Bạn bè

Tổng số lượt xem trang

Tìm kiếm Blog này

Thứ Bảy, 19 tháng 9, 2009

CHUYÊN VỀ MỘT LIÊT SĨ 27 TUỔI ĐƯỢC TẶNG GIẢI THƯỞNG HỒ CHÍ MINH

Trong cuộc chiến đấu chống Mỹ cứu nước của dân tộc có rất nhiều người thật xứng đáng với danh hiệu anh hùng, nhưng vì lý do nào đó đến nay họ vẫn chưa có tên trong danh sách. Anh Hoàng Kim Giao là một người như thế.

KHÔNG ĐI LIÊN XÔ ĐỂ RA CHIẾN TRƯỜNG
Trước hết cần nói rõ rằng Giải thưởng Hồ Chí Minh mà bài này đề cập đến được Chủ tịch nước tặng cho công trình Phá thủy lôi từ tính và bom từ trường đảm bảo giao thông 1967- 1972 của nhóm kỹ sư trẻ Viện Kỹ thuật quân sự (Bộ Quốc phòng), trong đó anh Hoàng Kim Giao là thành viên có những đóng góp cực kỳ quan trọng.
Sinh tại Hải Phòng năm 1941 trong gia đình cả bố mẹ đều hoạt động cách mạng, những năm kháng chiến chống Pháp anh Giao được gửi sang Trung Quốc học tập tại Trường thiếu nhi Việt Nam tại Quế Lâm (Trung Quốc), nơi từng đào tạo nhiều nhân tài cho sự nghiệp cách mạng sau này. Giao học rất giỏi nên khi về nước anh được quân đội tuyển và gửi thẳng vào Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội, theo chuyên ngành vật lý hạt nhân (khóa 1961- 1965). Lúc anh ra trường, cuộc chiến tranh phá hoại miền Bắc bằng không quân và hải quân của Mỹ đã vô cùng ác liệt. Là kỹ sư trẻ thuộc chuyên ngành “quý hiếm” bấy giờ, lại là sĩ quan quân đội (anh tốt nghiệp trường sĩ quan đồng thời với trường đại học), Hoàng Kim Giao được Nhà nước chọn cử đi nghiên cứu sinh ở Liên Xô nhưng anh xác định tạm gác tất cả để ra chiến trường.
Biết bao giờ người ta mới phong Anh hùng cho anh?

NHỮNG NGẢ ĐƯỜNG KHU 4
Năm 1965, máy bay Mỹ gầm rú ngày đêm quần ngang xẻ dọc bầu trời miền bắc; các bến cảng đầu mối tiếp nhận hàng hóa, vũ khí tại Hải Phòng, Quảng Ninh, Nghệ An...bị phong tỏa dày đặc, có cảm giác đến con kiến cũng không thể lọt. Hàng triệu tấn bom, thủy lôi được kẻ thù trút xuống những mạch máu giao thông nhằm ngăn chặn sự chi viện của miền Bắc đối với miền Nam cũng như của hậu phương XHCN với Việt Nam tuyến đầu chống đế quốc. Bom phá, bom bi, bom từ trường nổ chậm, thủy lôi từ tính... những sản phẩm công nghệ chiến tranh hiện đại nhất đã gây tác hại không nhỏ cho quân dân ta. Hoàng Kim Giao xung phong vào khu 4, nơi mật độ bom đạn dày đặc nhất để nghiên cứu cách dùng điện trường phá bom từ trường. Chỉ sau một thời gian ngắn, riêng anh đã trực tiếp ứng dụng kết quả nghiên cứu, phá hàng trăm quả bom nổ chậm, trong đó có hơn 4 chục quả bom từ trường trên tuyến giao thông huyết mạch suốt dải khu 4 dài hàng trăm cây số. Ròng rã gần 4 năm trời, anh vào Thanh Hóa, Hà Tĩnh, Nghệ An, Quảng Bình rồi ra Hà Nội như con thoi, vừa nghiên cứu, vừa làm người lính công binh phá bom không quản đêm ngày. Năm 1968, nghe anh em lái xe cho biết bọn Mỹ đã đưa ra một loại bom từ trường nổ chậm mới “bất trị” rất khó phá, nhiều xe bị dính nó, Hoàng Kim Giao nôn nóng vào ngay. Tại Hà Tĩnh anh viết thư về cho bố mẹ: “Ngày 29.9 con bắt đầu vào khu 4, cùng đi với con có 5 đồng chí nữa để phá bom nổ chậm. Một tháng qua chúng con đã đi khá nhiều đường đất, vất vả và cả đói nữa, tới những vùng ác liệt nhất của chiến trường khu 4. Có những quãng chỉ 2 km mà phải chịu tới 5.000 quả bom. Cậu mợ ạ, ở đây chuyện sống chết đặt ra không chỉ từng ngày mà từng giờ. Có đồng chí vừa đến thăm con thì nửa tiếng sau đã hy sinh. Những lúc đó như mọi người, con cũng nghĩ tới chuyện sống chết nhưng nếu con hy sinh thì trước mắt sẽ không hoàn thành nhiệm vụ. Tuy vậy không phải lúc nào con cũng cân nhắc được như thế, rồi con lại nghĩ cần phải sống nhưng không thể từ bỏ, trốn tránh những hy sinh cần thiết và thế là con lại thấy vững vàng, tự tin giữa bom đạn. Những lúc đứng giữa cảnh hoang tàn chết chóc, con nghĩ nhiều tới hạnh phúc gia đình, tới ngày sum họp. Con sẽ cố gắng hoàn thành nhiệm vụ và tin rằng ngày ấy nhất định sẽ có". (thư viết ngày 10.11.1968).

CHUYẾN ĐI CUỐI CÙNG

Nửa cuối năm 1968, máy bay Mỹ đánh phá khu 4 ngày càng dữ dội. Nhận lệnh của cấp trên, ngày 29.9, Viện Kỹ thuật quân sự cử ngay một đoàn 6 người do anh Giao làm đoàn trưởng vào tức thì. Trên đường xe đi, bom nổ chậm dày đặc nhưng các anh vừa đi vừa phá, anh Giao phá được nhiều bom nhất nên anh em rất tin tưởng. Đến Hà Tĩnh gặp địch thả bom chặn đường giao thông, hơn 500 chiếc xe ô tô bị tắc lại, có nguy cơ trở thành mồi ngon cho bọn giặc lái Mỹ. Do địch ném nhiều loại bom mới nên với cương vị đoàn trưởng, lại là người am hiểu kỹ thuật nhất, anh Giao xung phong một mình ra mặt đường để anh em an toàn. Anh em kể lại rằng ngay lúc ấy máy bay Mỹ lại ào tới oanh tạc dữ dội, anh Giao nhảy tránh từ hố bom nọ sang hố bom kia, bị sức ép liên tục nhưng vẫn phá được rất nhiều bom. Lợi dụng trời sáng trăng, anh động viên mọi người cùng tích cực phá bom, đến 3 giờ sáng thì giải phóng được đoàn xe. Các anh lại tiếp tục lên đường vào Nghệ An, Quảng Bình, đến đâu cũng phá bom khiến nhân dân và anh em bộ đội, TNXP rất quý mến. Đúng lúc này Tổng thống Mỹ Johnson ra lệnh ngừng ném bom bắn phá miền Bắc nên đơn vị gọi các anh trở ra. Trên đường về, khi qua xã Nam Hưng (H.Nam Đàn, Nghệ An), bà con cho biết ở đây vẫn còn nhiều quả bom nổ chậm, đặc biệt có một quả bom lớn cắm thẳng xuống đất, hình thù lạ, không biết là loại bom gì. Anh Giao bàn với anh em dừng lại giúp dân. Thương đồng đội mới chỉ được hưởng mấy ngày hòa bình, Giao xin đi một mình. Sau khi phá hết những quả nằm rải rác khắp nơi, chỉ còn “thằng bất trị” kia, anh và người lái xe 3 lần dùng bộc phá cho nổ áp sát nhưng nó vẫn trơ trơ. Đến lần thứ 4, Giao bảo anh em lui ra, chỉ còn mình anh vào lần nữa đào lỗ chôn bộc phá, sau đó kêu đồng đội đem bộc phá vào. Khi anh đang lúi húi chuẩn bị thì bất chợt “thằng bất trị” phát nổ, anh Giao hy sinh ngay tại chỗ, người lái xe bị thương nặng và cũng hy sinh 3 ngày sau. Chính quyền địa phương và bà con thu nhặt được vài phần thi thể anh làm lễ truy điệu và an táng, không ai cầm được nước mắt. Anh ra đi mãi mãi lúc vừa 27 tuổi, cái tuổi chín rộ của sức trẻ, tài năng. Đến trước lúc hy sinh anh đã có 2 bằng kỹ sư, 1 bằng tốt nghiệp trường sĩ quan, thông thạo 3 thứ tiếng Nga- Pháp- Trung, đơn vị đang làm lại thủ tục chuẩn bị cho anh đi nước ngoài nghiên cứu tiếp bởi cuộc chiến đấu còn dài, những người như anh là vốn quý rất cần thiết cho mai sau. Không một ai trong gia đình, kể từ bố mẹ, chị Lan- người vợ mới cưới của anh, các em và những đồng đội lại có thể nghĩ rằng đã vĩnh viễn mất đi một con người như thế. Anh hy sinh khi biết bao nhiêu ước mơ, dự định cao đẹp còn dang dở.

Lễ truy điệu liệt sĩ Hoàng Kim Giao (năm 1968)


Ghi nhận chiến công của liệt sĩ Hoàng Kim Giao, Nhà nước đã truy tặng anh Huân chương Chiến công hạng nhì và thật vinh dự cho anh cùng đồng đội, công trình Phá thủy lôi từ tính và bom từ trường bảo đảm giao thông 1967- 1972 đã được tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh ngay đợt xét đầu (năm 1996). Theo chúng tôi tìm hiểu thì anh Giao là người trẻ nhất nước được nhận giải thưởng vô cùng cao quý này.
Tôi được nghe kể lại đơn vị anh đã từng báo cáo và đề nghị phong thưởng danh hiệu anh hùng cho anh nhưng những năm chiến tranh có biết bao việc cần làm, đến khi hòa bình lại thêm bao việc nữa nên trường hợp của anh Giao dường như rơi vào quên lãng. Một con người nêu tấm gương xả thân vì dân, vì nước cao đẹp như thế, lẽ nào không có tên trong danh sách đội ngũ anh hùng đông đảo của chúng ta?

N.T

Nói thêm: Liệt sĩ Hoàng Kim Giao là anh ruột của một người bạn tôi, chị Hoàng Liên Thái - giáo viên ở TP Hải Phòng. Anh Giao còn có 2 người em gái khác là chị Kết (hiện ở TP.HCM), tôi đã đến chơi nhà, chị cho xem những lá thư rất xúc động của anh Giao, tôi sẽ xin phép chị cho đăng lên trang blog cá nhân này; chị Hợp rất xinh đẹp, học trước tôi một lớp. Hồi năm 1964, cuộc sơ tán lần thứ nhất, mấy mẹ con chị Thái có về sơ tán ở làng Trà Phương quê tôi, hình như tôi có nhìn thấy anh Giao 1 lần tại sân nhà kho HTX, ngay cửa nhà bác Khể.

1 nhận xét:

  1. Chú Thông ơi, cháu quê Đô Lương, hơn 3 năm đi làm ở Vinh là đi về qua mộ liệt sĩ Hoàng Kim Giao suốt. Nay mới biết mộ LS, Anh hùng Hoàng Kim Giao nằm ở trên dốc Lợn, nơi toạ độ lửa mà các cô gái TNXP Truông Bồn đã hi sinh, hai khu mộ chỉ cách nhau 300m, đó đều là những ngôi mộ chung, nơi các liệt sĩ đã hoà thân mình vào đất. Nếu được, chú cho cháu xin số điện thoại của cô Thái, để mỗi dịp như thế này hay ngày liệt sĩ hi sinh nếu gia đình không vào được, những thanh niên ở Nghệ an như bọn cháu sẽ thay gia đình đến thắp nén hương cho 2 người liệt sĩ đã hi sinh tất cả cho Tổ quốc.
    Chúc chú sức khoẻ
    Cháu Đăng. E-mail: dang8686@gmail.com

    Trả lờiXóa