Bạn bè

Tổng số lượt xem trang

Tìm kiếm Blog này

Thứ Bảy, 8 tháng 10, 2011

Giang Văn Minh và quốc thể

Tháng trước, Nguyễn Lân Thắng có nhời mời, bảo rằng anh ơi nếu có dịp về Đường Lâm quê em chơi. Ôi, về đâu chứ về xứ 3 vua thì còn gì hơn. Chỉ mong sao thực hiện được điều đó.

Lân Thắng nhắc đến Đường Lâm làm mình nghĩ ngay đến một nhân vật hiển hách trong lịch sử nước Nam ta, thời nhà Lê, trên mặt trận ngoại giao, trong mối quan hệ Đại Việt với Tàu. Người đó là Giang Văn Minh, quê gốc Đường Lâm.

Mở lại Việt Nam sử lược của cụ Lệ Thần Trần Trọng Kim, phần viết về nhà Lê không thấy nhắc đến quan chánh sứ họ Giang. Có lẽ do là sử lược như tác giả đặt tên nên không thể ghi hết những điều, những người mang dấu ấn lịch sử, dù họ rất nổi danh, được dân tộc ghi nhớ, thờ phụng. Tuy nhiên, trong tác phẩm này, cụ Lệ Thần có sự đánh giá thật chính xác về “việc giao thiệp với Tàu” của triều Lê. Cụ viết: “Nước ta bấy giờ tuy phải theo lệ xưng thần với nhà Minh, nhưng vua Thánh Tông vẫn hết lòng phòng bị mặt bắc. Thỉnh thoảng có những người thổ dân sang quấy nhiễu thì lập tức cho quan quân lên tiễu trừ và cho sứ sang Tàu để phân giải mọi sự cho minh bạch. Có một hôm được tin rằng người nhà Minh đem binh đi qua địa giới, Thánh Tông liền cho người do thám thực hư. Ngài bảo với triều thần: “Ta phải giữ gìn cho cẩn thận, đừng để cho ai lấy mất một phân núi, một tấc sông của vua Thái tổ để lại”. Ngài có lòng vì nước như thế, cho nên dẫu nước Tàu có ý muốn dòm ngó cũng không dám làm gì”.

Một triều đại vẻ vang như thế, vua hiền tôi sáng, giặc nào dám ngó nghiêng bờ cõi. Góp vào công ấy không thể quên “liệt sĩ” Giang Văn Minh.

Theo nhiều tài liệu lịch sử, có thể khẳng định Giang Văn Minh là điểm chói sáng trong thời đại ông. Đặc biệt nhắc đến ông là nghĩ ngay đến sự thông minh, bản lĩnh vững vàng, kiên cường bất khuất trước kẻ thù, dám hy sinh tấm thân nghìn vàng của mình để giữ gìn quốc thể. Đối với ông, không sức mạnh nào có thể bắt ông phải cúi đầu, không dụ dỗ ngọt ngào nào làm ý chí ông lay chuyển, không thủ đoạn đê hèn nào làm khí tiết ông đổi thay. Uy vũ bất năng khuất, bởi ông là Giang Văn Minh, là con dân nước Đại Việt, là người đại diện cho quốc thể. Ông được người đời sau truyền tụng là vị sứ thần “bất nhục quân mệnh” (không để nhục mệnh vua). Ta nên biết rằng, theo quan niệm chính thống thời ấy, vua là nước (nam quốc sơn hà nam đế cư).

Lật giở sử xanh, kẻ hậu sinh xin chép lại đôi dòng:

Giang Văn Minh tự Quốc Hoa, hiệu Văn Chung, sinh năm 1582, tại kẻ Mía (tên chữ là Mông Phụ), xã Đường Lâm, tổng Cam Giá, huyện Phúc Lộc, tỉnh Sơn Tây (nay là xã Đường Lâm, thị xã Sơn Tây, Hà Nội). Ông từng đỗ đầu kỳ thi Hội, rồi thi Đình lại đậu Thám hoa khoa Mậu Thìn năm Vĩnh Tộ thứ 10 (1628) đời Lê Thần Tông. Khoa thi này không có ai đỗ Trạng nguyên hoặc Bảng nhãn, vì vậy ông là người đỗ cao nhất (Đình nguyên) trong cả khoa thi. Ra làm quan, ông từng giữ các chức vụ như Binh khoa đô cấp sự trung (1630), Thái bộc tự khanh (1631).

Năm Dương Hòa năm thứ 3 (1637), ông và Thiêm đô ngự sử Nguyễn Duy Hiểu được vua cử làm chánh sứ cùng với 4 phó sứ Nguyễn Quang Minh, Trần Nghi, Nguyễn Bình và Thân Khuê dẫn đầu hai đoàn sứ bộ sang giao thiệp với nhà Minh. Đoàn sứ bộ đến kinh đô Tàu nhưng bị cản trở, phải nằm chờ ở dịch xá mất gần 1 năm trời. Tưởng rằng sứ thần phương nam đã mệt mỏi thể xác và tinh thần, vua nhà Minh lúc ấy là Minh Tự Tông (Chu Do Kiểm, còn có tên gọi Sùng Trinh) mới thèm ra tiếp. Y ngạo mạn khinh miệt người nam, trong lúc tiếp đoàn cố ý ra vế đối nhằm hạ nhục sứ giả Đại Việt: “Đồng trụ chí kim đài dĩ lục” (cột đồng đến nay rêu đã lên xanh), hàm ý nhắc đến chuyện Mã Viện đời Hán đô hộ người Việt.

Trước mặt kẻ thù, những kẻ miệng thì nhơn nhơn buôn chuyện hữu hảo, xây dựng quan hệ láng giềng tốt đẹp, nhưng dã tâm thì chỉ muốn ăn tươi nuốt sống nước nhỏ phương nam, đại sứ Giang Văn Minh hiên ngang cứng cỏi, dù biết cái chết đã cận kề: “Đằng Giang tự cổ huyết do hồng” (sông Bạch Đằng từ xưa máu vẫn còn đỏ).

Ôi, Giang Văn Minh, thân ông dù tan nát nhưng quốc thể đã vững bền như chưa bao giờ vững bền đến thế. Ta cũng biết sau đó tên vua Minh cay cú đã ra lệnh bịt mũi, trám miệng rồi mổ bụng moi gan sứ thần Đại Việt, bất chấp luật lệ bang giao (tháng 6 Kỷ Mão-1639). Thi hài ông được mang về an táng tại quê nhà. Vua Lê Thần Tông đã về tận Đường Lâm dự lễ an táng ông và ban khen “Sứ bất nhục quân mệnh, khả vi thiên cổ anh hùng” tức “Sứ giả không làm nhục mệnh vua, xứng đáng là anh hùng xưa nay”. Dân gian cũng có câu đối viếng ông: “Thục bất hữu sinh, sinh như công dã, kỳ sinh như vinh/Thục bất hữu tử, tử như công giả, kỳ tử do sinh (tạm dịch: Ai cũng có cuộc sống, nhưng sống như ông, mới thật đáng sống/Ai mà chẳng phải chết, nhưng chết như ông, chết còn như sống).

Núi sông này, dân tộc này, mãi mãi nghe văng vẳng lời Giang Văn Minh truyền lại cho cháu con.

Quốc thể là trên hết, đến cái thân chẳng tiếc, sá gì những toan tính nhỏ nhoi.

Ghi thêm: Mình họ Nguyễn, một họ lớn của nước, thầm ao ước dòng họ mình có được những người nối vẻ vang chí khí anh hùng bất khuất của vị sứ thần họ Giang nhỏ bé đất Đường Lâm.


8.10.2011

Nguyễn Thông

5 nhận xét:

  1. Có ông họ Nguyễn sắp sang thăm Tung Của mà cụ.

    Trả lờiXóa
  2. Giang hồ nín thở dõi theo chuyến chầu của Tổng Lú mang về vinh hay nhục cho quốc thể!

    Trả lờiXóa
  3. Bác buncuoiwa tinh nhỉ, tri kỷ đấy.

    Trả lờiXóa
  4. Chưa đi đã biết rồi anh à. Với tính cách đó thì sao mần được chi.

    Chỉ hy vọng, đừng có mất quá nhiều thôi (mong cái tối ưu, khi không thể có được cái tốt nhất!?)

    Trả lờiXóa
  5. Bà mẹ ... Việt nam anh hùng! Làm ăn kiểu gì mà bắt người ta chờ 1 năm rồi mới tiếp? Lũ khốn! Có gì thì nói ra chứ làm như vậy thì gọi là quân tử "Tàu" thôi. Đồ mạt hạng!
    Mà ta cũng bắt chước cái kiều "cho chờ" này hay lắm... Các Bác thử liên hệ xem, như là cách các đày tớ giải quyết đơn thư hay nhu cầu của chủ. Tuyệt lắm!

    Trả lờiXóa