Bạn bè

Tổng số lượt xem trang

Tìm kiếm Blog này

Thứ Sáu, 3 tháng 6, 2022

Một dịch phẩm mắc nhiều sai sót vẫn được giải Sách hay 2020 (kỳ cuối)

 Nhận xét chung về bản dịch

Tôi đã đối chiếu chỉ 46 trang - chứ không phải toàn bộ - nguyên ngữ với bản dịch và nhặt ra những ví dụ trên (chắc chắn còn sót; một số lỗi nữa sẽ được nêu ra ở bài viết riêng để đề cập đến cách dịch tên chuyên ngành). Tức là trên đây chỉ là danh sách một số lỗi dịch sai nghiêm trọng, chứ hoàn toàn không phải tất cả. Nếu thống kê tỉ mỉ và phân tích kỹ lưỡng hơn thì bản dịch còn mắc nhiều lỗi khác.

- Ví dụ việc dịch “businessman” của tiếng Anh (p. 3) thành “một nhà doanh nghiệp” (tr. 9) thì tuy không gây hiểu lầm nhưng thô lậu về tiếng Việt. Lý do bởi dịch giả lẫn lộn danh từ chỉ tổ chức, cơ quan với danh từ chỉ người. Người Việt Nam nói “doanh nghiệp” (tổ chức), và “doanh nhân”, “doanh gia”, “nhà kinh doanh” (con người), chứ không gộp chung, không trộn lẫn tổ chức với con người! Cụm từ “nhà doanh nghiệp” mà dịch giả đã dùng thì đem gộp làm một, chứ không phân biệt như vậy, và điều đó là một hạt sạn, vì nó cho thấy sự sống sượng trong chính tiếng mẹ đẻ của ông. 

- Một ví dụ nữa về sự thô lậu trong sử dụng tiếng Việt. Tiếng Anh: “Substructure” and “superstructure” are best understood if one views them as, respectively, human activity and the world produced by that activity. (p. 6)

 

Tiếng Việt: “Cơ sở hạ tầng” và “kiến trúc thượng tầng” sẽ được hiểu một cách đúng đắn nhất nếu chúng ta coi chúng, một cách tương ứng, là hoạt động của con người và thế giới được tạo ra bởi hoạt động ấy. (tr. 14-15)

Nhận xét: “Respectively” được dịch thành “một cách tương ứng” thì không sai so với một từ điển Anh – Việt vì nhóm dịch đã chọn nghĩa này ra trong nhiều nghĩa mà từ điển đã cung cấp (Viện ngôn ngữ học, 1992: 1413). Nhưng cách chuyển này thật ra vừa dài vừa trúc trắc, nhất là khi được người dịch đặt giữa hai dấu phảy.

Nếu chịu khó tra cứu từ điển tiếng Anh Oxford, thì ta thấy từ “respectively” được giải nghĩa là “for each separately or in turn, and in the order mentioned” (Thompson, 1995: 1173; tôi in nghiêng - PVB). Chính đoạn in nghiêng là gợi ý cho một cách dịch mới không có trong từ điển Anh – Việt, và nó nghĩa là “lần lượt từng cái, và theo thứ tự vừa nêu”. Như thế nên dịch là “lần lượt” thì sát nghĩa được giảng giải trong Từ điển tiếng Anh. Hơn nữa, dịch như thế thì xuôi tai, ngắn gọn và dễ hiểu hơn với người Việt.

Gợi ý đọc: “Cơ sở hạ tầng” và “kiến trúc thượng tầng” sẽ được hiểu một cách đúng đắn nhất nếu ta coi chúng lần lượt là hoạt động của con người và thế giới được tạo ra bởi hoạt động ấy.

Nhìn chung các lỗi thuộc nhiều loại mà trước hết là: dịch phản nghĩa; sai hẳn nghĩa lẫn sắc thái; không nhất quán về chuyển nghĩa cùng một từ và cụm từ trong cùng văn cảnh; tự tiện thêm và bớt lời của tác giả v.v. Thêm vào đó, chỉ tính riêng trường hợp ông Quang bỏ qua Từ điển Anh – Việt, tự bịa ra nghĩa tiếng Việt trên phiên bản giấy (sách in) ta sẽ thấy cụ thể số lần như sau:

1) what = đâu (ví dụ 1)

2) congeals = trở nên lắng động chắc nịch (ví dụ 2)

3) focus = chủ điểm (ví dụ 4)

4) protagonist = người chống đối (ví dụ 6)

5) under the banner = mang trực tiếp nhãn hiệu (ví dụ 6)

6) work = sự nghiệp (ví dụ 8)

7) concentrated = quan tâm đến (ví dụ 8)

8) while = nếu (ví dụ 9)

9) impose = tồn tại (ví dụ 10)

10) title = cái tựa (ví dụ 11)

Nếu tính cả trường hợp sửa sai trong bài đăng facebook (ví dụ 6: protagonist = người chủ xướng) thì số lần bỏ qua từ điển là 11.

Thiết nghĩ 11 trường hợp trên đã quá nhiều, quá thừa để dẫn tới nhận xét rằng: ông Quang lặp đi lặp lại việc bỏ qua Từ điển Anh – Việt bằng cách không dựa vào nó, mà tự tiện bịa đặt ra nghĩa khác theo cách hiểu riêng của mình (đúng kiểu “một mình một chợ”). Trong khi mọi người đều dùng từ điển làm chuẩn để đáp ứng yêu cầu dịch chính xác và trung thành với nguyên ngữ, thì ông không sử dụng cách đó, mà đặt ra cách hiểu riêng của mình, dẫn đến không chỉ dịch sai, mà còn hơn thế nữa. Hãy gọi sự vật bằng đúng tên của nó, và đây chính là sự xuyên tạc, bóp méo văn bản nguồn - như ta vừa thấy trên đây. Bất chấp sự phủ nhận lỗi sai của ông Quang, những trích dẫn từ nguyên ngữ đặt cạnh bản dịch đã phơi trần thực trạng, đúng như lời dịch giả Trịnh Lữ rằng “[…] nếu như anh làm ẩu, ngay lập tức, nguyên bản chính là kẻ sẽ tố giác anh.” (Trịnh Lữ, 2004)

Trong số các lỗi kể trên thì dịch phản nghĩa thuộc loại lỗi nặng, cần tuyệt đối tránh trong dịch thuật. Hơn nữa, những chỗ vừa đối chiếu cho thấy rằng mỗi loại sai sót đã xảy ra không chỉ một lần, và không phải những trường hợp đơn lẻ, mà lặp lại. Điều đó khiến khó mà tin rằng phần còn lại của cuốn sách sẽ không mắc lỗi.

Đây là một cuốn sách khó, khiến “[…] có người chê là khó đọc […]” - như vị chủ biên dịch thuật đã nêu ra trong bài giới thiệu ở đầu sách (trang xvi). Với nguyên ngữ, ngay cả chuyên gia trong ngành và thuộc những nước nói tiếng Anh, có nền xã hội học phát triển cao hơn chúng ta cũng nhận xét tương tự. Một nhà nghiên cứu từ Anh thừa nhận: “Cuốn sách này hơi khó đọc, có lẽ chỉ dành cho độc giả thật sự chuyên tâm” (Bruce, 1999/2016: 179). Nhưng trái ngược với cảm tưởng nhọc nhằn, khó đọc của nhiều người, ông Quang nhận xét bằng vẻ cao ngạo không che giấu: “Đây là một cuốn sách tương đối dễ đọc […] so với nhiều cuốn lý thuyết xã hội học khác, đáng chú ý là được lồng vào rất nhiều thí dụ minh họa cụ thể dễ hiểu, và nhất là được viết với lối văn phong khá hài hước ở nhiều đoạn” (trang xvi). Cũng khá hài hước là trong khi sách được mô tả bằng những từ như “tương đối dễ đọc”, “dễ hiểu” thì bản dịch đã mắc lỗi như trên.

Vì vậy, thật đáng kinh ngạc là bản dịch mắc lỗi đó đã được trao giải Sách hay 2020 của Viện giáo dục IRED. Những lỗi nêu trên cho thấy tiêu chí xét tuyển của Giải Sách hay đối với sách dịch đã bị vi phạm: bản dịch không “đảm bảo chuyển thể trung thực nguyên tác trong các vấn đề liên quan đến nội dung, phong cách (đối với các tác phẩm văn học), khái niệm thuật ngữ (đối với các tác phẩm nghiên cứu, khoa học” (http://sachhay.org/GiaiSachHay/View/7/hang-muc-trao-giai).

Vậy thì làm thế nào mà dịch phẩm nhiều lỗi này được giải?

Sự kinh ngạc đó chuyển thành chua chát khi ta tìm đến danh sách Hội đồng xét giải 2020 - hạng mục sách nghiên cứu - và thấy rằng Hội đồng gồm 5 thành viên: GS Chu Hảo; nhà nghiên cứu triết học Bùi Văn Nam Sơn; PGS Trần Hữu Quang; PGS Nguyễn Đức Lộc; nhà nghiên cứu, dịch giả Đinh Hồng Phúc (Hội đồng xét giải Sách hay 2020). Thật chua chát rằng 2 trong số 5 vị đó – tức các ông Trần Hữu Quang và Đinh Hồng Phúc – cũng là những người đã tham gia dịch cuốn sách trên (danh sách 9 người dịch đặt ngay đầu bản dịch, ở trang không đánh số). Như vậy hai ông đã xét giải cho bản dịch của chính mình! Rất có thể ai đó biện luận rằng việc xét và trao giải có điều lệ và quy trình, và Hội đồng đã làm đúng điều lệ, đúng quy trình! (Đấy là ta cứ tạm giả định như vậy, đặc biệt trong bối cảnh nhiều người lặp đi lặp lại cái điệp khúc muôn thuở muôn nơi “đúng quy trình”, coi đấy như một “tấm khiên” che chắn trước những hoài nghi, thắc mắc, chỉ trích và phê phán!). Điều lệ của giải Sách hay được viện dẫn ra, cho phép thành viên đưa tác phẩm của chính mình (với tư cách đồng tác giả hay đồng dịch giả) vào xét giải. Thực tế hiện nay không chỉ 1, mà 2 trong 5 thành viên đã xét giải cho cuốn sách với tư cách đồng dịch giả, và điều đó đã được coi là hợp lệ! Song với quy định dị biệt và logic riêng của điều lệ, nếu cả 5 thành viên Hội đồng đều cùng dịch và cùng xét giải cho sách với tư cách đồng dịch giả thì tình huống giả định ấy cũng vẫn hợp lệ (!). Như vậy điều lệ đó quả là bất thường, kỳ quái: dù ít dù nhiều nó đã hợp thức hóa, hợp lệ hóa tình trạng “vừa đá bóng vừa thổi còi”. Nhưng nếu thực sự tuân thủ những chuẩn mực về sự khách quan, công bằng, vô tư, không thiên vị và không vụ lợi trong học thuật thì ngay ở trường hợp dị thường, đáng mỉa mai đó người ta vẫn có thể tránh được xu hướng tự khen “văn mình (vợ người)”. Hành động tự đề cao ấy – thực chất là vi phạm các chuẩn mực nêu trên - nhất định dẫn đến sự không phục, thậm chí chê trách của người ngoài cuộc (“mèo khen mèo dài đuôi” như khẩu ngữ dân gian đã nói). Tự xét giải cho dịch phẩm của mình, dù có thể là bản dịch tốt, đã là điều không nên rồi; càng không nên xét giải một bản dịch của mình mà trước đó người đọc từng vạch rõ là mắc nhiều sai sót!

Nhưng hai ông Quang và Phúc đã tự khen “văn mình”; thế còn những vị khác của Hội đồng thì sao? Dù điều lệ và quy trình có thế nào đi nữa thì trong trường hợp này vẫn cần thực hiện một nhiệm vụ then chốt là ít nhiều đối chiếu bản dịch với nguyên ngữ - do người ngoài cuộc đảm nhận – để đánh giá, thẩm định chất lượng dịch một cách thật sự không thiên vị. Liệu có ai trong Hội đồng thực thi nhiệm vụ đó không? Nếu không đối chiếu, thì vì sao không, và vì sao không đối chiếu mà vẫn xét giải? Hay họ cho rằng bản đính chính điện tử đã sửa chữa hết mọi chỗ dịch sai? Nếu đã đối chiếu, thì họ có nhận ra sai sót không? Hay họ thấy sai, nhưng cho là không đáng kể và bỏ qua được?

Như vậy, thông qua việc đi tìm lời đáp cho băn khoăn vì sao bản dịch mắc lỗi mà được giải, ta đã nhìn rõ những bất thường trong điều lệ và thành phần Hội đồng xét giải, thấy được những nghi vấn về cách thức cũng như tiêu chuẩn xét giải của Hội đồng này.

Và xét giải như vậy thì uy tín của giải Sách hay sẽ ra sao? Để trả lời một cách khách quan, xin mượn lời nhà văn Nguyễn Quang Thiều (người đã từ chối giải Dế Mèn tháng 9/2020 vì nằm trong ban giám khảo): “Có rất nhiều giải thưởng bị mất giá trị vì thành viên trong ban giám khảo được giải." (Hà Thu, 2020). Khi đã thấy được những lỗi vừa nêu của bản dịch thì cần vạch rõ rằng giải Sách hay cho dịch phẩm này càng mất giá đến hai lần: trước hết bởi sách mắc nhiều lỗi, sau nữa vì thành viên Hội đồng giám khảo được giải.

Bản dịch còn mắc thêm một lỗi khác bao trùm suốt từ đầu đến cuối, từ ngoài bìa đến các trang bên trong sách. Nhưng như đã nói ở trên, đấy là tên một bộ môn, một chuyên ngành học thuật, nên tôi sẽ dành một bài sau để vạch ra lỗi này cùng những sai sót liên quan. Tuy ở đây tôi chưa đề cập đến lỗi xuyên suốt đó, nhưng những chỗ dịch sai trầm trọng vừa nêu của nhóm ông Quang đã quá đủ để cho thấy: bản dịch “Sự kiến tạo xã hội về thực tại – khảo luận về xã hội học nhận thức” (Hà Nội, 2015, Nhà xuất bản Tri thức) là hoàn toàn không đáng tin cậy, càng không xứng đáng được giải. Tóm lại, bản dịch đã không đáp ứng được yêu cầu hàng đầu đặt ra cho dịch phẩm là trung thành với nguyên ngữ (tức “fidelity” trong lý luận dịch thuật phương Tây, hay “Tín” của phương Đông). Việc trao giải cho nó là một vụ bê bối về học thuật.

TS Phạm Văn Bích 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét