Bạn bè

Tổng số lượt xem trang

Tìm kiếm Blog này

Thứ Hai, 14 tháng 2, 2022

Ghi chép thời sự dịch 2021: Những tháng ngày đen tối (kỳ 20)

12.10

Tại cuộc họp giữa Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Chính phủ, ông Vương Đình Huệ chủ tịch Quốc hội trấn an “tiền trong dân còn khá nhiều, đừng lo, vấn đề là phải biết cách huy động”. Có nhẽ ông Huệ nhắc lại điều này bởi mấy hôm trước, ông Phớc bộ trưởng tài chính rất lo lắng khi thông báo “ngân sách đã gần như cạn kiệt”.

Thực ra, việc luôn nghĩ rằng dân đang giàu ngầm, tiềm năng thế mạnh là túi tiền dân, vàng trong dân còn nhiều - ít nhất cũng tới 500 tấn… từng được nhiều cán bộ to bày tỏ trong những cuộc họp, nên suy nghĩ của ông Huệ chả phải mới mẻ gì. Chỉ có điều ông ta đang làm chủ tịch Quốc hội, ngôi tứ trụ, mà ăn nói thế trong lúc dân đang sống dở chết dở bởi dịch Vũ Hán, nghe cứ sường sượng, giống như ăn phải củ khoai hà khoai sùng đắng ngắt, nuốt không nổi.

Cao gọi điện bảo, mày ạ, nhiều đứa làm chính trị, bất tài vô hạnh, nhạt như nước ốc, có khi cả đời không được ai nhắc đến hoặc nhớ tới, nhưng nó chỉ cần một lần ngó vào túi dân là được dậy sóng ngay, thu hút ngay. Cao còn nhận xét, có khi đó là chiêu là mánh của chúng để nổi tiếng, giống như xưa kia ở La Mã có thằng Herostratus đốt đền thờ nữ thần Artemis, biết là điều điều cực kỳ tệ hại nhưng được người ta nhớ tới tên.

13.10

Mấy hôm trước, trên nhiều báo mậu dịch có hình ảnh ông thủ tướng Chính đi nơi này nơi khác kiểm tra tình hình phòng chống dịch, mặc chiếc áo sơ mi kaki đẫm mồ hôi. Đất phương nam nóng như thế, đẫm là chuyện không tránh khỏi. Hôm nay một số báo lại đăng câu nói của bà Thái Hương tại cuộc đại diện chính phủ gặp gỡ các nhà doanh nghiệp bàn cách phục hồi kinh tế. Bà Hương là chủ hãng sữa TH khá nổi tiếng, có chân trong nhiều ngân hàng, công ty… Đạt được ngôi vị thế là ổn rồi, cần quái gì phải nịnh nọt thêm. Bà Hương nịnh: “Hình ảnh áo sơ mi thủ tướng đẫm mồ hôi khi chỉ đạo phòng chống dịch đã đánh thức chúng tôi nỗ lực cống hiến”. Quả là căn bệnh nan y, khó chữa.

Nhà thơ Bùi Chí Vinh viết: “Trong khi dân tả tơi/Thì quan nung núc thịt/Thậm chí mùi mồ hôi/Cũng có người yêu thích”. Công nhân thơ của y (Vinh) khiếp thật, chỉ vài câu mà nặng hơn bài đặc chữ nghìn trang giấy.

Số liệu do nhà nước công bố trên báo mậu dịch: Trong thời gian qua, số người từ các tỉnh thành phía nam (nhất là TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai) bỏ về quê để trốn dịch trốn đói là: Nghệ An 87.000 người, Sóc Trăng 50.000, các tỉnh An Giang, Thừa Thiên-Huế, Kiên Giang mỗi tỉnh 40.000, Đồng Tháp 26.000, Cà Mau 20.000… Hàng chục vạn người đã thực hiện cuộc di tản khổng lồ, có lẽ chỉ kém 2 lần di tản trước vào năm 1954-1955 và sau 1975. Hai cuộc trước liên quan tới cộng sản, cuộc này thì do dịch.

14.10

Dù chính quyền Sài Gòn đã dỡ bỏ lệnh phong tỏa tới nay đã gần nửa tháng nhưng nhiều chỗ buôn bán, siêu thị, chợ búa vẫn thực hiện máy móc, vẫn ngăn cản khách hàng, kiểm tra gắt gao, đòi phải khai báo này nọ, chẳng hạn ai không đem theo kết quả xác nhận đã tiêm 2 mũi vắc xin thì không cho vào; chợ truyền thống vẫn chưa được mở…

Chồng cô Vân đi siêu thị mua đồ về, than thở càu nhàu, này, tao bảo cho mày biết (mày tức là siêu thị), đã hết giãn cách rồi, các chỉ thị 15, 16, 17 dẹp hết rồi, hết hiệu lực rồi, dịch chạy trốn con mẹ nó rồi, mà chúng mày lấy danh nghĩa chống dịch, cứ cứng nhắc hống hách, bắt người vào mua hàng phải trình giấy đã tiêm đủ 2 mũi vắc xin, không có giấy đó hoặc chỉ mới 1 mũi thì đuổi về, không cho vào, ai đã được vào mày còn hành hạ bắt khai báo, xếp hàng ngồi chờ tới lượt, thì tao nói thẳng, tao cũng cóc cần, dẹp mày, nghỉ chơi. Không mợ thì chợ vẫn đông, tao tới chỗ khác mua, nhé. Tao cạch cái mặt mày ra, rồi xem mày hách xì dầu mãi được không… Lão nói một thôi một hồi, cứ như vừa đi đánh nhau về.

Phải nói thẳng, tới lúc này mà còn đè con nhà người ta ra bắt khai báo này nọ, rất vớ vẩn. Chả đứa nào thật thà bảo rằng tôi bị ho bị sốt, bị cách ly, ông cho tôi vào mua đồ với. Bên bọn máy bay cũng vậy, cũng rất vớ vỉn. Nó đã mua vé bay, lại còn khai với ông là nó ho sốt thì khác quái gì tự hủy chuyến. (còn tiếp)

Nguyễn Thông

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét