thể hiện nội dung nhất định, có khi bằng chữ, hoặc bằng hình ảnh. Ngày xưa, để phổ biến rộng rãi trong đám quần chúng, người ta vừa dán yết thị ở nơi đông người, vừa in những tờ nho nhỏ bằng bàn tay rồi đem rải nơi đường sá, chợ búa để dân chúng nhặt lên, đọc xem phổ biến cái gì. Những thứ mà chính quyền công khai tung ra qua tờ truyền đơn, ai nấy có thể coi thoải mái, nhưng có những tờ truyền đơn bị rải lén lút, nếu vô tình nhặt được phải mắt trước mắt sau, giấu diếm cho kỹ, về nhà mới dám giở ra coi. Có ối anh đi tù chỉ bởi bị nhà chức việc khám trong người thấy tờ truyền đơn. Tang chứng vật chứng rành rành, càng cãi tội càng nặng. (còn tiếp)

Nguyễn Thông

3 nhận xét:

  1. Em được học và còn nhớ là:
    Trống trường thành lung lay bóng nguyệt
    Khói Cam Tuyền mờ mịt thức mây
    Chín tầng gươm báo trao tay
    Nửa đêm truyền hịch định ngày xuất chinh
    ....
    (Chinh phụ ngâm khúc)
    Em đâu thấy "đôn quân bắt lính vào lúc khua khoắt " đâu! Chỉ là định ngày xuất chinh thôi mà.
    Bác lại "thời sự" rồi (....đang say ngủ thì có chạy đằng giời cũng chả thoát).

    Trả lờiXóa
  2. Đọc bài của Ng. Thông, toi nhớ thời chống Pháp, máy bay Đacota của Pháp thả truyền đơn ngập trời. Bọn trẻ con chúng tôi chưa biết chữ, chạy theo nhặt những tờ giấy xanh đỏ tuyệt đẹp ấy thích lắm. Thể là các ông tuyên giáo bảo: Pháp nó bôi thuốc độc lên tờ truyền đơn đấy, chúng mày sờ vào là chết nhe răng cả nút!

    Trả lờiXóa