Bạn bè

Tổng số lượt xem trang

Tìm kiếm Blog này

Thứ Ba, 10 tháng 5, 2022

Sực nhớ Liên Xô, Nga, Ukraina trong cõi lờ mờ (kỳ 4)

Nói tới Liên Xô, sực nhớ một cụm từ viết tắt quen thuộc suốt mười mấy năm ở miền Bắc, là CCCP. Trên những thùng hàng viện trợ của Liên Xô luôn có dòng chữ bằng tiếng Nga, "Сделано B СССР", dịch ra nghĩa Việt là Chế tạo tại Liên Xô. CCCP tức Liên Xô, viết tắt phiên âm tiếng Nga của Liên bang cộng hòa xã hội chủ nghĩa Xô viết. Các kho bãi ở cảng Hải Phòng, ven đường sắt các ga ở Đồng Đăng, Yên Viên, Gia Lâm hoặc dọc đường 5... luôn chất đầy hàng Liên Xô. Dân chúng nhỏ to với nhau rằng đó là nhờ những chuyến bị gậy sang Mạc Tư Khoa của ông Lê Thanh Nghị. Ông này ủy viên bộ chính trị, phó thủ tướng nhưng chỉ có mỗi việc ra nước ngoài xin hàng viện trợ. Gia đình ông ở Hải Phòng, là cậu ruột của người bạn học cùng lớp với tôi, chị Nguyễn Ngọc Trâm. Tốt nghiệp phổ thông năm 1972, chị Trâm được đi học ở Liên Xô, về làm ở Bộ Giáo dục, sau mất sớm do bệnh nan y.

Ngoài vũ khí, quân nhu, lương khô, còn là cơ man hàng sinh hoạt như vải vóc, nồi nhôm, sách giấy, thức ăn, xe đạp, đồng hồ, đường sữa, bột mì, giấy dầu lợp nhà..., tức là một dạng "bơ thừa sữa cặn" nhưng không phải từ đế quốc thực dân mà của anh em phe XHCN. Tuy là hàng viện trợ (thứ thì không hoàn lại, thứ thì cho nợ, khi nào đánh nhau xong sẽ trả) nhưng không phải ai cũng được hưởng, bởi đã có quy định bất thành văn của trung ương, cứ theo nguyên tắc phân phối "xẻng cuốc từ dưới lên, đường sữa từ trên xuống" mà thi hành. Chừng ấy năm chiến tranh, nhà tôi chưa bao giờ được mua một thứ hàng gì chế tạo tại CCCP theo giá phân phối, mà muốn có, cái nồi nhôm, cái chậu men chẳng hạn, chỉ có cách ra chợ giời, ra chợ Sắt, mua với giá cao gấp nhiều lần. Dường như hàng Liên Xô đối với phần đông dân chúng phổ biến nhất chỉ là những chiếc thùng gỗ thông và những cái đai thùng bằng thép mỏng mà người ta ưu đãi bán cho dân để đem về đóng bàn ghế và làm rút dép.

Mấy ông anh tôi thường cắt nghĩa chữ CCCP thành "các chú cứ phá" hoặc "càng cho càng phá". Phải nói thẳng rằng thời ấy có "một bộ phận không nhỏ" cán bộ, đảng viên đã sống khá đầy đủ bằng hàng chế tạo tại CCCP. Sau này, khi Liên Xô cắt dần viện trợ, mức sống thiếu thốn nghèo khổ cào bằng trở lại ít nhiều, thì dân mới có dịp "sướng" bằng cán bộ, hay nói toẹt ra là cán bộ đảng viên lại được vinh dự khổ như dân, chia vất vả với dân.

Ngày xưa ở miền Bắc, để bày tỏ sự sung sướng, người ta thốt lên "sướng như đi Liên Xô". Đi Liên Xô cũng còn có nghĩa là đi nước ngoài, đến cái nơi hạnh phúc hơn, chất lượng sống cao hơn nơi mình đang sống. So với "miền Bắc thiên đường của các con tôi" thì rõ ràng Liên Xô sướng hơn vì không có chiến tranh, được ăn no mặc lành, tuy cũng kinh tế bao cấp nhưng hàng hóa đa dạng, dồi dào, bền tốt. Chả thế các lưu học sinh, ngoài việc cố gắng sau 4-5 năm có tấm bằng đỏ đem về thì cũng ráng dành dụm, nhịn ăn nhịn mặc, tích cóp từng rúp trong số tiền phụ cấp 90 rúp/tháng (nghiên cứu sinh được ưu tiên hơn, dững 120 rúp) để khi về có vài chiếc quạt tai voi, chục cái bàn là, hai chiếc xe cuốc (xe đạp thể thao), dăm ký dây mayso đem về để… cứu nhà, nước thì từ từ, cứu sau cũng được. Thế mới sinh chuyện cứ vừa thấy dân đầu đen (cách để chỉ người Việt ở Liên Xô) bước vào cửa hàng là mậu dịch viên Nga vội xua tay "u nax nhet mayso - hết dây mayso rồi" dù họ chưa biết mấy đứa Việt Nam anh hùng ấy định mua thứ gì. Người Nga mỗi lần mua dây bếp điện chỉ 1-2 sợi là cùng, còn quân ta á, mua tính bằng ký, mỗi lần vài trăm sợi, họ sợ là phải. Những chuyện này mình nghe ông anh ruột đi bộ đội về thi đại học trúng ngay suất sang Kishinov (Moldavia, Liên Xô) 5 năm lăn lộn bên ấy kể lại chứ mình chưa biết Liên Xô nó như thế nào, nghe hơi bắc nồi chõ thôi. Về sau cũng có nghe nhà thơ Nguyễn Huy Hoàng kể lại. (còn tiếp)

Nguyễn Thông

2 nhận xét:

  1. Người miền nam cũng được hưởng "vinh dự" mà bác nói từ dạo ấy.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. bài viết tốt, dù còn sai sót và đôi chỗ khiêu khích nhưng không sao.Một miếng khi đói bằng một gói khi no. Đời là thế còn hơn có thằng cho chỉ bố một đồng tiền lương mà vẫn lăn tăn.

      Xóa