Bạn bè

Tổng số lượt xem trang

Tìm kiếm Blog này

Thứ Năm, 17 tháng 9, 2009

Một "hạt bụi Việt" xứ tuyết

Chả hiểu sao tôi cứ đinh ninh rằng ở đất Hà Tĩnh kiếm nhà thơ còn dễ hơn tìm một lão nông dân. Không ít lần tôi mắt thấy tai nghe mấy cha Hà Tĩnh ngồi với nhau chỉ câu trước câu sau đã phun thơ phèo phèo. Sao mà họ lắm thơ thế không biết. Nhưng không chỉ có thơ…

Trông cũng dễ thương đấy chứ

THA HƯƠNG VẠN DẶM
Từ nước Nga tuyết trắng, lạnh độ âm, Hoàng “đen” (tên thân mật thời sinh viên) nhắn, rằng tao mới ra cuốn nữa, nhà xuất bản Văn học, anh Hậu ở Hà Nội sẽ gửi vào cho mày. Đúng một tuần sau, tôi cầm tập thơ ấy trên tay, tít giản dị Vẫn còn có bao điều tốt đẹp.
Mỗi lần đọc thơ y, mà lần nào cũng vậy, dường như cứ loáng thoáng đâu đây nỗi niềm tâm sự mà cụ Nguyễn Trãi cách nay những hơn 600 năm thổ lộ: “Bui một tấc lòng ưu ái cũ/ Đêm ngày cuồn cuộn nước triều dâng”. Chợt thắc mắc, liệu Ức Trai tiên sinh linh thiêng biết chăng trong đám thi nhân con đàn cháu đống bây giờ có một thằng con trai đất Can Lộc, Hà Tĩnh, suốt gần ba chục niên lưu lạc đất khách quê người cũng chất chứa nỗi niềm ấy.
Trong lứa chúng tôi, độ tuổi “hậu Điện Biên” mà cái sự học hành thời sinh viên vắt từ chiến tranh sang hòa bình, có thể nói Nguyễn Huy Hoàng là người thành đạt, vinh quang vào hạng nhất nhì (có đứa làm quan đến bí thư tỉnh ủy) nhưng cũng là kẻ chịu số phận bi đát nhất. Tốt nghiệp, chúng tôi tứ tán trong Nam ngoài Bắc, còn y được giữ lại khoa (Văn, Tổng hợp Hà Nội) làm thầy, được đứng chung đội ngũ với các cây đa cây đề mới hôm nào còn gõ đầu mình như Hà Minh Đức, Phan Cự Đệ, Đỗ Hồng Chung…, rồi đi Liên Xô (ngày ấy người ta bô bô hãnh diện hoặc thèm khát: sướng như đi Liên Xô) lấy bằng tiến sĩ, kể ra cũng vẻ vang lắm. Nào ngờ đạo trời biến hóa khôn lường, cuộc nhân sinh biết đâu họa phúc, các cụ dạy cấm sai bao giờ. Tháng 8.1993, vợ chồng con cái y đi nghỉ mát, tắm biển ở Sochi, cháu Quỳnh Nga (sinh năm 1981) bị bắt cóc, tìm hết xó xỉnh nước Nga, rồi sang cả mấy thành viên SNG như Ukraine, Belorusia… vẫn bặt tăm. Thương lo cho con, chỉ sau một đêm tóc Hoàng bạc trắng. Xưa nghe chuyện Tưởng Giới Thạch bị tướng Trương Học Lương bắt giam ở Tây An, một đêm nghĩ ngợi mà trắng phớ cả đầu, cứ hồ nghi người ta nói quá, nhưng rồi được tận mắt nhìn mái tóc rễ tre trắng như rễ cỏ gà sau mưa xuân của y thì tôi tin là thật. Đi xem bói, một bà lão Dzigan quả quyết sẽ tìm được con bé sau 5 năm, thế là dù đã bảo vệ xong luận án phó tiến sĩ, đương sự vẫn phải nấn ná chờ con, lê la khắp xứ tuyết bao la, làm đủ mọi việc, thức hết mọi đêm dài. Rồi hy vọng mong manh ấy cũng lụi tàn khi năm 1998 chậm rãi trôi qua, đến tận lúc tiếng chuông điện Kremli gõ báo hiệu giao thừa 1999, đối với người ta thì đó là tín hiệu hạnh phúc, nhưng với vợ chồng y chả khác nào tiếng chuông nguyện hồn, vẫn không hé một tín hiệu gì về đứa con gái lúc ấy đã 17 tuổi chả biết sống chết thế nào. Thôi thì lỡ chuyến về lại trường cũ nước cũ, tạm lấy nước Nga làm chốn mưu sinh, rồi tự nhiên gắn bó với nó, gắn mà lòng vẫn khắc khoải nơi quê nhà. Bọn tôi bảo nhau “đi Liên Xô” như thế thì khốn nạn quá, thậm chí có đứa còn lấy “tấm gương u ám” của y để an ủi cho kiếp sống nhạt nhẽo đời mình.


Hai thầy trò, hai thế hệ, tóc trò Huy Hoàng trắng thắng tóc thầy Hà Minh Đức (tháng 10.2006)


HẠT BỤI NHỚ QUÊ
Nhắc đến Nguyễn Huy Hoàng, không mấy ai trong cộng đồng người Việt ở Nga, nhất là giới văn nghệ, lại không biết. Y dạy ở Đại học tổng hợp Lomonosov (Moscow) nhưng kế hoạch B cũng khiếp: làm “sĩ quan” hoặc cố vấn cho các soái công ty, trung tâm buôn bán; tham gia vào các hội đoàn của Việt kiều; tổ chức các chương trình xã hội, từ thiện, văn hóa văn nghệ, dĩ nhiên là cùng với nhiều người chứ không phải một mình y. Nhiều vị đại sứ, tổng lãnh sự nhà ta bên ấy coi y như người thân vì Hoàng luôn cởi mở, nhiệt tình, giúp được nhiều việc chung. Nhưng trong gã trai xứ Nghệ, nhất là kẻ lại nảy nòi từ đất làng Trường Lưu (Can Lộc) thì giải mã ADN đã thấy sẵn chất văn chương rồi. Ở nước Việt mình cũng lạ, làng nào chẳng là làng, nhưng nếu khai báo lý lịch mà ghi quê ở các làng Hành Thiện (Nam Định), Quỳnh Đôi (Nghệ An), Mộ Trạch (Hải Dương), Tả Thanh Oai (Hà Tây cũ) thì quá bằng đeo tấm huy chương hãnh diện. Làng Trường Lưu của y cũng cỡ như thế. Y còn là lứa cháu chắt chút chít dòng họ Nguyễn Huy nổi tiếng (ở làng này) với những tên tuổi làm vẻ vang nền văn chương cổ điển nước nhà như Nguyễn Huy Tự, Nguyễn Huy Hổ, Nguyễn Huy Quýnh… Hoàng viết khỏe lắm, có lúc y tự ví mình như con trâu, cày đủ cả: chuyên luận, nghiên cứu văn học, truyện, ký, tản văn, nhưng rốt lại thơ vẫn sung nhất. Trước tập thơ mà tôi vừa nói ở trên, chỉ riêng thơ, y từng có Ngoảnh lại (1995), Dư âm (1996), Phía bên kia trời (1998), Miền yêu thương (2002), Đa mang (2005). Thơ y, không chỉ bạn bè văn nghệ mà cả đám cửu vạn, ôsin người Việt ở Nga thuộc làu làu, bởi y nói hộ cho họ nỗi niềm, tâm sự của kẻ tha hương, luôn cồn cào nỗi nhớ quê xa, nhớ nước mình. Y bảo nhiều lúc nhớ đến mức ôm mặt khóc hu hu. Chúng tôi đùa nhau, ngồi với y phải cảnh giác, nhất là khi nghe đương sự đọc thơ, mủi lòng dễ mất bản lĩnh đàn ông như chơi.
Hồi còn trong nước, y chịu khó đi lắm, cứ rảnh là lên đường, nay đây mai đó. Sau này ở Nga rồi, mỗi lần có dịp về nước y vẫn nghiện xê dịch, bảo để nạp năng lượng quê nhà, làm món hành trang đem qua xứ người cho nguôi nhớ. Đọc thơ y, nhiều lúc tôi xấu hổ, thấy mình đang sống trên đất nước mình mà vẫn không có cái độ tha thiết, cụ thể, mặn nồng trong tình yêu nước yêu quê bằng y, đang chìm nổi nơi đất khách. Tặc lưỡi, mà phải thôi, bì sao được với Việt kiều… Nga.
Khi người Việt ở Nga làm ăn còn dễ dàng, ngoài thời gian thỉnh giảng cho ĐH quốc gia Moscow, ông bạn tôi được mấy soái Việt mời tham gia Ban giám đốc Trung tâm thương mại Bến Thành, hồi những năm 90 và đầu thế kỷ 21 được coi vào loại tầm cỡ tại xứ này. Suốt nhiều năm, hắn giao cho tôi và Tôn Hiền (VTV) nhiệm vụ cứ đúng ngày 27.7 là đem tiền lên biếu 6 bà mẹ VN anh hùng ở xã An Nhơn Tây, H.Củ Chi. Các mẹ cảm động lắm, lần nào cũng nhắc cái chú đó sao chưa già mà tóc bạc trắng, giọng nói trọ trẹ khó nghe nhưng nhìn mặt biết ngay là người tốt. Rồi chả chống chọi được quy luật, các mẹ ngót dần, sau mấy năm còn 4, còn 3, và điều mà cả Hoàng lẫn chúng tôi áy náy nhất là kinh doanh bên Nga ngày càng khó, chính quyền Nga gây khó dễ, Bến Thành bị khủng hoảng, trung tâm tan tác, không còn tiền gửi về, lời hứa tặng tiền cho mẹ liệt sĩ đến cuối đời bị ngắt đột ngột.
Đầu năm 2008, qua những người bạn ở Nga, tôi biết Hoàng lận đận chuyển qua chuyển lại làm “quân sư” cho khá nhiều doanh nghiệp, trung tâm buôn bán của người Việt, đi về VN xoành xoạch mở quan hệ làm ăn. Lần ấy, trước giờ lên tàu bay khứ hồi Nga, y cho gọi tôi. Ngồi cùng nhau trong sảnh nhỏ ấm cúng khách sạn Miền Đông gần sân bay, y vẫn thế, thủ thỉ về cái dự án dạy tiếng Việt cho đám trẻ con Việt ở xứ tuyết, với nỗi lo“mất tiếng mẹ đẻ thì rồi sẽ mất hết, mày ạ”. Mấy tháng sau, nhiều báo, đài trong nước đồng loạt thông tin ngay giữa thủ đô Moscow có hẳn một trường THPT công số 282 đưa việc dạy tiếng Việt vào chương trình chính khóa, sách giáo khoa từ trong nước chuyển sang, giáo viên là các nghiên cứu sinh VN. Bà hiệu trưởng Irina Egorova xinh đẹp cứ tấm tắc cảm ơn về sự trợ giúp của các cơ quan, tổ chức, cá nhân VN đối với nhà trường, đặc biệt là tiến sĩ Nguyễn Huy Hoàng. Tôi mừng cho gã Việt kiều Nga, kẻ lưu lạc xứ người vẫn nặng lòng với hồn cốt quê nhà, mừng cho mơ ước của y đã thành sự thực. Chẳng hiểu sao tôi bất giác lẩm bẩm “Hạt bụi nghiêng mình nhớ đất quê”. Ừ nhỉ, có lẽ Hoàng “đen” cũng là một hạt bụi, bụi quý, như lão tướng Sơn Nam viết trong bài thơ duy nhất của ông lúc sinh thời.

Từ trái sang: Nguyễn Đình Hạnh (có 2 thằng con học giỏi cực kỳ), mụ Minh Huệ (điệu ra phết), mụ Trần Thị Sánh (vua biết mặt, chúa không biết tên), mụ Lê Thanh Nga (hồi nhỏ ăn nhiều tương Bần nên ít khi nào dưới 60 ký). Giữa là Hoàng "đen". Chụp ngày 26.10.2006

Thông tin thêm
*Tiến sĩ Nguyễn Huy Hoàng sinh năm Giáp Ngọ 1954.
*Hiện là giảng viên thỉnh giảng ĐH Tổng hợp Lomonosov (Nga).
*Viết văn, làm thơ: Đã xuất bản: Thơ (như trong bài); Văn: Matxcơva thời mở cửa, Mưu sinh, Chuyện nhặt dọc đường; Chuyên luận: Lịch sử văn học Nga thế kỷ 19, Thi pháp truyện ngắn Gogol.

NGUYỄN THÔNG

2 nhận xét:

  1. Đọc cả bài ,lại thích nhất tấm ảnh,vì:có một người thân quá-tưởng chưa bao giờ xa !

    Trả lờiXóa