Bạn bè

Tổng số lượt xem trang

Tìm kiếm Blog này

Thứ Hai, 24 tháng 10, 2011

Cần trao giải cho công trình-tác phẩm cột mốc chủ quyền

ẢNH: BLOGGER CU LÀNG CÁT


Xin nói ngay, đó là cột mốc chủ quyền lãnh thổ, hay còn gọi là cột mốc biên giới.

Và cũng nói từ đầu cho đàng hoàng: tấm ảnh cột mốc kèm theo bài là của blogger Cu làng cát (bọ Lập bảo rằng là nhà báo Minh Phong), mình mượn từ blog của anh ấy. Mọi lời khen ảnh đẹp hãy dành cho anh Cu làng cát.

Với hàng nghìn cây số đường biên, cột mốc là sự khẳng định chủ quyền lãnh thổ bất di bất dịch của quốc gia. Nó vô cùng thiêng liêng, cao quý. Nó kết tinh máu, nước mắt, mồ hôi, sinh mạng hết thế hệ này sang thế hệ khác. Trên mỗi khối máu kết thành ấy dường như hằn in từng thớ đá lời đức vua anh minh Lê Thánh Tông căn dặn cháu con “phải giữ gìn cho cẩn thận, đừng để cho ai lấy mất một phân núi, một tấc sông của tổ tiên để lại”.

Việc phân định biên giới là việc hệ trọng của nhà nước, tôi không dám bàn, mà cũng chả có tư cách bàn. Tôi chỉ lưu ý rằng cột mốc chủ quyền đã dựng thì sống chết giữ cho nó vững, một li cũng không dời, từ kẻ dân thường đến ông tai to mặt nhớn đều có trách nhiệm.

Ôm cột mốc như ôm Tổ quốc vào lòng. ẢNH: BLOGGER CU LÀNG CÁT


Suốt bao năm qua, báo chí truyền thông đã nói đã viết khá nhiều về những người lính biên cương, về những người vạch rừng xẻ núi đi xây dựng cột mốc, về cuộc đấu tranh căng thẳng trên mặt trận ngoại giao để giữ từng tấc đất… Nhiều bài thơ, cuốn phim, bản nhạc, tấm ảnh thể hiện những cột mốc thiêng liêng, đều hay, đẹp và rất xúc động. Chỉ hơi thiếu sót, gần như chưa có thông tin nào cho biết tác giả mẫu cột mốc là ai, cá nhân hay tập thể. Để có được tác phẩm tuyệt vời như thế, chắc rằng tác giả đã dồn hết tài năng, trí tuệ, tình cảm, lòng yêu Tổ quốc, niềm tự hào về đất nước… vào quá trình sáng tác. Hãy cứ nhìn tấm ảnh anh Cu làng cát chụp mà xem, sẽ thấy, đâu phải chỉ là chiếc cột đánh dấu, phân định lãnh thổ, mà là sự uy nghi vững chãi, bền bỉ chắc chắn không thể tả. Dáng thanh thoát vươn cao mà bám chặt trên đất đai biên cương Tổ quốc. Sực nhớ bài thơ của thi sĩ Huy Cận ngợi ca dân tộc mình “lưng đeo gươm tay mềm mại bút hoa, sống hiên ngang mà nhân ái chan hòa”, về con người “dũng cảm mà thanh thanh nước bước”, và cột mốc chủ quyền này đã toát lên được chiều sâu đất nước, dân tộc và con người Việt Nam như thế.

Về cơ bản, chúng ta đã phân định xong mốc giới trên đất liền, từ Quảng Ninh vòng về phía tây, xuôi xuống phía nam chót tận cùng Kiên Giang, suốt hàng nghìn cây số biết bao cột mốc oai hùng đẹp đẽ vững chắc đã sừng sững hiên ngang. Trộm nghĩ, mấy chục năm trở lại đây, đó là tác phẩm tượng đài tuyệt vời nhất của đất nước chúng ta.

Cứ dăm năm, nhà nước lại xét trao giải quốc gia cho những công trình, tác phẩm xuất sắc nhất, cả về ý nghĩa xã hội và nghệ thuật. Vậy thì tại sao chưa thấy ai nhắc nhở, đề cử tác phẩm này? Một giải thưởng Nhà nước cho công trình-tác phẩm cột mốc chủ quyền, quá xứng đáng. Và có lẽ không gây sự ì xèo như với nhiều đề cử vừa rồi.

ẢNH: BLOGGER CU LÀNG CÁT


Cần nói thêm, công chúng muốn được biết danh tính tác giả hoặc nhóm tác giả để tỏ lòng biết ơn những con người đã âm thầm cống hiến cho đất nước. Điều này chắc không khó lắm, khi các cơ quan nhà nước có trách nhiệm, như Bộ Ngoại giao, Ban biên giới chính phủ, hoặc Bộ Tư lệnh biên phòng chẳng hạn, đều nắm rất kỹ những gì xung quanh vấn đề này. Sự vinh danh tác giả cột mốc có lẽ cũng nên bắt đầu từ các cơ quan trên.

(Ghi chú: Bài này đã được đăng trên Thanh Niên chủ nhật (báo in) 23.10.2011 và báo online 22.10.2011, có bỏ một số đoạn, còn đây là bản gốc. Đường dẫn trên Thanhnien online: http://www.thanhnien.com.vn/Pages/20111022/Dung-quen-trao-giai-cho-cong-trinh-tac-pham-nay.aspx).


24.10.2011

Nguyễn Thông


1 nhận xét: