1. Cái hồi mình còn vào được facebook, mỗi lần còm măng với bạn Đỗ Thu Hà (nhà báo Thu Hà, báo Tuổi Trẻ) mình lại tiếp thụ ối điều hay. Y thị là tay phóng viên văn nghệ có phong cách riêng mình phục nhất xưa nay. Lần ấy vào "nhà" bác Lâm Mỹ Dzung (khảo cổ, chị cả của Lâm Hiếu Dũng đồng nghiệp cơ quan mình), đọc ngay những lời còm thật sắc sảo của Hà, nhất là nghe thị trích mấy đoạn thơ bài Vườn trong phố của Lưu Quang Vũ ra, mình xúc động thật sự. Chỉ những kẻ nào từng có "vườn trong phố" mới thấm thía hết cái hay từ bài thơ này. Mình còm bảo Hà, nếu thủ đô cần dựng tượng văn nghệ sĩ thì người đầu tiên trong danh sách phải là Lưu Quang Vũ. Hà đồng ý liền, thậm chí còn tả bức tượng đó phải là người đàn ông cao khoảng 1,66m, nụ cười hiền lành, dáng đi hơi khòm khòm...
Anh Vũ mất tháng 8.1988 năm 40 tuổi, nay đã gần tròn 24 năm. Người Hà Nội cứ than như vạc không gian văn hóa thủ đô đơn điệu, thiếu tượng đài, thiếu những dấu ấn lưu lại sâu đâm trong lòng du khách. Vậy thì tại sao chả nghĩ đến dựng tượng danh nhân văn hóa nhỉ. Hay còn đợi chờ nhiều cửa xét duyệt? Mà này, nếu được duyệt, tượng ai thì mình chả quan tâm, còn với tượng Lưu Quang Vũ, xin các nhà điêu khắc cứ theo phương pháp cổ điển tả chân, đừng gồ ghề góc cạnh, đừng ước lệ tượng trưng gì nhé, đừng như nhan nhản tượng khắp nước hiện nay, cứng quèo quèo, khó coi lắm.
2. Kiến thức về âm nhạc của mình chắc chỉ bằng đứa mới học i tờ nhưng không vì thế mà mình không thích nhạc Trịnh Công Sơn. Mình vẫn luôn coi ông Sơn là ông hoàng ca khúc Việt Nam, bất kể về tình yêu, chiến tranh, cách mạng... đều dạng đỉnh. Trước 1975, bọn mình ở miền Bắc hầu như không biết gì về Trịnh Công Sơn, bởi nghe đài địch là một trọng tội, có thể bị đi tù chứ chẳng đùa. Những bài hát của ông quá hay, đến nỗi những năm đầu tiên sau giải phóng gần như có cả hội chứng mê Trịnh Công Sơn. Mê đến mức chỉ nghe Trịnh Công Sơn-Khánh Ly chứ không còn thèm biết đến ai khác. Một anh lớn tuổi đồng khóa với mình, anh Bùi Văn Trọng Cường là tay mê nhạc cự phách, cứ mỗi lần vào Sài Gòn, chỉ kịp quăng chiếc ba lô vào nhà mình là tót ra ngay mấy cái ki ốt trên đường Nguyễn Huệ hoặc dãy sạp đường Huỳnh Thúc Kháng để tăm tia Trịnh Công Sơn-Khánh Ly. Mình đi Hà Nội, anh giao nhiệm vụ phải mua cho bằng được băng cát sét Sơn Ca 7 gửi ra. Mình bị lây bệnh mê Trịnh Công Sơn cũng một phần do anh Cường.
Đành rằng ông Sơn là nhạc sĩ miền Nam nhưng điều đáng quý ở chỗ sau 75 nhiều người bỏ nước ra đi (mình chả trách gì những người này) nhưng ông Sơn ở lại. Ông vẫn viết, vẫn hay, dù không hay bằng trước. Ông phục vụ đất nước và nhân dân theo phong cách của ông. Những bài Huyền thoại mẹ, Em ở nông trường em ra biên giới, Em là hoa hồng nhỏ, Nhớ mùa thu Hà Nội, Mỗi ngày tôi chọn một niềm vui, Quỳnh hương, Thành phố mùa xuân, Chiều trên quê hương tôi, Mẹ đi vắng... một thời vang trên các làn sóng phát thanh, truyền hình, sân khấu ca nhạc càng làm công chúng thêm yêu mến nhạc sĩ tài hoa.
Trong rất nhiều đợt xét tặng giải thưởng Nhà nước và giải thưởng Hồ Chí Minh, gần như chả ai quan tâm đến Trịnh Công Sơn. Đương nhiên một người như Trịnh thì không có chuyện làm đơn xin xỏ. Hay là người ta cạch cái lý lịch nhạc sĩ chế độ cũ để gác ông ra rìa? Như một đứa con ghẻ. Không có bất cứ giải thưởng nào ghi nhận những cống hiến xuất sắc của ông cho đất nước này, chế độ này. Một người bạn tôi còn bảo hình như ông cũng chả được huân huy chương gì. Vừa rồi thấy Bạch Tuyết, Ngọc Giàu, Kim Cương, Lý Huỳnh được tặng NSND mình lại nhớ đến ông. Tội nghiệp Trịnh Công Sơn. Lại có ý kiến khác rằng nhạc Trịnh, con người Trịnh vốn đã cao hơn những thứ đó, vậy thì ông cần làm chi nữa; đó là điều may mắn. Nghe vậy thì biết vậy, chả dám bàn luận gì.
3. Trong đợt trao giải thưởng Hồ Chí Minh vừa rồi, nhà thơ quá cố Phạm Tiến Duật có tên trong danh sách. Chả biết dưới chốn tuyền đài ông có vui mừng ngậm cười không nhỉ. Chỉ biết là quá muộn.
Kể từ năm 1951 đến giờ, nhà nước Việt Nam có lệ phong tặng danh hiệu anh hùng cho những tập thể và cá nhân lập thành tích xuất sắc trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, bảo vệ tổ quốc, lao động xây dựng cuộc sống. Hàng ngàn người đã được phong tặng, truy tặng. Rất nhiều trường hợp sau cả nửa thế kỷ mới được nhận danh hiệu anh hùng, phần lớn là truy tặng. Người đã chết, nếu nói theo chủ nghĩa duy vật, vô thần, thì có phong hay không cũng thế thôi. Tuy nhiên đây là sự vinh danh, ghi nhận để người thân còn sống, để cháu con hãnh diện về tiền nhân, để các thế hệ sau biết ơn người đi trước, để lịch sử công bằng. Đối với trường hợp nhà thơ Phạm Tiến Duật, có thể khẳng định ngay rằng ông rất xứng đáng với danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang, dù ông chẳng bắn chết thằng Mỹ nào. Thử hỏi trong đội ngũ văn nghệ sĩ bao nhiêu năm bám với Trường Sơn, ai có thể hơn ông Duật. Cả một Trường Sơn hùng tráng như thế suốt thời đánh Mỹ, ông Duật là ngôi sao sáng chói. Nếu chưa tin điều này, xin cứ hỏi trung tướng Đồng Sĩ Nguyên cựu tư lệnh Trường Sơn, hỏi hàng vạn bộ đội, TNXP, lái xe... từng gắn với Trường Sơn, nay còn sống, như nhân chứng xác thực nhất, để xem có đúng hay không.
Thật buồn là những vị lãnh đạo Hội nhà văn VN, nơi có trách nhiệm với nhà thơ Phạm Tiến Duật lại chẳng hề quan tâm đến những quyền lợi của hội viên, cứ thờ ơ, bỏ mặc. Ông Hữu Thỉnh nên làm điều này trước khi quá muộn.
17.6.2012
Nguyễn Thông
Chờ xem bóng đá lúc 1h45, đọc bài này của bác Thông thấy lòng mình buồn bâng khuâng.
Trả lờiXóaViệc xây tượng đài các anh hùng, các danh nhân nước ta quả là điều rất nên làm. Các nhà điêu khắc, các nghệ nhân có tài nước ta rất nhiều, chỉ có điều dựng tượng ai? đặt ở đâu? theo đề án nào? ai duyệt phương án? Nguồn kinh phí ai cấp? là cả 1 đống vấn đề! Ngay cái việc đặt tên các con đường ( chẳng tốn kinh phí gì nhiều )mà nhiều khi còn khó khăn nữa là.
Việc trao các danh hiệu anh hùng, nghệ sĩ ưu tú, nghệ sĩ nhân dân cũng không kém phần rắc rối. Ngay cái việc xe tăng nào húc đổ cánh cửa dinh độc lập mà còn có kẻ nhận xằng mấy chục năm, sau nhờ nhà báo Pháp mới chứng minh được điều này.
Mãi năm 2010 1 đại đội trong tiểu đoàn đặc công của tôi mới được phong tặng là đơn vị anh hùng LLVT ( hiện tại đơn vị này không còn tồn tại) khi làm lễ nhận danh hiệu này thì phải liên lạc tìm được 1 số anh em về đại diện, tôi cũng được mời dự.Riêng đại đội của tôi thì đã được phong tặng danh hiệu anh hùng năm 1972.
Suy nghĩ và ý tưởng của bác Thông là rất quí, tôi hoàn toàn ủng hộ. Rất mong các vị có trách nhiệm quan tâm tới đề nghị của bác Nguyễn thông.
Sanh thời chắc ông cũng không màng những thứ nầy.Nó không phải là những điều ông mong muốn.Nhạc sĩ Phạm Duy có nói "Mộ bia tôi là nhũng bài hát trên môi mọi người" đối với Trịnh công Sơn ông đã nhận được điều ấy thì những giải thưởng nó chỉ làm tâm thường con ngườ thôi.
Trả lờiXóaTừ 1975 đến nay, VN là "thiên đường xhcn",cả thế giới đều mong hướng tới, nên nhạc TCS không còn than oán, chỉ toàn là hoan ca! Nhờ giải phóng, TCS không còn bị cấm sáng tác nhạc ca ngợi bác đảng như trước kia. Công ơn đó là quá lớn rồi, còn dám đòi gì đến danh hiệu này nọ !
Trả lờiXóaĐôi lúc chợt nghĩ: Nếu TCS sinh ra và lớn lên dưới mái trường xhcn thì dân miền Bắc đâu có phải chờ đợi đến năm 75 mới được nghe nhạc TCS ?
Anh Thông coi trọng các giải thưởng này quá nên mong cho những người anh yêu quý được các cấp lãnh đạo hội nhà văn chiếu cố cấp giải thưởng? Anh có nghĩ sinh thời những con người như Lưu Quang Vũ hay Trịnh Công Sơn có màng đến những danh vị như váng nổi mặt ao tù nước đọng này không? Và chắc chắn một điều: họ đã sáng tạo không vì bất cứ sự đánh giá xã hội nào ngoài sự thỏa mãn những đòi hỏi nội tâm của chính mình!
Trả lờiXóaPhe nhóm thôi bác Thông ơi.Chuyện các bác văn, nghệ sĩ chưa được phong này nọ xét cho cùng cũng vẫn không lớn lắm.Dòng họ được phong mới là chuyện khả dĩ.Bác biết nhà thờ dòng họ NGUYỄN SINH chưa?Cả nước phải thờ đấy."ông TRỜI ơi, chúng nó không còn biết sợ ai nữa rồi".
Trả lờiXóa