Bạn bè

Tổng số lượt xem trang

Tìm kiếm Blog này

Thứ Năm, 3 tháng 2, 2022

Ghi chép thời sự dịch 2021: Những tháng ngày đen tối (kỳ 15)

15.9

Theo báo cáo của chính quyền TP.HCM, được Bộ Y tế công bố, số ca tử vong do dịch Covid ở Sài Gòn cao khủng khiếp, chẳng hạn hôm 22.8 lên tới 340 người chết, những ngày sau cứ bình quân trên dưới 300 mỗi ngày, kéo dài cả tháng nay. Nhưng những người nắm được nhiều thông tin thì bảo số công bố ấy chưa là gì, đó chỉ như phần nổi của tảng băng chìm, chứ số thực còn gớm hơn nhiều. Điều đó có cơ sở bởi chính ông bí thư Nên cũng thừa nhận việc dồn người bị nhiễm vi rút vào các bệnh viện dã chiến, các khu tập trung, khu cách ly nhưng hệ thống y tế không kham nổi, người bệnh không được chăm sóc, điều trị, ăn uống đầy đủ… đã khiến số tử vong tăng cao.

16.9

Ông Phùng Quang Thanh chết hôm qua 15.9. Đại tướng quân ngày xưa chết nơi trận tiền, còn đại tướng thời nay chết trên giường, làm gì còn chuyện “gieo Thái Sơn nhẹ tựa hồng mao”, ông hàng xóm nhà tôi bảo vậy. Nhà nước tổ chức tang lễ cấp nhà nước, đưa về chôn ở quê. Dư luận lại được dịp eo sèo về chuyện mồ mả lăng tẩm, nhất là tốn đất, những mấy nghìn mét vuông. Đất đai theo luật nhà nước thuộc sở hữu toàn dân, nhưng với ông to bà nhớn, khi sống cũng như lúc chết, có luật riêng, đố đứa nào dám động vào.

Vụ ông Thanh chết, buồn cười nhất việc báo Tiền Phong viết bài về lễ tang, chả biết do cẩu thả hay có ý đồ gì, chơi luôn cái chú thích ảnh: “Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng đưa linh cữu đại tướng Phan Văn Giang rời nhà tang lễ quốc gia về nơi an nghỉ cuối cùng”. Thiên hạ cười bò, bảo nhau phen này thằng Tiền Phong toi. Ngày 16.9 báo phải đăng lời xin lỗi vì đã “làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín đồng chí đại tướng Phan Văn Giang”. Dư luận lại cười, thắc mắc chả biết ảnh hưởng đến uy tín là sao, không lẽ nói bị chết là làm mất uy tín.

17.9

Ông Hồ Đức Phớc, Bộ trưởng Bộ Tài chính lên mặt báo và tivi kêu thảng thốt “hiện nay ngân sách nhà nước rất khó khăn, trung ương gần như không còn đồng nào”.

Trên mạng xã hội phây búc có cái thông báo buồn về việc tìm người. Nội dung đại loại: Nhà sách Quân Trí tại 63 Phan Đăng Lưu, phường Hòa Cường Nam, quận Hải Châu, TP.Đà Nẵng tìm một phụ nữ trung niên khoảng 30 - 40 tuổi. Người đàn bà này vào nhà sách mua sách giáo khoa và cặp sách cho con gái học lớp 4. Khi tính tiền, nhân viên thu ngân nói cả thảy 600.000 đồng. Chị ta nhận túi hàng nhưng không trả tiền và bỏ chạy. Nhà sách lúc ấy do đang dịch khá vắng nên không có người đuổi theo, chỉ thông báo trên bảng trước cửa và đưa lên mạng “mong chị ngày mai đến trả tiền, hoặc hàng (nếu chị không có tiền), còn không thì chúng tôi buộc lòng phải cung cấp video camera và ảnh chụp biển số xe của chị cho công an”. Có người đọc xong “lệnh truy nã” trên đã biên rằng “đọc xong, tôi chảy nước mắt. Sao dân mình khổ đến thế này hở trời”.

Báo “Người đô thị” đăng bài của nhà báo Phúc Tiến “Cần đặt trả lại lư hương và tôn tạo tượng đài Trần Hưng Đạo” nhân ngày giỗ Đức thánh Trần 20.8 âm lịch. Báo đăng sáng, chưa hơn nửa ngày thì chiều bị bóc gỡ, chắc do chịu áp lực quá khiếp. Thiên hạ nhận xét những lời nói phải, hợp lòng dân bây giờ nhà cai trị không muốn nghe, đức thánh cũng không là gì đối với họ. Không chỉ bị gỡ bài mà có khi còn bị phạt, về tội… nói đúng.

18.9

Trên trang điện tử BBC, khi viết về nước Cuba chống dịch, chống theo kiểu “tự lực cánh sinh”, “tự do hay là chết”, nhà báo nổi tiếng Pico Iyer nhận xét về Cuba và Fidel. Ông viết “Fidel là người rất tài giỏi trong việc biến quê hương yêu dấu của mình thành một dạng nhà tù với các biện pháp an ninh tối đa, dùng bàn tay sắt của quân đội và cảnh sát để trấn áp, dân chúng sợ hãi, đặt nước này vào tình trạng trì trệ triền miên. Người Cuba suốt 55 năm đã sống với giấc mơ về thế giới bên ngoài”.

Ông bạn tôi bảo, hay là lão Pico ấy nói bóng gió về xứ ta. Thế giới này đâu phải chỉ mỗn Cuba. (còn tiếp)

Nguyễn Thông

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét