Bạn bè

Tổng số lượt xem trang

Tìm kiếm Blog này

Thứ Hai, 30 tháng 5, 2022

Một dịch phẩm mắc nhiều sai sót vẫn được giải Sách hay 2020 (kỳ 4)

 Ví dụ 9:

Tiếng Anh: While I am capable of engaging in doubt about its reality, I am obliged to suspend such doubt as I routinely exist in everyday life. (p. 23)

Tiếng Việt: Nếu tôi có khả năng bắt đầu hoài nghi về thực tại này, thì tôi bị buộc phải gác lại sự hoài nghi đó vì tôi vẫn phải tồn tại theo nề nếp thông thường trong đời sống thường nhật. (tr. 42)

Nhận xét: “While…” ở đây không được chuyển nghĩa là “khi” như các ví dụ 3 và 8 ở trên nữa, mà bị người dịch bịa đặt ra nghĩa “nếu” theo cách hiểu riêng và kỳ quái của mình rồi gán cho nó (nghĩa này hoàn toàn không có trong Từ điển Anh – Việt và Oxford), còn mệnh đề đầu của câu bị biến dạng thành kết cấu “nếu…thì…”. Do đó ý nghĩa của mệnh đề này trong câu dịch đã sai hẳn với nguyên ngữ.

Tương tự như đã nêu ở nhận xét trong các ví dụ 3 và 8, theo Từ điển Oxford (Thompson, 1995: 1596), cần dịch “while” là “mặc dù” (hoặc “tuy”) mới lột tả đúng ý tác giả, vì đây là câu có kết cấu hai vế nhằm nhấn mạnh sự khác biệt, thậm chí tương phản giữa hai vế đó (“mặc dù…nhưng…”). Ý định nhấn mạnh sự tương phản giữa hai mệnh đề (mặc dù … hoài nghi nhưng…) nổi bật lên rất rõ rệt.

Gợi ý đọc: Mặc dù tôi có khả năng hoài nghi về sự có thật của nó, nhưng tôi buộc phải gác lại sự hoài nghi đó vì tôi vẫn phải tồn tại theo nề nếp thông thường trong đời sống thường nhật.

Ví dụ 10:

Tiếng Anh: - Put negatively, it is comparatively difficult to impose rigid patterns upon face-to-face interaction. (p. 30)

- Put differently, while it is comparatively difficult to impose rigid patterns on face-to-face interaction, even it is patterned from the beginning if it takes place within the routines of everyday life. (p. 30)

Tiếng Việt: - Nhìn dưới góc độ âm bản, những khuôn mẫu cứng nhắc thường khótồn tại được trong tình huống tương giao trực diện. (tr. 50)

- Nói khác đi, tuy tương đối khó áp đặt những khuôn mẫu cứng nhắc vào trong sự tương giao trực diện, nhưng sự tương giao này vẫn diễn ra theo khuôn mẫu ngay từ đầu nếu nó xảy ra trong khuôn khổ những nề nếp sinh hoạt của đời sống thường nhật [...]. (tr. 51)

Nhận xét:

- Cùng một động từ “to impose” được dùng trong hai câu trích, mà ở câu trên thì nó đã bị dịch thành “tồn tại”, còn ở câu dưới – dịch là “áp đặt”.

- Cùng cụm từ “face-to-face interaction” nhưng ở trên thì dịch là “tình huống tương giao trực diện”, còn ở dưới lại là “sự tương giao trực diện”.

- Cùng cụm từ “comparatively difficult” song ở câu trên thì dịch là “khó”, còn ở dưới là “tương đối khó” – tức là mức độ khác hẳn nhau.

Thiết nghĩ ba trường hợp trên đã đủ để rút ra nhận xét về cách dịch: quả là tùy tiện! Vì nhóm dịch không cho biết ai chuyển ngữ phần nào của sách, nên không rõ các trang nguyên ngữ trên do một hay nhiều người dịch? Nếu nhiều người dịch, thì tình trạng này có lẽ phần nào là hậu quả khó tránh khỏi của việc một cuốn sách được chia ra cho tới 9 người (còn xé lẻ hơn là “chia năm sẻ bảy), khiến cùng một từ nhưng mỗi người lại dịch theo cách riêng. Tuy nhiên người chủ biên dịch thuật cần cùng cả nhóm bàn luận và đi đến thỏa thuận thống nhất càng nhiều càng tốt, và chịu trách nhiệm chung. Chính những chỗ này cần đến vai trò của người điều phối (chủ biên dịch thuật), nhưng ông Quang đã thể hiện rất mờ nhạt. Và vì nhiều người tham gia, một cách hữu hiệu để gia tăng sự thống nhất và nhất quán trong khi dịch là tránh tình trạng mỗi người dùng một từ điển riêng, mà nên cùng tra cứu một từ điển thông dụng – ví dụ Từ điển Anh – Việt của Viện ngôn ngữ. Cần lưu ý điều này, đặc biệt trong bối cảnh thị trường sách xuất hiện nhan nhản đủ mọi loại từ điển khác nhau hiện nay.

Còn nếu các trích đoạn trên do một và chỉ một người chuyển ngữ, thì quả là không hề có sự nhất quán trong việc dịch nghĩa cùng một từ và cụm từ tiếng Anh. Người dịch tùy hứng dùng chữ chọn lời, chỗ thì dịch thế này, chỗ lại dịch khác, bất chấp thực tế rằng các từ và cụm từ trong nguyên ngữ chỉ là một. Không thể chấp nhận bất cứ lời biện bạch nào cho sự tùy tiện đó, đặc biệt sự bịa đặt ra và gán ghép cho động từ “to impose” cái nghĩa “tồn tại” một cách sai trái, vì không từ điển nào dịch nghĩa hay giải thích như vậy!      

Gợi ý đọc: - Nhìn dưới góc độ âm bản, so ra thì khó mà bắt buộc sự tương giao trực diện phải gò theo những khuôn mẫu cứng nhắc.

- Diễn đạt một cách khác đi, tuy so sánh thì khó bắt buộc sự tương giao trực diện phải gò theo những khuôn mẫu cứng nhắc, nhưng ngay từ đầu sự tương giao này đã diễn ra theo khuôn mẫu nếu nó xảy ra trong khuôn khổ những nề nếp sinh hoạt của đời sống thường nhật.

Ví dụ tiếp theo được nêu ra cuối cùng nhưng hiện diện ngay ở tờ đầu tiên (tức tờ bìa) của sách, và bao trùm lên hết thảy. Đó là cách dịch không thỏa đáng đối với nhan đề của cuốn sách, khiến độc giả lạc hướng.

Ví dụ 11: Cách dịch nhan đề sách khiến độc giả lạc hướng

Tiếng Anh: “The social construction of reality […]”

Tiếng Việt: “Sự kiến tạo xã hội về thực tại […]”

Nhận xét: Nếu người ta chỉ nhìn vào mặt chữ thì cách dịch trên xem ra có vẻ ổn. Tuy nhiên nếu độc giả đặt câu hỏi xem rút cục các tác giả muốn nói gì trong cuốn sách trừu tượng, khó đọc này, và nếu nghiền ngẫm tìm lời đáp, tìm luận điểm chủ chốt của sách thì độc giả thấy rằng: thực ra cách dịch trên không nắm bắt được, càng không làm rõ, mà che mờ đi luận điểm cơ bản, hay ý tưởng chủ đạo của sách. Ý tưởng này không lẩn khuất đâu xa, mà đã được hai tác giả trình bày ngay ở câu đầu tiên: “The basic contentions of the argument of this book are implicit in its title […], namely, that reality is socially constructed […]” (p. 1).

Nhóm dịch đã chuyển nghĩa câu trên thành: “Các luận điểm căn bản của luận đề của tập sách này nằm hàm ẩn ngay trong cái tựa chính […] của cuốn sách, đó là: thực tại được kiến tạo về mặt xã hội […]” (tr. 7).

Khoan hãy nói về cách chọn từ trong lời dịch, trước hết chúng ta cần nêu rõ điều sau đây.  

Bằng những chữ mà tôi in đậm, các tác giả đã đưa ra một sự tóm tắt luận điểm cơ bản của sách một cách cực kỳ hàm súc, cô đọng. Cuốn sách là một nỗ lực để chứng minh rằng: thực tại không tồn tại độc lập với con người tới mức người ta không thể rũ bỏ nó, mà thực tại được kiến tạo ra trong tương tác xã hội. Ý tưởng chủ đạo của sách không phải “sự kiến tạo xã hội về thực tại”, mà là sự kiến tạo thực tại về mặt xã hội. Nói cách khác, trong cách dịch trên bìa sách, thì đối tượng của “sự kiến tạo” là “xã hội”. Nhưng theo ý tưởng của sách, đối tượng của sự kiến tạo chính thực tại, chứ hoàn toàn không phải “xã hội” như đã dịch. Nhan đề sách là một cách diễn đạt khác của câu ở trang 7 mà tôi in đậm trên đây. Những ai đã quen với việc tóm tắt tác phẩm – một trong những hoạt động nghề nghiệp không thể thiếu theo thông lệ quốc tế - và từng phải vật lộn để trình bày rút gọn nội dung cuốn sách vô cùng khó nắm bắt này của Berger và Luckmann chắc chắn sẽ đánh giá cao sự chỉ dẫn, hỗ trợ quý báu của hai tác giả ở câu mở đầu cô đọng trên đây. Lý do là nhờ nó mà nhiệm vụ giống như “bắt voi bỏ rọ” của họ bớt gian nan hẳn đi. Tuy nhiên khi dịch “cái tựa” (từ mà nhóm dịch dùng để chỉ nhan đề sách) nhóm đã không tính tới lời khẳng định mở đầu này của sách, tức là không tận dụng được chiếc chìa khóa hữu dụng ấy. Cách dịch của họ không nói lên sự kiến tạo thực tại, tức là không thể hiện được luận điểm căn bản đó, mà thay vào đấy, hướng sự chú ý vào cụm từ “kiến tạo xã hội”.

Cách dịch dễ gây lạc hướng của nhóm đã lặp đi lặp lại không biết bao lần, xuyên suốt từ đầu đến cuối bản tiếng Việt. Cụm từ “social construction of reality” thường xuyên được dịch như trên, chứ không hề được chuyển ngữ là “sự kiến tạo thực tại về mặt xã hội”, và điều đó cho thấy nhóm dịch không hề chạm tới được luận điểm then chốt của cuốn sách.

Đấy là chưa kể việc nhóm dịch chuyển ngữ cả “title” (p. 1, vừa dẫn ở trên) lẫn “preface” (p. v) thành “cái tựa” (vừa dẫn trên) và “Lời tựa” (tr. 3). Như vậy hai từ tiếng Anh khác nhau và không đồng nghĩa đều bị họ dịch thành “tựa”, bất chấp thực tế rằng Từ điển Anh-Việt (Viện ngôn ngữ học, 1992: 1750) giải nghĩa “title” là “tên (sách), nhan đề”, và chỉ riêng “preface” (Viện ngôn ngữ học, 1992: 1287) mới mang nghĩa “lời tựa, lời nói đầu (sách); lời mở đầu (bài nói)”. Cứ theo cách dịch dễ gây lẫn lộn của họ thì độc giả khó mà phân biệt được nhan đề sách ở bìa với “Lời tựa” đặt ở đầu sách – hai từ rõ ràng là khác nghĩa nhau!    .

Gợi ý đọc: “Sự kiến tạo thực tại về mặt xã hội […]”. (còn tiếp)

TS Phạm Văn Bích 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét