Bạn bè

Tổng số lượt xem trang

Tìm kiếm Blog này

Thứ Sáu, 28 tháng 8, 2020

Góp ý với các nhà báo (phóng viên, biên tập viên): Tại ngoại hậu tra

Hôm 11.7, công an ban lệnh khởi tố tay phó chủ tịch thành phố HCM Trần Vĩnh Tuyến về tội “tham nhũng”. Trúng ngày thứ bảy cuối tuần, tin tức đang hẻo, báo chí như bắt được vàng, đồng loạt khai thác sự kiện nóng này. Tôi ngồi trên xe khách lắc lư từ Bảo Lộc về, mắt nhắm mắt mở do say xe, đọc cái tít của “tờ” Vietnamnet, rằng “Ông Trần Vĩnh Tuyến được tại ngoại hầu tra”. Chán, báo với chả chí, chữ với chả nghĩa.

Những người làm trong cơ quan bảo vệ pháp luật chắc không mấy ai lạ lẫm với cụm từ Hán Việt này. Đúng ra, chính xác phải là “tại ngoại hậu tra”, mà chính xác hơn nữa thì “tại ngoại hậu cứu”. Nhưng người ta cứ “hầu tra” riết, thế rồi cứ coi như vậy thành đúng. Báo chí sai đã đi một nhẽ, thậm chí có cả những luật sư, quan tòa, công tố viên, kiểm sát viên, rồi cả ông to bà nhớn lãnh đạo cơ quan pháp luật cũng mở mồm “tại ngoại hầu tra”.

Để biết đúng sai, cần xem xét nghĩa của từng chữ trong cụm Hán Việt này. “Tại” nghĩa là ở, chỉ vị trí một nơi nào đó. Tu tại gia là tu ngay ở nhà (chứ không cần vào chùa), học tại chức là học khi đang còn giữ chức vụ làm việc (không cần phải nghỉ hẳn để tập trung suốt thời gian trong trường). Xưng hô “tại hạ” tức là khiêm tốn với người trên, cấp trên, ý rằng mình đang ở (tại) dưới (hạ) người ta.


“Ngoại” có nghĩa bên ngoài, phía ngoài, ở ngoài. Ngoại quốc là nước ngoài, ngoại thất là phần trang trí phía bên ngoài căn nhà, ngoại giao chỉ sự giao thiệp với nước ngoài. Đối lập với ngoại là nội, phần bên trong. Cụ Hồ có câu “thân thể tại ngục trung/tinh thần tại ngục ngoại”, nghĩa là con người mình, thể xác mình đang bị nhốt trong ngục (nhà tù), nhưng tinh thần ý chí tâm hồn suy nghĩ của mình thì vẫn ở bên ngoài. Đó cũng là một cách tự mình tại ngoại, chống lại hoàn cảnh. Người xưa từng răn “nhất nhật tại tù, thiên thu tại ngoại”, một ngày ở trong tù, cảm thấy dài như nghìn năm ở bên ngoài.
“Tại ngoại” có nghĩa ở bên ngoài. Với người phạm tội, được tại ngoại tức là chưa/hoặc không bị giam, còn được phép ở bên ngoài nhà giam.

“Hậu” là phía sau, đằng sau, về sau (xét cả về không gian và thời gian). Thành ngữ cổ có câu “Vô tiền khoáng hậu”, hoặc “Không tiền khoáng hậu”, theo nghĩa về thời gian, rằng trước kia (tiền) chả có gì (vô, không), mà về sau (hậu) cũng vẫn trống (khoáng), chả có gì.

“Tra” và “cứu” đều có nghĩa là xem xét, xét đoán, tra hỏi, tra khảo, kiểm điểm để làm rõ điều gì đó, có tội hay không có tội, đúng hay sai, v.v..

“Hậu tra” là ở ngoài chờ tra hỏi, tra xét sau. Với những người chưa được điều tra thấu đáo, chưa nắm rõ hết hành vi phạm tội, hoặc đóng tiền thế thân, cứ tạm để đương sự ở bên ngoài, bao giờ nắm được sự vi phạm cụ thể thì tùy tình hình sẽ bắt giam, hoặc hủy lệnh khởi tố. Phương thức tại ngoại hậu tra là sự cẩn thận cần thiết của pháp luật, thời nào cũng vậy.

Nói tóm lại, “tại ngoại hậu cứu”, “tại ngoại hậu tra” tức là cho ai đó ở bên ngoài nhà giam, nhà tù để chờ xét, để xét sau, chờ kết tội. Trong thời gian đương sự tại ngoại, cơ quan điều tra vẫn tiếp tục xem xét, điều tra. Bao giờ xét xong sẽ tính tiếp.

Câu ấy là vậy. Thế mà chẳng hiểu sao bị người ta bẻ quặt thành “tại ngoại hầu tra”, lại còn giải nghĩa rằng cho ở bên ngoài, được phép ở ngoài để theo hầu, kiểu như hầu kiện, hầu quan, ở ngoài nhưng nhà chức việc muốn lôi muốn gọi hạch tội lúc nào cũng được. Thế thì còn cho tại ngoại làm gì, cứ bắt giam luôn có phải gọn không.

Nhớ một buổi chiều năm xa, cô tiếp tân cơ quan báo tin tôi có khách. Tưởng ai, hóa ra nhà văn Thái Vũ. Cụ tác giả của rất nhiều tiểu thuyết lịch sử này là người thông thạo tiếng Pháp và chữ Hán. Nhân trò chuyện, tôi hỏi cụ, bác ơi, "tại ngoại hậu tra" hay "hầu tra". Cụ Vũ tròn mắt bảo, đến cái thành ngữ này mà ông cũng không hiểu à, hậu tra chứ sao lại hầu tra. Cụ giảng giải một hồi, tôi càng tin là mình đúng, bởi mới hôm qua, sếp tổng thư ký tòa soạn cứ bảo tôi sai, thậm chí sếp còn dẫn thêm phải viết là "công xúc tu sĩ" chứ không phải "tu sỉ", nghĩa là công khai xúc phạm tu sĩ, xúc phạm thầy tu. Tôi nghe thế cứ ớ ra, chán ặt.

Các nhà báo bây giờ, lúc nào cũng tự ngầm cho mình có trình độ, hiểu biết hơn người, vậy mà đọc xong điều họ viết cứ tức anh ách.

Nguyễn Thông

2 nhận xét:

  1. Anh Thông có tiêu đề bài viết "Góp ý với các nhà báo" thì không nên chi chiết những "tại" những "ngoại". Đi sâu vào món 'tại-ngoại', bạn đọc bình thường, chứ chưa nói đến nhà báo (phóng viên, biên tập viên), đều có chung một chút xíu tự ái bị-giáo-dục. Cái cần giải thích ở đây là HẬU hay HẦU. Dân gian bị nhiễm cách hiểu theo thói quen "HẦU TÒA" và "TẠI NGOẠI HẦU TRA", chẳng những trong khẩu ngữ mà còn trong các văn bản tư pháp suốt 20 năm quen dùng trong chế độ VNCH. Và, ai ai cũng mặc nhiên gọi, viết "tại ngoại hầu tra" mà không cần tìm hiểu. Đem chuyện Bác Thái Vũ để tăng giá trị, khẳng định lý luận của Anh thì không cần thiết. Theo tôi: Kiến thức Anh nêu trong bài viết là hoàn toàn chính xác. Vì sao? Đơn giản, có từ TRA liền sau. TRA là xét, hỏi, củng cố chứng lý đúng, sai để trình Tòa. Ở giai đoạn TRA (xét hỏi)thì bình đẳng công dân, nhân phẩm chưa bị pháp luật chế tài nên không HẦU bất cứ ai để bị hoặc được xét hỏi. Chào và kính Anh.

    Trả lờiXóa
  2. báo chí đã viết thì phải có kiểm chứng

    Trả lờiXóa