Bạn bè

Tổng số lượt xem trang

Tìm kiếm Blog này

Thứ Bảy, 28 tháng 5, 2022

Sực nhớ Liên Xô, Nga, Ukraina trong cõi lờ mờ (kỳ 5)

Tôi có ông anh ruột năm 69 học xong phổ thông, chưa kịp nhận bằng tốt nghiệp cấp 3 thì làm nghĩa vụ quân sự, gọi ngắn gọn là đi bộ đội. Hồi ấy, bọn con trai học xong lớp 10 phần lớn cầm chắc đi bộ đội. Chết như ngả rạ, nghĩa trang xây không kịp, lính biết bao nhiêu cho đủ. Đánh nhau chán chê khắp chiến trường, hết Hạ Lào lại xuôi về khu 5, thần chết chê nhưng tặng cho vài vết thương, năm 1974 ổng bị đưa về trại thương binh Vĩnh Bảo (Hải Phòng). Năm 75 ổng thi đại học, điểm cao, được học ngoại ngữ ở Thanh Xuân Từ Liêm Hà Nội, năm 76 sang Liên Xô, học luật tại thủ đô Kishinov nước cộng hòa Moldavia (Moldova bây giờ), cùng khóa với đám Nguyễn Văn Hiện từng làm chánh án tòa án nhân dân tối cao. 

Năm 1980, chú em họ là Đinh Văn Thọ thủy thủ phó tàu Thái Bình viễn dương cập cảng Odessa nhận hàng lúa mạch (dân ta gọi là hạt bo bo) về cứu đói, nhắn ông anh tới chơi. Nửa vòng trái đất, anh em gặp được nhau thì còn gì bằng. Moldavia sát nách Ukraine, đi xe lửa tới Odessa chả mấy hồi. Tay bắt mặt mừng. Anh đi học, nghèo, chẳng có gì tặng em, còn em chiêu đãi anh mấy chầu lúy túy trên tàu, lại hào phóng tặng anh chiếc đồng hồ Orient thủy quân lục chiến SK 3 sao mới cứng mua tận gốc ở Nhật. Cũng phải nói thêm thế này, Liên Xô khi ấy dẫu được coi là thiên đường của phe cộng sản nhưng cũng nghèo, ông anh tôi học bổng 70 rúp (sau được chỉnh lên 90) nộp tiền ăn uống chi phí sinh hoạt gần hết, phải tiết kiệm từng kopek, chú Thọ biết vậy nên ra sức đãi anh. Thọ bảo Liên Xô so với chúng em chả là cái đinh gì. Mà thế thật, những năm ấy là thời hoàng kim của dân Vosco viễn dương.

Chia tay, ông anh lên xe lửa về lại Moldavia, đeo chiếc Orient Nhật hàng đỉnh, cứ lâu lâu lại vạch tay áo ra ngắm nghía. Sự sung sướng bất ngờ và lớn lao thế, không ai kiềm chế được. Cả một gia tài chứ đùa. Trong cảm giác lâng lâng, lại càng không thể nghĩ trên đất nước xã hội chủ nghĩa đầy những hiểm nguy rình rập. Vừa xuống nhà ga xe lửa Kishinov, đi một đoạn, mấy thằng Liên Xô to khỏe chặn lại, mỗi thằng lấp ló một con dao nhọn, gằn giọng (tất nhiên bằng tiếng Nga của Lenin), muốn sống thì nôn cái đồng hồ ra. Thôi thì của đi thay người. Sau này anh tôi thỉnh thoảng nhắc lại sự trấn lột đáng buồn ấy, bảo tiếc của thì tiếc thật, nhưng bao nhiêu ấn tượng tốt đẹp về Liên Xô bị chúng nó gạch xóa tàn bạo.

Bây giờ ở nước Nga hoặc các nước thuộc Liên Xô trước kia, chẳng ai nhắc tới giải thưởng Lenin, giải thưởng Stalin, thậm chí còn phải giấu đi bởi nhỡ trưng ra lại rước vạ “không phải đầu cũng phải tai”. Ông bạn Trần Quốc Quân của tôi, một tay lang bạt kỳ hồ, từng nghiên cứu sinh ngay tại Moskva, vào năm Liên Xô tan rã thì bị “mất phương hướng” đã ở lại quê hương cách mạng tháng 10, sau đó theo dòng tha hương lưu lạc sang Ba Lan, trụ được ở xứ “mùa tuyết tan” đến nay, kể lại chuyện hậu xô viết thực cay đắng. 

Chả là sau khi liên bang xô viết tan như bong bóng xà phòng, thì tất cả đảo lộn, nhất là đời sống tinh thần. Y (Quân) có máu kinh doanh, lại từ Ba Lan sang Nga, bằng con mắt tinh đời, mua được cả mớ huân huy chương, danh hiệu, giải thưởng, những mề đay một thời quý giá tột đỉnh, vô giá, giờ chỉ còn giá trị ngang mấy chục ổ bánh mì. Có cả danh hiệu anh hùng Liên Xô, huân chương Lenin, bày trong đống láo nháo lạc xoong đồng nát trên vỉa hè. Chủ nhân của chúng biết chúng đã hết thời, cho tham gia kinh tế thị trường, chí ít cũng đổi về vài ký thịt, mấy lít sữa để mà sống. Không thể ngồi đó gặm huân chương, gặm giải thưởng, nhấm nháp quá khứ xô viết mà qua cơn bể dâu được. Lenin, Stalin còn chả tự cứu được mình, huống hồ mấy thứ danh nhất thời mang tên họ. Quân mang về nhà nấu lên, phân kim, gạn vàng khơi bạc, bán đi thu được ối tiền, nhất là vàng. Nhớ đến chuyện của Quân thời bãi bể nương dâu ấy, lại buồn man mác và tội nghiệp cho một ông ở xứ này vừa được đám cộng sản Nga đã bị thất thế, không có bất cứ chút quyền lực và uy tín nào, trao cho cái giải thưởng Lenin, thứ danh hão chả ai thèm nhớ, vậy mà sướng có kể, khoe khắp nơi.

Hồi những năm 80, mỗi lần ra Bắc vào Nam bằng xe lửa, khi qua vùng Bỉm Sơn xứ Thanh, nhìn qua ô cửa sổ nhợt nhạt của toa tàu cũ nát, tôi lại thấy dòng chữ bê tông đồ sộ, có lẽ cao đến hơn một mét trên nóc nhà máy xi măng Bỉm Sơn: “Tình hữu nghị Việt Xô đời đời bền vững”. Lúc ấy bộ máy tuyên truyền của nhà nước chả cần phải rêu rao như bây giờ, bởi ai cũng tin như vậy. Năm 1991, Liên Xô tan rã, dù muốn dù không cũng làm câu khẩu hiệu hoành tráng kia mất đi một vế, sự bền vững chỉ còn một phần hai, và “đời đời” tất nhiên là không thể. Cũng những năm đó trở về trước, đi đâu người ta cũng thấy, nhất là trong những hội trường trụ sở cơ quan, trong những dịp lễ lạt kỷ niệm cái câu lộng ngữ như một thứ tuyên cáo chắc nịch: “Chủ nghĩa Mác - Lênin bách chiến bách thắng vô địch muôn năm”. Quả thật, đứa nào nghĩ ra câu này, mà lại phổ cập được nó ra toàn xã hội, là đứa ghê gớm. Đã bách chiến bách thắng, lại còn vô địch, lại còn muôn năm, đến núi Thái Sơn cũng phải thua về sự bền vững, thách thức thời gian. Đá có thể mòn, chứ chủ nghĩa Mác - Lenin mà họ tôn thờ thì không bao giờ suy suyển mảy may được. Chỉ có điều, đùng một cái, thiên hạ vứt nó vào sọt rác không thương tiếc, giờ may ra nó chỉ còn hấp hối mỏng manh ở vài nơi, trong đó có xứ này. (còn tiếp)

Nguyễn Thông

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét