Hôm qua, nhân ngày Quốc khánh 2.9, thấy mấy sếp của Huỳnh Ngọc Sỹ "lập thành tích" bằng cách khánh thành non đại lộ Đông Tây, mặc dù trông nó còn rất nhôm nhoam, tớ đành post lại bài này lên cho đỡ tức.
Tầm nhìn
Cách đây chưa lâu, nhà thơ Thanh Thảo có bài thật xúc động về cầu Rạch Miễu - công trình cực kỳ quan trọng đối với ốc đảo Bến Tre, trong đó ông không ngần ngại khi khẳng định cây cầu sẽ tạo cú hích, giúp Bến Tre một lần nữa đồng khởi tiến lên no ấm. Trong niềm vui chung, nỗi lòng của nhà thơ cũng là tâm trạng của nhiều người, cả tôi nữa, nhưng… sao cứ thấy lấn cấn điều gì chưa thể nói ra. Rồi chẳng phải chờ đợi lâu, chỉ sau thời gian ngắn cầu “thế kỷ” (bà con xứ dừa đặt tên nó như thế) được đưa vào khai thác, điều lấn cấn đã bộc lộ ra: ùn tắc giao thông. Cây cầu quả thật hoành tráng bởi chỉ riêng phần vượt qua sông Tiền đã dài gần 3 cây số, rất cao với tĩnh không lên tới 37,5m, nhưng than ôi, mặt cầu quá nhỏ, 12m rộng chỉ đủ 2 làn xe (còn hẹp hơn cả con đường Cống Quỳnh khiêm tốn trước tòa soạn báo Thanh Niên), chịu không nổi lượng xe lưu thông quá lớn bấy lâu nay như bị ức chế, dồn nén, giờ đây được dịp tuôn trào. Nếu ùn tắc hai bên sông do chờ phà lại đi một nhẽ vì phà có chuyến có giờ, ngày thường đã căng, dịp tết nhất thôi đành chịu vậy. Hình như đã bao năm người dân xứ dừa mặc nhiên chấp nhận tình trạng ấy, phận cù lao sông nước biết làm sao. Suốt mấy chục năm ngóng những cây cầu giúp mình phá thế độc cư. Và mừng. Và không ít thất vọng. Khi khánh thành cầu (bị chậm gần 2 năm so với kế hoạch) người ta hơi ồn ào về thành tích “công trình đầu tiên do Việt Nam tự thiết kế, thi công” mà đâu biết rằng cái dở đã mai phục sẵn ngay trong điều hay đó. Ông giám đốc Sở Giao thông vận tải Bến Tre giải thích cầu được thiết kế từ năm 97 - 98, lúc ấy do ít vốn, ít xe nên mặt cầu rộng chừng ấy (12m) là vừa. Trời ạ, từ khi manh nha xây dựng đến nay mới hơn chục năm, từ lúc sử dụng cầu đến lúc phát hiện ra tình trạng kẹt xe chỉ vẻn vẹn vài ngày, vậy công tác thiết kế, quy hoạch dứt khoát có vấn đề rồi. Trên thế giới, ngay nước Trung Quốc láng giềng chứ đâu xa, người ta quy hoạch, thiết kế đường sá, cầu cống, đô thị với tầm nhìn cho cả trăm năm, chả thế nhiều người đi tham quan du lịch về cứ trầm trồ, thán phục họ bao nhiêu thì lại thấy lòng nặng trĩu về cơ sở hạ tầng xứ mình bấy nhiêu. Nếu công trình không khỏe, không thọ được bách niên như của họ thì chí ít ra cũng phải vài chục niên, ai đời lại đo bằng năm, bằng tháng, bằng ngày như thế bao giờ. Ngày đầu xuân, tôi phóng xe máy về chiêm ngưỡng cầu Rạch Miễu. Thấy tôi đứng tần ngần dưới chân cầu, nhìn lên đỉnh cầu cao vòi vọi, vừa dốc vừa dài xa tít tắp, hai dòng xe xuôi ngược nối đuôi, một ông cụ phía bờ Tiền Giang lại gần bảo: chú ạ, chỉ cần một chiếc mất thắng hoặc chết máy ở lưng cầu, đỉnh cầu thì không biết những gì sẽ xảy ra. Làm gì còn chỗ né. Nghe cụ nói, tôi quả thật đồng cảm với sự ái ngại ấy.
Mà đâu chỉ cầu Rạch Miễu. Ở TP.HCM, chả biết các nhà thiết kế đeo kính cận kính viễn thế nào mà cầu Nguyễn Tri Phương vắt ngang qua đại lộ Đông Tây chỉ có tĩnh không 2 mét rưỡi, xe buýt chui qua không lọt, nói gì xe siêu trường siêu trọng. Chả nhẽ đại lộ (công trình đang ngốn biết bao tiền của) chỉ dành cho taxi, xe máy lưu thông? Người ta chữa cháy bằng phương án đẩy đường ra sát mép kênh để thêm một chút nữa chiều cao gầm cầu nhưng tôi dám đoan chắc rằng cũng không được bao nhiêu, chưa kể đường thấp hơn mức nước lúc triều cường, gặp khi trời mưa nước không có lối thoát sẽ biến đoạn đường thành cái hồ chứa cho người xe tha hồ bì bõm. Rồi nữa, người dân nhiều khu đô thị mới ở TP.HCM ca thán về tình trạng nước ngập. Nhà thiết kế, quy hoạch các dự án đâu có ngán ngại gì tình trạng biến đổi khí hậu nên tính cốt nền thấp, dẫn tới vài năm trở lại đây triều cường là mối đe dọa đối với hàng vạn hộ dân cư. Nâng đường, Nhà nước tốn ngân sách; nâng nền nhà, người dân tốn kém cực khổ trăm bề. Trên đất nước mình, có ai đếm được biết bao công trình “thiển cận” như thế.
Nhớ hồi đi học, trong chương trình trung học có truyện ngắn Tầm nhìn xa của nhà văn Nguyễn Khải. Mặc dù sau này chính tác giả nhìn nhận lại một vài ấu trĩ nhưng có lẽ suy nghĩ của anh Biền chủ nhiệm HTX, đại để rằng người cán bộ làm việc cho dân luôn phải có tầm nhìn xa, phải tỉnh táo nhìn về tương lai, đừng để những mối lợi vặt vãnh, trước mắt ràng buộc mình, suy nghĩ ấy qua hơn nửa thế kỷ vẫn còn nóng hổi.
Thiếu tầm nhìn xa, kết quả nhỡn tiền là tự mình hại mình. Hình như chẳng phải chỉ trong chuyện xây cầu cống, quy hoạch đô thị…
N.T
haha cũng dở ẹc
Trả lờiXóaBan Quynh noi ai do ?bao gio ban ve tham ba noi ?chuc ban tuoi vui ,manh khoe nhe.
Trả lờiXóaBến Tre nhỏ, nghèo làm có tiền!:D
Trả lờiXóa