Bạn bè

Tổng số lượt xem trang

Tìm kiếm Blog này

Thứ Tư, 26 tháng 10, 2011

Chiêm quan Bạch Long Vĩ

Ký giả Xuân Ba gớm thật. Đảo Bạch Long Vĩ quê HP nhà mình mà mình chưa có dịp ra, chả viết được dòng nào; còn nó không những lần hồi khắp xó xỉnh cái đuôi rồng trắng ấy mà còn làm được bài cả mấy kỳ dài khiếp. Thú thực, để ngoáy bút ra chừng ấy, chắc mình phải mất vài tháng, còn nó nghe đâu vài ba ngày. Thôi, so với nó làm chi cho mệt.
Nhưng khoái. Nó nghe clip Bạch Long Vĩ đảo quê hương do mình đưa lên, liền gửi cho bài này. Không biết tau phải trả nhuận bút cho mi hay mi phải nộp tiền công cho tau nhỉ, he he.

XUÂN BA

Chiêm quan Bạch Long Vĩ

Ấy là kiểu nói khác đi của việc tham quan chiêm bái cùng chiêm ngưỡng và cũng là cách thử nói hộ mối thiện cảm của du khách khi liền 6 tiếng đồng hồ dập dềnh trên sóng biếc sóng lặng lẫn sóng lừng đột ngột nhô trong đường chân trời một vật xam xám bắt mắt: Đảo Bạch Long Vĩ ( BLV), pháo đài canh giữ vị trí tiền tiêu của Vịnh Bắc Bộ, lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc! BLV cách Hải Phòng 130 km về phía Đông Nam. Cách đảo Hải Nam ( Trung Quốc) 110 km..

Kỳ 1. Thử giải mã dự cảm của nhạc sĩ Huy Du

Tôi cứ tha thẩn mãi chỗ hai cây đa thoạt nhác như cây đa đôi mé bên trái trụ sở của Đoàn C52 Vùng 2 Hải Quân trấn giữ đảo Bạch Long Vĩ.

Tha thẩn bồi hồi nghĩ đến cái năm xa, nhân một buổi ngồi với nhạc sĩ Huy Du, chúng tôi tò mò muốn biết duyên cớ lẫn những hoàn cảnh từng viết nên những ca khúc có sức xuyên thủng sự lãng quên của nhiều năm tháng Anh vẫn hành quân, Cùng anh tiến quân trên đường dài,Việt Nam trên đường chúng ta đi, Nổi lửa lên em... Buổi gặp đó có cả GS Trần Quốc Vượng. Khi gạn đến hoàn cảnh ra đời ca khúc Bạch Long Vĩ đảo quê hương... Nhạc sĩ Huy Du có hé cho chúng tôi rằng đó là một buổi trưa ông bệt xuống chỗ gốc đa của đơn vị Hải quân giữ đảo Bạch Long Vĩ (BLV) Trong âm thanh xé tai của lũ F.105E ( Thần Sấm Sét) ngang nhiên xoẹt qua đảo BLV vào gây tội ác trong đất liền Hải Phòng Quảng Ninh, ông liều chả muốn xuống hầm nữa... Văn nghệ sĩ thời bom đạn ấy ra đảo mạn Bắc tức Vịnh Bắc Bộ nhiều. Nguyễn Khải ra Cồn Cỏ. Nguyễn Tuân thì đi Cô Tô... NS cứ day dứt lấn bấn từ lúc đặt chân lên đảo, người chỉ huy đảo thân thiết nắm lấy tay chiến sĩ chúng tôi nghe danh anh, hát bài hát của anh đã lâu. Anh làm một bài hát về đảo Bạch Long Vĩ này đi anh... và trong cái buổi trưa chớm sang chiều duới gốc đa ấy, những giai điệu của Bạch Long Vĩ đảo quê hương đã hình thành...

Như các thế hệ người Việt, nhiều người từng biết, nếu không thuộc cả thì một vài đoạn ca từ của BLV đảo quê hương... Trong ca từ không có tiếng rít của bầy Thần Sấm Sét, cũng chẳng có bom đạn Mỹ ùng oàng đánh xuống đảo ( từ năm 1965 đến năm 1973 có hơn 4000 lần chiếc máy bay tàu chiến Mỹ oanh tạc BLV với hằng trăm ngàn tấn bom đạn. 23 máy bay Mỹ các loại bị quân dân đảo bắn rơi) mà chỉ tuyền một âm hưởng chủ đạo thiết tha. Là tâm tình của một người em gái hậu phuơng đảm đang mà nay hậu phương ấy bất đắc dĩ trở thành tiền tuyến... BLV đảo quê hương em đứng trông biển khơi thôn xanh như phủ châu... Gió rì rào năm tháng... sóng mang đi ngàn phương quê hương của rồng trắng quê hương của hải đảo...

Tôi nhớ giữa buổi chuyện, GS Trần đứng lên chìa cái ly rượu trắng về phía NS giọng cảm khái, người nhạc sĩ mặc áo lính với ngôi sao vàng trên mũ này có lẽ chưa hề bắn ngã một tên giặc thực dân cũ hoặc mới nào nhưng âm hưởng hào hùng của ca khúc Huy Du thì có sức mạnh hơn cả một binh đoàn. Cái chất lãng mạn cách mạng trong hằng số âm nhạc của Huy Du giản dị như lời ru vậy! Trước lời khen tặng ấy, NS Huy Du chỉ nhũn nhặn rằng yêu cầu của đơn vị cũng chính là lòng tôi thôi thúc. Tôi viết cho đơn vị đảo cũng là viết cho chính tôi...

Cây đa ngày ấy có phải gốc đa bây giờ? Tôi chả dám chắc... Nhưng nghe nói trụ sở tiểu đoàn 52 ấy vẫn dứng chân tại nơi này từ khi thành lập (năm 1957) tiền thân của Trung đoàn 952 bây giờ. Trung đoàn trưởng 952, tiếng ở đảo lâu nhất nhưng cũng mới từ năm 1985 đến nay.

NS Huy Du cùng GS Trẩn nay đã trở thành người thiên cổ. ... BLV đảo quê hương... Gió rì rào năm tháng... Gió thiết tha trùng dương, sóng mang đi ngàn phương, quê hương của rồng trắng, quê hương của hải đảo... (Đoạn này Nguyễn Thông chửi tác giả bài báo không thuộc ca từ của bài bát!!) c Buổi sinh hoạt chiều của bộ đội đoàn 952 bất ngờ rộn rã lên giai điệu bài đảo ca BLV. Từ năm 1966 cả nước đã biết BLV qua ca khúc của Huy Du. 43 năm nay BLV đã trở thành tài sản chung của nhiều thế hệ người Việt.

Tôi lẩn mẩn nghĩ thêm đến cái tài dự báo của NS Huy Du. BLV đảo quê hương như một điềm triệu! Điềm triệu? Em năm NS Huy Du đưa vào ca khúc ấy, có thể là cô gái trong lực luợng TNXP trong đất liền chi viện đột xuất làm công tác quân sự? Có thể là một xã viên trong HTX đánh cá của người Hoa từ ngày bộ đội ta lướt sóng về đây tay nắm chặt tay sắn sàng chiến đấu ( lời ca từ ) Những năm gian nan bom đạn ấy, nói gì thì nói, hòn đảo tiền tiêu BLV vẫn ăm ắp sự sống quân dân cá nước, vẫn nhịp nhàng hiệu quả của sự chung tay phối hợp của tình quân dân... Rồi đùng cái những ngày khó khăn những ngày buồn mà bây chừ chả muốn nhắc đến. Mùa nắng năm 1978, sau một ngày một đêm, hoặc hơn tôi cũng không nhớ kỹ, lử lả trên một con tàu đánh cá kiêm vận tải quân sự, tôi có mặt ở Bạch Long Vĩ trong nhóm báo chí được triệu tập đi công tác đột xuất. Nhiệm vụ khi đó của nhóm nhà báo là vạch trần bọn xấu đương đêm lấy máu chó máu lợn bôi bẩn lên những khung cửa tăm tối vốn đã rệu rã vì mưu sinh khó khăn của nhiều gia đình trong HTX đánh cá của người Hoa lẫn người Kinh. Bọn người xấu hăm doạ rằng nếu không bỏ đảo, không rời BLV đi nơi khác xứ khác thì lực lượng này lực lượng khác sẽ xử lý nghiêm khắc!? Chả biết ma lực nào xui bẩy mà chỉ mấy ngày những xóm chài yên lành của ngư dân người Hoa đã tan hoang vắng lặng rồi bặt hẳn đi sự sống... Dằng dặc mười mấy năm như thế chỉ có âm thanh hù hụ của ngọn gió xiết qua nòng qua họng súng các cỡ của các lực lượng bảo vệ đảo Bạch Long Vĩ!

BLV, âm thanh đó, địa danh ấy bao lần tự nhiên giật thột mỗi lúc chợt nhớ nhưng chả thể đến được ngay bởi những nhiêu khê ngày đàng gang nước hơn trăm cột số đường biển tính từ Hải Phòng để rồi bây giờ sau 31 năm ngơ ngác trước một BLV đang vỡ vạc dần hình hài của cuộc sống hiện đại. Không nhận ra tí gì, đúng hơn không sót lại chút nào dấu tích của những làng chài Hoa kiều. Hình như chỗ xóm chài xôm tụ nhất ngày ấy bây giờ là một âu tàu hiện đại với những khối bê tông sừng sững chắn sóng? Một xóm chài xơ xác khác bây giờ là trụ sở của đội TNXP BLV. Gẫm cảnh trước thấy việc nay để mà chợt giật mình ca từ của Huy Du như thứ điềm triệu! Điềm triệu nghĩa là đảo BLV phải hiện diện phải thường trực một sự sống bình thường của lương dân. Nhỡn tiền bao nhiêu năm nay, BLV đang gắng gỏi trở thành đảo Thanh Niên. Hàng ngàn lượt nam nữ của Tổng đội TNXP BLV đã đứng chân từ những năm cuối 80, đầu 90 của thế kỷ trước cho đến bây giờ, trong sự chở che cũng là làm cái việc chung lưng đấu cật với trung đoàn bộ đội 952 trồng rừng đánh cá làm kinh tế ngõ hầu làm thay đổi diện mạo hòn đảo hoang vắng diện tích hơn 3 cây số vuông này. Để trên những lối đi hun hút ngàn xưa chỉ có gió bể hoang thả giàn và ẩn ẩn hiện hiện sắc xanh áo lính nay chợt thấp thoáng những eo lưng thon thon cảu các cô TNXP... Những eo lưng ấy là tín hiệu là tiêu chí của sự sống sinh thái hài hoà mà thiên hạ đang gắng gỏi đạt đến. Để có bóng thuyền đánh cá tứ xứ tấp nập vào ra trong âu cảng của đảo. Và cũng nên có nên thêm cả chất giọng lè nhè chót quá chén của đám thuỷ thủ, thuyền viên đánh cá vốn ăn sóng nói gió khật khưỡng ghé vào BLV để lấy thêm nuớc ngọt, xăng dầu đồ ăn thức uống từ hệ thống dịch vụ mà những cư dân mới của đảo đảm trách để tiếp tục cho những chuyến hải trình mới! Để rồi có tiếng khóc của trẻ con trong khu gia đình mới xây. Để rồi dần dà hình thành âm thanh hỗn tạp nhưng ấm áp của cuộc sống thường nhật trong những khu tập thể của hòn đảo Thanh niên BLV vv...

Kỳ II. Đôi hồi bên phên dậu quốc gia

Ban ngày loanh quanh dọc ngang trên đảo hơn 3 cây số vuông chả tốn mấy hột thời giờ và có cảm giác BLV cũng chỉ là tầm cấp... huyện? Nhưng tôi đâu biết rằng trong con mắt của các nhà địa chất, các nhà kinh tế tầm chiến lược, biển quanh bờ BLV nông trung bình khoảng 15- 20 mét chứ không thẳm sâu đột ngột. Đảo dốc nhanh về phía nam đông nam. Nếu tính độ sâu 20 mét thì diện tích đảo như bây giờ không phải là hơn 3 km2 mà là hơn 50 km2. Nhiều ý kiến cho rằng đó là diện tích lý tưởng cho khai thác nguồn đặc lợi về kinh tế cũng như an ninh của đảo?

Đêm xuống, từ vị trí cao nhất đảo 62,33 mét lại chồng lên mấy tầng tháp của ngọn hải đăng BLV, bốn luồng ánh sáng lừ lừ quay quét xa 20 hải lý ( gần 50 km) chừng như là thông điệp bao điều kim cổ về hòn đảo từng được mệnh danh là phên dậu quốc gia từng bao năm đảm trách thế ỷ dốc cho Đại Việt! Còn nhiều cuốn hải hành của ngành biển thế giới từng xếp BLV là một trong những đối vật tối quan trọng cho nguời đi biển.

Thế kỷ thứ 10, nhà Lý đã thành lập trang Vân Đồn để quản lý vùng biển Đông Bắc. Sau này nhà Trần nâng trang Vân Đồn thành trấn Vân Đồn trực thuộc triều đình. Nhà Lê đặt tuần kiểm ở các cửa biển để quản lý biển, thu thuế các tầu thuyền nước ngoài. Do vậy chủ quyền Việt Nam trên các đảo vùng biển Đông Bắc được xác lập sớm. Giở lại chính sử, bồi hồi cái nỗi, ông vua Lý khi mới lên 3 tuổi ấy đã tham gia chấp chính, sau này tuổi còn rất trẻ mà đã có ý thức rõ rệt về chủ quyền của Đại Việt. Liền 2 năm Tân Mão và Nhâm thìn ( 1171, 1172) vua Lý Anh Tông đã đích thân dầy công đi qua những vùng núi non hiểm trở quan sát sinh hoạt của dân tuần tra các hải đảo ngoài biển ở địa giới các phiên bang Nam, Bắc, tìm hiểu đường đí, ghi chép phong vật sai vẽ bản đồ Đại Việt”. Từ Vân Đồn, đức vua không biết, ngự thuyền rồng, tất nhiên rồi nhưng bằng loại gì để mà ra tận Bạch Long Vĩ? Bâng khuâng nghĩ đến thời tít tắp ấy, trên lọn sóng biếc giữa ngàn trùng khơi kia đã từng thấp thoáng bóng hoàng bào lặn lội ra tận đây để xác lập chủ quyền! Vua ấy nên mới có tôi ấy tức là Tô Hiến Thành khi vua yếu được giao trọng trách Thái phó Bình chương quân q uốc trọng sự!

Tôi chợt nhớ cuộc gặp với một chuyên gia địa chất đã từng biết rồi từng nằm ở BLV trong những năm đã xa. Chuyện của những người chuyên ăn cơm dương gian làm việc âm phủ dường như mang một sắc thái lãng mạn lẫn ma lực bởi sự hấp dẫn của nó... Ngạc nhiên xiết bao khi được biết vào cái kỷ kiến tạo sông băng tít mù hàng triệu triệu năm trước, đảo BLV có diện tích đến hàng trăm km2! Ông chuyên gia ấy còn dẫn ra nhiều tài liệu, trong đó có luận điểm của chuyên gia địa chất nước ngoài khẳng định hiện trạng địa chất qua bản đồ địa chất miền Bắc Việt Nam và Vịnh Bắc Bộ, về tuổi trầm tích và mối quan hệ khăng khít về cấu trúc giữa đảo Bạch Long Vĩ và hạ lưu sông Hồng. BLV là điểm nối dài của mạch kiến tạo vô tư và dằng dặc nhiều tỷ năm như thế!

Ngay từ năm 1955, các nhà khoa học Việt Nam và nuớc ngoài đã phát tín hiệu về dầu khí ở Bạch Long Vĩ. Khoáng sản BLV có mangan, sắt, phốt phát, đá silic khuê tảo và đặc biệt là bitum (Atfantit). Trong những lớp thuỷ sa thạch do những con sông đồng bằng Bắc Bộ tạo ra sự kết tầng độc đáo này thường xuất hiện những túi dầu túi khí. Bitum BLV là sản phẩm của dầu khí được đưa từ dưới sâu âm ti lên bị ôxy hoá ngưng kết lại trong các lỗ hổng và khe nứt của cát kết thành dạng hạt cỡ từ 1-2mm. Nhìn mắt thường Atfantit có màu vàng nâu ánh nhựa. Đem phân tích thì có nhiều thứ quý giá trong đó dầu cỡ 20%, nhựa benzen 13,7% nhựa cồn bezen 54,7%, bitum cồn benzen vv...

Dấu hiệu dầu khí khu vực đảo BLV đã có. Nhưng để tiến hành việc thăm dò ở toạ độ bao nhiêu để mà biết vị trí và để biết trữ lượng thì hình như chưa được thực thi? Nhưng chừng ấy thôi cũng đủ để nghĩ để chia ở thì tương lai một sắc diện hồng hào cho những cô, cậu bé con cái của thế hệ TNXP Hải Phòng từng làm cái việc khai sơn phá thạch trên đảo Thanh Niên. Tôi có cảm giác trong vô số tất tả lẫn nhiêu khê, người thì yên tâm cho con học hết chương trình lớp ba lớp bốn ngoài đảo rồi mới cạy cục gửi ông nội bà ngoại trong đất liền người thì cẩn thận hoặc có điều kiện cho con bắt đầu từ chương trình phổ thông ở đất Hải Phòng, hình như họ đang chuẩn bị đang sắm sửa cho đất nước một thế hệ dầu khí Bạch Long Vĩ, đang sắm sanh tài sản cho huyện đảo này hoà nhập vào ngôi nhà CNH, HĐH?

Vịnh Bắc Bộ là một trong những vịnh lớn của thế giới, có diện tích khoảng 126.250 km2 (36.000 hải lý vuông), chiều ngang nơi rộng nhất khoảng 310 km (176 hải lý), nơi hẹp nhất ở cửa vịnh rộng khoảng 207,4 km (112 hải lý).

Bờ vịnh Bắc Bộ thuộc 10 tỉnh, thành phố của Việt Nam với tổng chiều dài 763 km và bờ biển thuộc 2 tỉnh Quảng Tây, Hải Nam của Trung Quốc với tổng chiều dài 695 km. Vịnh có hai cửa: eo biển Quỳnh Châu nằm giữa bán đảo Lôi Châu và đảo Hải Nam với bề rộng 35,2 km (19 hải lý) và cửa chính của vịnh từ đảo Cồn Cỏ (Việt Nam) tới đảo Hải Nam (Trung Quốc) rộng 207,4 km (112 hải lý).

Phần vịnh phía Việt Nam có khoảng 2.300 đảo đá ven bờ, đặc biệt có đảo BLV nằm cách đất liền Việt Nam khoảng 110 km, cách đảo Hải Nam Trung Quốc khoảng 130 km. Phía Trung Quốc có một số ít đảo nhỏ ở phía Đông Bắc vịnh như đảo Vị Châu, Tà Dương. Vịnh Bắc Bộ có vị trí chiến lược quan trọng đối với Việt Nam và Trung Quốc cả về kinh tế lẫn quốc phòng, an ninh. Vịnh là cửa ngõ giao lưu từ lâu đời của Việt Nam ra thế giới, có tầm quan trọng đặc biệt đối với sự nghiệp phát triển kinh tế, thương mại quốc tế cũng như quốc phòng an ninh của nước ta. Đối với khu vực phía Nam Trung Quốc, vịnh cũng có vị trí quan trọng. Vì vậy, cả hai nước đều rất coi trọng việc quản lý, sử dụng và khai thác vịnh. Do bờ biển hai nước vừa kế cận vừa đối diện nhau, nơi rộng nhất không đến 200 hải lý, nên các vùng biển và thềm lục địa của hai nước trong vịnh đều bị chồng lấn lên nhau, cần được phân định để xác định rõ ràng biên giới lãnh hải cũng như ranh giới vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa giữa hai nước.

Đàm phán phân định vịnh Bắc Bộ giữa hai nước Việt Nam và Trung Quốc kéo dài 27 năm với 3 cuộc đàm phán chính trong các năm 1974, 1977- 1978 và 1992-2000. Các cuộc đàm phán cấp Chính phủ năm 1974 (8/1974-11/1974) và năm 1977- 1978 (10/1977-6/ 1978 không đi đến kết quả vì lập trường hai bên cách xa nhau. Năm 1991, sau khi bình thường hóa quan hệ, Việt Nam và Trung Quốc đã quyết định thương lượng để giải quyết các vấn đề về biên giới và lãnh thổ, trong đó có vấn đề phân định vịnh Bắc Bộ. Trong 9 năm từ năm 1992 đến năm 2000, hai bên đã tiến hành 7 vòng đàm phán cấp Chính phủ, 3 cuộc gặp giữa hai Trưởng đoàn đàm phán cấp Chính phủ, 18 vòng đàm phán cấp chuyên viên và nhiều vòng họp khác của Tổ chuyên viên liên hợp, Tổ chuyên gia đo vẽ, xây dựng Tổng đồ vịnh Bắc Bộ (tổng cộng 49 vòng họp, trung bình mỗi năm có hơn 5 vòng họp). Ngày 25/12/2000, tại Bắc Kinh, Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam và Trung Quốc đã ký Hiệp định phân định vịnh Bắc Bộ, kết thúc cuộc đàm phán kéo dài 9 năm giữa hai nước. ( Nguồn Bộ Ngoại giao)

Theo Hiệp định, Việt Nam được hưởng 53,23% diện tích vịnh và Trung Quốc được hưởng 46,77% diện tích vịnh. Đường phân định đi cách đảo Bạch Long Vĩ 15 hải lý, tức đảo BLV được hưởng lãnh hải rộng 12 hải lý, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa 3 hải lý (25% hiệu lực). Đảo BLV lại nằm gần như ở giữa vịnh Bắc Bộ (cách bờ biển Việt Nam khoảng 110 km, cách bờ đảo Hải Nam - Trung Quốc khoảng 130 km), tạo ra một hoàn cảnh đặc biệt nên theo luật pháp và thực tiễn quốc tế chỉ được hưởng một phần hiệu lực hạn chế trong phân định. Đảo Cồn Cỏ cũng là một đảo nhỏ nhưng nằm gần bờ của Việt Nam hơn (cách bờ khoảng 13 hải lý) nên được hưởng 50% hiệu lực trong việc phân định vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa tại đường đóng cửa vịnh. Đây là một kết quả công bằng đạt được trên cơ sở luật pháp và điều kiện cụ thể của vịnh (bờ biển của ta dài hơn của Trung Quốc, ta có nhiều đảo trong vịnh, đặc biệt có đảo BLV nằm gần chính giữa vịnh. ( Trích trả lời phỏng vấn của nguyên Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Dy Niên ngày 01-7-2004 nhân dịp Việt Nam và TQ chính thức trao đổi thư phê chuẩn Hiệp định phân định Vịnh Bắc Bộ)


Kỳ III: Nhiều cách để ... yêu Bạch Long Vĩ

Hình như BLV đã làm trước đã đón đầu quyết sách lớn của Trung ương Đảng ( mãi gần đây mới ban hành) là nghị quyết về chiến lược biển nêu rõ định hướng đưa nước ta thành một quốc gia mạnh về biển, giàu lên từ biển bảo vệ vững chắc chủ quyền quốc gia trên biển. Bằng việc thành lập huyện đảo BLV trực thuộc thành phố Hải Phòng như sự khẳng định tầm quan trọng của BLV trong thực hiện chiến lược Biển Đông- hải đảo tạo cơ sở tiền đề để xây dựng BLV phát triển toàn diện về KT- QP-AN trở thành Trung tâm dịch vụ hậu cần nghề cá cho các tỉnh ven biển Bắc Bộ một pháo đài tiền tiêu bảo vệ vững chắc vùng biển Đông Bắc của Tổ quốc.

Cần lắm thay một con tàu pha sông biển vừa chở được ngươi và hàng hoá để nối liền BLV với đất liền. 130 cây số đường biển từ BLV đến Hải Phòng là một khoảng cách diệu vợi thậm chí hiểm nguy cho những trường hợp cần kíp như cấp cứu chẳng hạn. Không lâu sau khi thành lập huyện đảo, Hải Phòng đã quyết định đóng mới một con tàu mang tên Bạch Long Vĩ. Đó là quyết định rất đúng đắn phù hợp với nguyện vọng của những cư dân mới trên đảo đặc biệt là lực lượng TNXP. Hải Phòng đảm nhận việc đóng mới con tàu trọng tải đâu như hơn trăm tấn này. Ngày hạ thuỷ đã đến. Trước sự mong đợi háo hức, con tàu lừ lừ hạ thuỷ nhưng bất đồ đã chao nghiêng! Người ta nhanh chóng khắc phục bằng cách cho chất nhiều tấn bê tông để lấy lại sự thăng bằng cho con tàu. Nhưng oái oăm, nó vẫn nghiêng hết ấy mấy về... một bên như thế. Sau một thời gian dài khắc phục, nhận thấy nếu cứ mang Bạch Long Vĩ lướt sóng bề Đông nối liền thành phố Hoa phượng đỏ với pháo đài thép BLV như thế sẽ không an toàn nên Bạch Long Vĩ được đổi tên thành Bạch Long Hải và nghe đâu được chuyển sang những hải trình ngăn ngắn... May mà sau đó trên đã kịp sắm cho Tổng đội TNXP một con tàu khác chức năng cũng na ná như Bạch Long Vĩ!

Cách BLV gần 2 hải lý nếu may gặp buổi trời trong, đảo đột ngột hiện ra trong đường chân trời hình thù như con cá mực rồi thoắt mờ ảo với hình bàn tay khổng lồ nhưng thon thả úp trên mặt biển xanh. Gần hơn, vật đầu tiên mà người trên tàu nhìn rõ ngoài cột rađa ngất ngểu giữa chính đảo là chĩnh chiện một hình hài với nhiều người là lạ mắt bởi dười gầm trời Nam ít đâu có. Thấp hơn cột ăngten rađa. Trắng muốt. Tóm lại là cái chong chóng khổng lồ với ba cánh thuôn dài! Ấy là cột phong điện mà nhiều người không lạ khi qua nhiều quốc gia châu Âu nhất là Hà Lan có nhiều cột phong điện- thực chất là nhà máy dùng sức gió để sản xuất điện. Nguồn nguyên liệu sạch và dồi dào ấy, may mắn thay BLV lại rất sẵn! Một dự án táo bạo và lãng mạn được đưa ra BLV phải có nhà máy phong điện để tận dụng sức gió, thứ nữa để chủ động được nguồn điện mà từ trước đến nay chỉ trông chờ vào máy phát. Nhà máy phong điện hình như lần đầu tại Việt Nam và ở ngay BLV này, tại sao không? Sau 4 năm miệt mài thi công, dự án nhà máy phong điện gồm 1 turbine công suất 800 KVA và 2 máy phát diesel công suất 414 KVA/ máy cùng hệ thống mạng lưới, nhà điều hành đã được hoàn thành. Thời điểm khánh thành, qua các phương tiện truyền thông, cả nước hân hoan chia vui với huyện đảo BLV. Ngần ấy nguồn điện dẫu còn khiêm tốn nhưng quý giá xiết bao đối với một hòn đảo vời xa đất liền những 130 cây số! Và có lẽ từ đây sẽ mở ra một triển vọng phát triển nguồn điện đối với những hòn đảo xa xôi cách trở mà ngành điện lực Việt Nam đang bấn bíu với bài toán năng lượng chưa thể giải.

Nhưng niềm vui ngắn chả tày... năm. Nhà máy đang vận hành ngon lành bỗng dưng trục trặc. Trục trặc thì sửa. Chuyên gia Tây Ban Nha được tức tốc điều đến. Qua nhiều ngày xoay xoả khắc phục sự cố, nhà máy phong điện vẫn ì ra. Nghe đâu nguyên nhân trục trặc hỏng hóc là do khâu vận hành. Đại để phụ tải phải đạt 350 KVA thì mới được vận hành phong điện còn dưới mức ấy thì không được nóng ruột! Nghe nói, có nhiều phương án đang được đặt ra. Có thể theo chuyên gia nuớc ngoài đề xuất phương án là đem về cố quốc sữa chữa thay tháo gì đó hoặc để cho đơn vị nào trong nước đảm nhận việc sữa chữa khắc phục sự cố... Mọi thứ điện tiêu dùng trên đảo bây giờ vẫn cứ phải trông chờ vào nguồn máy phát như trước.

Có lẽ sau điện, BLV cần nữa là nguồn nước ngọt. Vậy nên dự án biến nước mặn, nước biển thành nước ngọt được huyện đảo nhanh chóng đưa ra để cân nhắc! Thay vì dự án khai thác nước ngầm mà ở độ sâu tận 200 mét thì nhiêu khê và tốn kém quá... Vậy nên phương án biến mặn thành ngọt được thông qua không mấy khó khăn. Nhưng nghe đâu, quy trình hô biến nước biển thành nước lã là cả một thứ nhiêu khê tinh vi và tầm cỡ thế giới nên chả bao lâu nhà máy, tạm gọi thế đành phải đóng cửa do nhiều phen trục trặc. Chiều muộn, tôi đứng trong gian nhà trống hoác không mái không tường trước đây từng dùng để chứa những thiết bị hô biến. Ngay kế bên cũng một gian trống hoác nhưng nhỏ hơn. Hỏi ra mới biết nơi đây từng lắp đặt thiết bị làm đá nhưng không rõ tại sao đã không thành? Chưa hết, trong ánh chiều nhập nhoạng, non chục cái téc chứa dầu nằm kề bên nhau đang lên cái màu tang thương vàng ệch sét gỉ... ( Xứ BLV này, vật dụng bằng sắt thép chả cần nhúng xuống biển mới là vàng ệch này khác, tôi để ý thấy hầu như tất tật cái vành bánh xe máy đều nhuốm màu nhuôm nhoam của thứ tiền gỉ sét) Lại hỏi tiếp thì được biết đây là một trong những công trình thành phố đầu tư cho BLV để phục vụ cho dự án biến BLV trở thành trung tâm dịch vụ hậu cần nghề cá. Đích thị những bể téc kia dùng để chứa xăng dầu. Xăng dầu giữa trùng trùng bể khơi này là của hiếm, dịch vụ thứ thiết yếu này tại sao lại cũng không thành? Không rõ nhiều tàu thuyền ghé qua âu tàu BLV này ( thời điểm cao nhất âu tàu BLV chưa gần 1000 thuyền tàu) họ nạp và đong nhiên liệu ở đâu? Và nước đá để sơ chế hải sản nữa chứ?

Thôi thì nhà máy phong điện trục trặc rồi cũng sẽ tìm ra những hỏng hóc để mà khắc phục. Rồi việc hô biến mặn thành ngọt cũng sẽ được thu xếp ( hoặc sẽ đầu tư thiết bị khác tiên tiến hơn chả hạn hoặc đành chịu khó tốn kém dùng phương án khai thác nước ngầm) Rồi chỗ nền đắc địa ngay sát âu tàu kia đang đặt mấy cái téc dầu rỗng kia cũng sẽ thay bằng dự án dịch vụ khác... Sau này có tò mò hỏi thêm các nhà chức việc ( trong đó có cả cơ quan pháp luật của thành phố) thì may thay tất cả những sự bày biện kể trên không phát hiện ra sự xà xẻo nào! Mà duyên do là nóng vội là sốt ruột mong muốn những con người đang đứng chân tại vị trí tiền tiêu của Tổ quốc phải được hưởng sớm, nào phải cao sang gì, ấy là điện là nước thứ tối thiểu như mọi lương dân Việt khác trong đất liền! Có nhiều cách để yêu đảo, yêu Bạch Long Vĩ. Mà đã yêu thì chẳng thể vôị vã lẫn nóng ruột. Mà trong tình thế này, trong cơ chế thị trường xô bồ cùng với sự đặc thù của đảo, chỉ có thể chầm chậm và thận trọng nghe ngóng thì mới chắc chắn?

Còn có một cách yêu, cách quý Bạch Long Vĩ. Ấy là đoàn nhà báo của Hội nhà báo Việt Nam ra thăm và tặng quà cho đảo được mời dự Lễ khánh thành ngôi chùa khá bề thế đặt ngay sau ngôi Đền thờ Đức Thánh Trần Hưng Đạo. Ân tượng chưa hẳn là phật tử Hải Phòng và khắp nơi công quả nhiều tỷ đồng để hoàn thành một ngôi chùa khang trang và thuê hẳn một chuyến trực thăng ( chi phí khoảng 200 triệu) để chở một số Hoà thượng đại đức trong đất liền ra làm lễ mà là những động thái chắp tay thành kính của các cô TNXP đang đứng chân trên đảo lâu nay. Bữa nay tất thảy các cô đều mặc áo dài. Bàn tay chai sạn cuốc xẻng làm lụng chắp lại thoắt như những búp sen. Họ thành kính hướng về phía ban thờ ngạt ngào hương khói mà dưới ban thờ kia tất thảy các viên gạch đều được yểm dòng chữ nước CHXHCN Việt Nam. Một ngôi chùa Việt tại đảo BLV ở giữa ngàn trùng khơi Vịnh Bắc Bộ như thứ mốc chủ quyền tâm linh của Tổ quốc!

Kỳ cuối: Chớ phụ những tấm lòng với đảo

Tiện chân tôi ghé vào một căn nhà tuềnh toàng bên đường. Vì huyện đảo BLV chưa có quy hoạch chi tiết nên nhà cửa của cư dân đảo hầu hết hẵng còn tạm bợ. Chủ nhà là anh Đức, bộ đội đảo. Trong số hơn 60 gia đình TNXP định cư tại đảo có 16 cặp chồng là bộ đội đảo BLV lấy vợ TNXP. Đức quê Thanh Hoá, trước đây vợ Đức là TNXP nay đã chuyển việc khác. Hình như mọi thứ chi tiêu trong nhà Đức hai vợ chồng với 2 con nhỏ đều trông chờ vào sạp hàng mắm muối rau cỏ bia, nước ngọt choán gần hết diện tích căn nhà chật hẹp. Bão hay gió lớn thì sóng cao hoặc thời tiết xấu, dân đi biển méo mặt nhưng nhiều sạp hàng của cư dân đảo trong đó có vợ chồng Đức lại mừng vì hàng bán chạy, dân đánh cá, vận tải dạt vào trú ở BLV khá nhiều. Thu nhập mọi thứ theo Đức cũng chỉ đủ sống nhưng vợ chồng anh dự định ở đảo lâu dài. Đức bộc bạch với khách rằng vợ chồng anh yên tâm bởi nghe đâu sắp tới có nhiều dự án kinh tế đầu tư cho đảo, huyện đảo lại cũng sắp có quy hoạch chi tiết. Có quy hoạch nghĩa là nhiều hộ trên đảo như gia đình Đức được phép xây nhà khang trang hơn chứ không tạm bợ như thế này...

Không xa nhà Đức là khu tập thể giành cho TNXP. Trong những căn hộ khiêm nhường thậm chí hẵng còn tuềnh toàng ấy, tôi chợt bắt gặp những ý tưởng những dự định không thường chút nào. Chuyện anh Hậu TNXP quê ở Tiên Lãng chẳng hạn. Anh Hậu nhiều năm nay theo học khoa Luật kinh tế của một trường ĐH ở Hải Phòng. Mỗi tháng Hậu vào đất liền một lần mấy ngày để theo học. May mắn thì đi được tàu của đảo hoặc tàu khách. Không thì đi nhờ tàu cá. Không ít lần đi nhờ tàu cá, gặp bão hoặc thời tiết xấu, Hậu dạt sang tận Quảng Ninh, lần thì dạt xuống mãi Thái Bình, gần nhất là Đồ Sơn, Hậu lại phải đón xe đò về Hải Phòng để kịp học. Ròng rã nhiều năm như thế, Hậu đã theo gần hết chương trình hiện còn hơn năm nữa, Hậu sẽ tốt nghiệp. Nhìn vẻ nhũn nhặn khiêm tốn cùng cái cười cởi mở của Hậu, tôi như đang ngồi trước một kỳ quan! Chứ không à, riêng hành trình của Hậu liên tục là BLV đi Hải Phòng rồi từ HP ngược lại. Mỗi tháng với mỗi lần đi như thế, khi tốt nghiệp Hậu đã chạm đến con số 17.000 km! Tôi chợt nhớ đó là độ dài của đường cáp ngầm kết nối từ Trung Quốc đến Hoa Kỳ! Chao ôi hai cậu con trai của vợ chồng Hậu chắc chắn sau này, nếu có đi học thì cũng không phải trải qua lộ trình nhọc nhằn như bố!

Chuyện của Định, tôi mạo muội nghĩ, có lẽ dung lượng của những cuốn sách hay bộ phim thì mới đủ sức chuyển tải? Một chàng trai Hà Nội mắc vào vòng nghiện hút. Ròng rã nhiều năm. Cũng ròng rã gần mười năm quyết tâm cai nghiện. Và Định đã cai được. Để đoạn tuyệt với quá khứ đau thương, qua một người bạn ở Hải Phòng, Định biết có lực lượng TNXP trên đảo BLV. Định xin ra đảo nhập vào lực lượng TNXP. Tại đảo Định đã tìm được niềm vui lẫn hạnh phúc tưởng như đã vĩnh viễn rời bỏ những người nghiện hút. Định có gia đình. Vợ Định hiền ngoan. Hai đứa con kháu khỉnh. Hiện một đứa ở Hà Nội với người nhà và một cháu đang ở với vợ chồng Định ngoài đảo. Ngồi cả phê với Định, tôi kín đáo cố xăm soi, mặc dầu chẳng muốn nhưng thử chộp một trích đoạn trong quá khứ xám xịt của người trai Hà thành kia! Định chẳng giấu... Nhưng luôn hiện hữu trước tôi, một người đàn ông có thân hình vạm vỡ chắc nịch vẻ kín đáo nhưng lại có cái cuời cởi mở... Tôi biết bờ vai chắc chắn kia không những gia đình bé mọn của Định tựa vào mà sẽ giúp anh gánh vác bao việc trên hòn đảo mà Định đã quyết neo lại cuộc đời mình!

Đêm cuối ở đảo tôi leo lên bậc cuối của ngọn hải đăng BLV. Chợt nhớ cái đêm đứng ở mũi Tachiao rực lên các cỡ đèn của đảo Hải Nam tự nhiên có cảm giác bồn chồn khi dõi ra phía biển đêm tít mù. Từ mũi Ta chiao này chỉ 130 cây số (bằng đoạn từ Hà Nội đi Bỉm Sơn) phía mạn đông đông nam kia là BLV của Hải Phòng. Cũng chỉ là cảm giác của một kẻ tha hương rằng đất nước mình gần thế sao tự dưng trước mình vời vợi một trùng dương? Nhưng bây giờ đứng trên cửa sổ nhà đèn Bạch Long Vĩ dõi theo luồng sáng xanh hải đăng quét về hướng Hải Nam tít mù kia tự dưng có chút sốt ruột thế nào? Trong túi áo tôi đang cồm cộm cái báo cáo của huyện đảo Bình quân mỗi năm thu hút từ 18-20.000 lượt tàu thuyền vào neo đậu tàu trú gió bão, trao đổi hàng hoá. Tổng giá trị sản xuất các ngành kinh tế năm 2007 đạt trên 100 tỷ đồng với mức tăng trưởng hằng năm 12%. Thu nhập bình quân đầu người năm 2007 đạt 19 triệu đồng thu ngân sách trên địa bàn đạt 3 tỷ đồng. Mới 16 năm thành lập, gắng gỏi ấy cũng là đáng kể. Nhưng vọng người mà ngó đến ta. Hải Nam, người Trung Quốc không gọi đảo mà là đặc khu kinh tế. Hầu như tất cả các yếu nhân của Trung Hoa đều đã đặt chân đến Hải Nam. Chu Dung Cơ, Giang Trạch Dân, Hồ Cẩm Đào, Ôn Gia Bảo ... Còn thế giới thì tấm tắc Hải Nam là Hawaii của phương Đông! Người ta kháo nhau Hải Nam là căn cứ quân sự có cả căn cứ tàu ngầm! Nói vậy thì biết vậy, chả biết thế nào mà lần nhưng nhỡn tiền một đặc khu kinh tế tầm cỡ thế giới hằng ngày cứ ngồn ngộn sinh sôi. Nhà máy lọc dầu, khu du lịch, casino, cảng cá, khu chế biến hải sản... giăng giăng khắp mặt đảo. Cùng một thổ nhưỡng với thứ khí hậu na ná cũng là biển đảo mà sự phát đạt của Bạch Long Vĩ mà Cát Bà của Hải Phòng lại vời vợi thế này?

Lẩn thẩn nghĩ thêm, chẳng phải là cam chịu tụt hậu nhưng trước lúc kịp cho bằng chị bằng em, đại sự chưa thành thì đành hành tiểu sự, nghĩa là làm việc nhỏ trước! Theo tài liệu của ngành thuỷ sản, dân nước mình 2/3 nguồn protein đã đang và sẽ chỉ còn trông chờ vào nguồn lợi từ hải sản ( chả thế mà bao đời nay đã hình thành ngạn ngữ mang tính xoắn bện biện chứng như cơm với cá như mạ với con...) Như vậy phấn đấu trong những năm tới làm sao đạt chỉ tiêu để dân mình không mang tiếng là còi cọc và suy dinh dưỡng thì mỗi năm phải đạt tiêu chuẩn 35 kg cá cho mỗi đầu người! Trong những đầu mối của việc khai thác nguồn lợi từ biển, một trong những nơi đắc địa của ngư trường Vịnh Bắc Bộ chính là BLV! Chả phải ngẫu nhiên mà BLV được trên tin tưởng đặt trọng trách phải gắng gỏi vươn lên chức phận là trung tâm dịch vụ hậu cần nghề cá cho các tỉnh ven biển Bắc Bộ? Có lẽ trước khi có sự đầu tư thích đáng những cú hích những thứ kích cầu thì mong các cấp có trách nhiệm lưu tâm đến lời tâm sự của ông Bí thư huyện đảo Cao Xuân Liên trước lúc chia tay Đề nghị trung ương và thành phố tiếp tục quan tâm đầu tư phát triển hạ tấng cơ sở KTXH của huyện chỉ đạo đầu tư tháo gỡ khó khăn về giao thông đi lại giữa đảo và đất liền, điện nước đồng thời có chính sách thu hút đội ngũ bác sĩ cán bộ giỏi ra đảo công tác...

Ra đảo Bạch Long Vĩ có lẽ chỉ còn trông chờ vào người trẻ?

Huyện đảo Bạch Long Vĩ được vinh dự mang tên đảo Thanh Niên. Hàng ngàn lượt nam nữ TNXP thuộc Tổng Đội TNXP Hải Phòng đã lần lượt làm việc tại đảo. Mỗi nhiệm kỳ ở đảo thường là 3 năm. TNXP làm việc tại đảo không được hưởng tiêu chuẩn như công nhân viên quốc phòng và bộ đội. Theo NĐ về phụ cấp lương mới ban hành năm 2004, mỗi người hằng tháng được hưởng 1.080.000 đồng. 01 bộ quần áo thu đông và 01 bộ Xuân hè/ người/ năm.
Hiện có 60 gia đình TNXP đang sinh cơ lập nghiệp trên đảo. 35 cháu đang theo học từ PTCS đến PTTH. Trong đó có 15 cháu đang theo học chương trình PTTH tại cơ sở nội trú Đồ Sơn giành cho TNXP. Số còn lại đang học PTCS tại huyện đảo Bạch Long Vĩ.

X.B

3 nhận xét:

  1. Vai trò đảo Bạch Long Vĩ đăng trên Haiphong và Những người canh biển - 3 kỳ trên VNN: Đã bốc hơi!

    Trả lờiXóa
  2. Bạch Long Vĩ đảo quê hương:
    http://www.youtube.com/watch?v=Zf3_KYFTfow

    Trả lờiXóa
  3. chú làm nghề gì mà lại biết về Bạch Long Vĩ nhiều thế. Nếu tiện thì có thể cho cháu email của chú để cháu hỏi một vài vấn đề có liên quan tới Bạch Long Vĩ đc không chú? nếu có thể chú email vào email này cho cháu nhé. nguyenmanhtienhp84@gmail.com. cháu mơi ra ngoài Bạch Long Vĩ công tác nhưng chưa biết nhiều về Bạch Long Vĩ.

    Trả lờiXóa