Thông tin này không mới nhưng khá nóng: tỉnh Nam Định, mà chính quyền hẳn hoi nhá, đích thân ông chủ tịch tỉnh Nguyễn Văn Tuấn tuyên bố từ nay tỉnh Nam không tuyển dụng công chức là những người tốt nghiệp đại học dân lập, tư thục, hoặc hệ tại chức. Thêm một quả bom ném vào con tàu giáo dục vốn đã rệu rã, có nguy cơ chìm.
Bảo rằng không mới, bảo rằng thêm là bởi điều ấy me-xừ Nguyễn Bá Thanh vùng sông Hàn đã tuyên cáo bố cáo rồi, từ hồi cuối năm ngoái lận. Người ủng hộ, kẻ phản đối, nhưng chính quyền Đà Nẵng khôn, mặc kệ, cứ làm. Nghe nói sau cú này me-xừ Thanh càng ghi thêm điểm. Ấy, xứ ta nó thế, mấy anh bạo mồm bạo miệng bạo tay nếu mất thì mất tất, còn được chả khác gì giai cấp vô sản được cả thế giới.
Nếu có ai hỏi tôi ủng hộ hay phản đối Đà Nẵng và Nam Định, tôi nghiêng về ủng hộ. Ngày xưa cái chứng chỉ, bằng cấp là thiêng liêng lắm, ai sở hữu nó chả khác gì có vật chứng đảm bảo không chỉ trình độ, kiến thức mà còn cả những lao tâm khổ tứ, công phu phấn đấu, sức lực mồ hôi đã bỏ ra. Xã hội tôn vinh họ đâu phải vì mảnh bằng mà vì tầm trí tuệ.
Nhưng nay thì cứ náo loạn cả lên. Thật giả khó lường, chả còn biết đâu chân giá trị. Khoan hãy nhắc đến những lò tại chức, chuyên tu, hàm thụ, dân lập, tư thục, chỉ hãy đề cập đến lò đúc chính thống đào tạo ra những sản phẩm con người chính thống đã. Nhiều vị mang tấm bằng do trường đại học công lập, hệ chính quy cấp nhưng thực chất thế nào, không ai dám nói chắc. Có những ông giáo sư tiến sĩ chả lên lớp dạy ai, chả để lại công trình ích nước lợi dân gì, thậm chí chả biết chuyên về cái gì, thế vẫn vênh vang giáo sư tiến sĩ. Kỹ sư, cử nhân trường công lập mỗi năm ra trường hàng vạn nhưng kiếm được việc làm nuôi thân vẫn thiên nan vạn nan. Ấy là chưa kể nhiều ông bà cán bộ đủ cỡ đủ hạng, quanh năm suốt tháng miệt mài bám ghế kiếm tiền, đánh đùng một cái cũng cử nhân, thạc sĩ, tiến sĩ như ai. Đáng ngờ lắm. Thế thì bằng cấp tại chức, tư thục, dân lập là cái đinh gì. Sự chối bỏ của Đà Nẵng, Nam Định nghe chừng có lý. Nhưng hình như thiếu cái tình.
Vì đâu nên nỗi. Vì cái cơ chế, bộ máy, cách tổ chức hệ thống giáo dục hiện hành ở xứ này. Luật Giáo dục đã ghi rõ bậc đại học có hệ chính quy và không chính quy, có hệ thống trường công bên cạnh trường tư thục, dân lập. Điều 4 Luật Giáo dục 2010 viết “ Hệ thống giáo dục quốc dân gồm giáo dục chính quy và giáo dục thường xuyên”, Điều 43 thì ghi “sinh viên học hết chương trình đại học, có đủ điều kiện thì được dự thi hoặc bảo vệ đồ án, khóa luận tốt nghiệp và nếu đạt yêu cầu theo quy định của bộ trưởng bộ Giáo dục và đào tạo thì được hiệu trưởng trường đại học cấp bằng tốt nghiệp đại học”. Đặc biệt Điều 65 của luật này khẳng định “Trường dân lập, trường tư thục có nhiệm vụ, quyền hạn như trường công lập…, văn bằng, chứng chỉ do trường dân lập, trường tư thục, trường công lập cấp có giá trị pháp lý như nhau”.
Luật là thế, còn chấp hành luật lại là chuyện khác. Cứ chiếu theo luật thì hai địa phương nói trên trái lè lè. Nhưng tại sao họ làm trái luật mà chính quyền trung ương đành chịu, không ai dám làm gì? Dễ hiểu, bởi thực trạng giáo dục nát quá rồi. Trường đại học, cao đẳng mở tùm lum tà la, dư luận gọi là “loạn đại học”. Cả nước hiện có gần 400 trường đại học, cao đẳng, có người đùa rằng còn nhiều hơn cả số trường mầm non đạt chuẩn. Mở ào ào như thác lũ, tính phổ cập đại học đến tận thôn bản hay sao? Nhiều trường đại học mới khai sinh đã đối mặt nguy cơ hấp hối. Đầu vào hạ thấp tối đa, vơ bèo vạt tép mà vẫn không đủ chỉ tiêu. Dạy thì chắp vá nhố nhăng, ra kết quả chả khác gì vụ mấy đứa trẻ học lớp 5 vẫn chưa thoát khỏi đánh vần. Người ta làm kinh doanh giáo dục chứ không phải vì nền giáo dục. Sắc kim tiền chói lòa chốn giảng đường, cả công lập, dân lập tư thục, chính quy, tại chức… Một người bạn đồng môn với tôi, thuở mới phát sinh trường dân lập đã đi tiên phong mở trường, làm ăn đàng hoàng, đào tạo bài bản nghiêm túc chả khác gì công lập. Tôi hỏi có lời không, bạn bảo “siêu lợi nhuận”. Tôi biết bạn nói thật bởi xưa nay chưa nói dối bao giờ, vả lại bạn có tâm với giáo dục. Nay thì bạn thôi, không làm nữa, chuyển sang làm thứ khác, chỉ vì nó nát quá, chả muốn dây vào.
Chỉ khổ lương dân. Suốt đời vất vả, dành dụm vắt kiệt sức bố mẹ hòng cho con bước chân vào chốn đại học mong có cơ hội đổi đời. Không vào được công lập, chính quy thì vòng qua đường dân lập, tư thục, tại chức. Mỗi đồng bạc nuôi con học hành là mua một niềm hy vọng. Họ tin vào nhà nước, vào những ông bà “ăn nói như ông Cao ông Quỳ”, vào cái hệ thống giáo dục quốc dân mà họ không có thời gian tìm hiểu kỹ. Nay thì họ thất vọng, bởi chính những người trong cái bộ máy ấy, hệ thống ấy xổ toẹt, chối bỏ nhau. Sư nói sư phải, vãi nói vãi hay, ai cũng tự cho mình đúng. Biết tin ai bây giờ?
Than ôi, các bố làm thế chỉ khổ đám dân lành.
17.10.2011
Nguyễn Thông
"Sư nói sư phải, vãi nói vãi hay, ai cũng tự cho mình đúng. Biết tin ai bây giờ?"
Trả lờiXóa- Tin vào đảng và chánh phú chớ còn tin ai nữa! hehe!
Anh à. Em thì nghĩ thế này: Tại chức hay chính quy đều có thật, có giả. Cái chính là cơ chế tuyển dụng nó thế nào, và làm sao để sử dụng được người tài.
Trả lờiXóaBởi thực chất, khi chọn trường có được định hướng và tự do lựa chọn được đâu. Có khi học ngành này, nhưng ra đời hợp với ngành khác, nên phải vào Tại chức để bổ túc. Hoặc có những người không học, nhưng vẫn nghiêm túc thay đổi hướng đi.
Nên anh nói đúng. Làm thế chỉ khổ đám dân lành. Vì bọn có tiền, con ông cháu cha, chúng nó bằng Tại chức vẫn ngon lành!
He,he!Đã có đảng và nhà nước lo(buudoan.blogspot.com)!
Trả lờiXóa