Bạn bè

Tổng số lượt xem trang

Tìm kiếm Blog này

Thứ Bảy, 30 tháng 1, 2021

Thành ngữ mới “Mặt nghệt như mất sổ gạo” (kỳ 4)

Lại nói, chỉ cán bộ công nhân viên ăn lương nhà nước và dân thành phố có hộ khẩu mới được cấp sổ gạo, còn những thành phần khác như nông dân, người lao động tự do, dân buôn bán phe phẩy… phải tự mày mò tìm gạo mà bỏ vào mồm. Người có sổ gạo, ít nhất cũng tạm yên tâm mỗi tháng có hơn chục ký lương thực, không lo nỗi tháng ba ngày tám, mất mùa, bão lụt thiên tai. Cứ tới ngày quy định, đem sổ ra cửa hàng lương thực mua gạo theo giá nhà nước, thường chỉ 3 - 4 hào/ký.

Nghe thì đơn giản dễ dàng, nhưng “đoạn trường ai có qua cầu mới hay”, không ở trong chăn sao biết chăn có rận. Riêng cái vụ xếp hàng mua gạo cũng đủ chất liệu cho cuốn tiểu thuyết dày dặn về thời bao cấp, các nhà văn ạ. Tôi có nhiều người thân mưu sinh ngoài phố, cũng chỉ công nhân viên hoặc buôn bán nhì nhằng, kể cho nghe nỗi khổ sổ gạo, mua gạo. Tháng nóng cũng như tháng rét, nửa đêm gà gáy đã mò mẫm dậy đi xếp hàng. Tưởng mình đi sớm, “chòm sao đưa nguyệt vượt lên ngàn/người đi cất bước trên đường thẳm”, ai dè tới nơi đã thấy dài dằng dặc. Đứng mãi mỏi chân thì đặt viên gạch, hòn đá, chiếc dép để xếp lốt, hoặc nhắn nhe gửi người trước người sau. Vậy nhưng tới khi mậu dịch viên mở cửa kêu nộp sổ, lại nháo nhào lên như chợ vỡ, thậm chí như bãi chiến trường, tranh cãi, chửi mắng, cả tỉ thí tay chân. Hạt gạo để ăn thấm đầy tủi nhục. Giành nhau hạt gạo bỏ vào mồm, chả khác gì đám thú hoang hung dữ cướp đoạt con mồi. Không ít trường hợp tới lượt mình thì hết gạo, hết giờ bán hàng, lại ngao ngán thở dài, phẫn uất, lại chuẩn bị cho cuộc xếp hàng mới. Chẳng phải vô lý khi người ta dịch cụm từ XHCN (xã hội chủ nghĩa) thành “xếp hàng cả ngày”. Xếp hàng là đặc trưng nổi bật của chế độ xã hội chủ nghĩa ưu việt, một thứ khổ nạn buộc con người ta phải chấp nhận, chịu đựng. Mua bất cứ thứ gì từ cửa hàng nhà nước đều phải xếp hàng. Nhiều khi đang đi đường, thấy người ta nháo nhác xếp hàng, mình cũng nhào tới xếp vào hàng đã, dù chưa biết trong kia đang bán món chi.

Mua gạo nhưng đâu phải tất cả đều gạo. Lương thực là một khái niệm rộng, chỉ tới khi mậu dịch viên cân bán từng loại mới biết. Nhiều năm dài, tiêu chuẩn tháng thường dân 14 ký gạo nhưng gạo chỉ chiếm non nửa, còn lại là “lương thực”, đủ thứ bột mì, mì sợi, khoai, sắn, lúa mạch (miền Nam gọi tên hạt bo bo)… Mà gạo nhiều khi hẩm, mục, hôi, đầy mọt, đầy bông cỏ, sạn sỏi; bột mì thì vón, mọt lổm ngổm đen hơn bánh đa vừng. Tất cả chỉ đáng để nuôi lợn, được ưu tiên dành cho con người, theo hệ thống phân phối xã hội chủ nghĩa. Nói không quá đáng, con người bình dân thời ấy bị xem thường, coi khinh coi rẻ, bị xem là đối tượng nhận bố thí ban phát của nhà nước. Không mấy ai dám chê, chê sẽ tự loại mình khỏi cuộc tồn tại.

Hệ thống cửa hàng mậu dịch bách hóa, cửa hàng lương thực, thực phẩm thương nghiệp nhà nước đã tạo ra một tầng lớp quyền uy: mậu dịch viên. Lương chỉ 3 - 4 chục đồng/tháng nhưng nắm quyền sinh quyền sát, thương ai người ấy được nhờ. Chiếm được cảm tình của cô mậu dịch viên chẳng khác gì đời lên hương. Khỏi phải xếp hàng, luôn mua được thứ ngon. Thời ấy, lấy chồng thì chọn thủy thủ viễn dương Vosco, lấy vợ cứ nhắm mậu dịch viên là nhất, mở mày mở mặt với đời. Thị trấn huyện Kiến Thụy (HP) quê tôi, dãy phố mới dài ven sông, gia chủ hầu hết là nữ mậu dịch viên, chứ người thường làm chi đủ tiền chen vào đó. Vậy nên, suất bán hàng thương nghiệp nhà nước thường chỉ dành cho con ông cháu cha, người bình dân không mấy khi tới lượt.

Mua lương thực, thực phẩm, hàng tiêu dùng, không phải ai cũng chịu cảnh xếp hàng, chen lấn vất vả, chí chóe tranh giành. Dân thôi, chứ cán bộ nhà nước, nhất là quan, quan to, gia đình quan thì có hệ thống cửa hàng riêng. Nhà cai trị công khai đặt ra hệ thống ưu tiên phân biệt đẳng cấp như vậy, mặc dù lúc nào họ cũng rêu rao bình quyền, bình đẳng, công bằng, dân chủ, văn minh. Những thứ hàng tốt nhất, ngon nhất, đẹp nhất, giá trị nhất, rẻ nhất được dành riêng cho quan và nhà quan. Thời bao cấp, những siêu cửa hàng nức tiếng thủ đô như Nhà Thờ, Tôn Đản, hoặc Bạch Đằng (ở Hải Phòng) đã đào sâu hố ngăn cách tầng lớp cai trị (cán bộ, đảng viên, người lãnh đạo) với nhân dân. Quyền trong tay, họ muốn làm gì chả được. Dân chúng có phàn nàn, kêu rêu, chỉ biết thì thầm với nhau “Tôn Đản chợ của vua quan/Nhà Thờ chợ của trung gian nịnh thần/Đồng Xuân chợ của thương nhân/Vỉa hè chợ của nhân dân anh hùng”. Đó chính là thứ biên niên sử ngắn gọn lột tả chính xác chế độ bao cấp, sự phân biệt đối xử tàn bạo bất nhân lúc bấy giờ.

Thôi thì “nghĩ mình phận mỏng cánh chuồn”, con sâu cái kiến, được cấp cuốn sổ mua gạo là may lắm rồi. Nhưng lỡ đánh mất hoặc bị ăn cắp sổ gạo thì mới là cú trời giáng, đòn đau của số phận. (còn tiếp)

Nguyễn Thông

1 nhận xét: