Bạn bè

Tổng số lượt xem trang

Tìm kiếm Blog này

Thứ Tư, 1 tháng 2, 2017

Chuyện vặt thời đã qua

Ngày thường, bận bịu với việc này việc nọ, ít khi ngẫm nghĩ, nhớ lại những gì đã đi qua cuộc đời mình. Người ta thường sống bằng hiện tại và tương lai chứ chả mấy ai nặng về quá khứ. Nhưng ngày tết, sau những hối hả tất bật là lúc quỹ thời gian dôi dư khá nhiều, lòng bỗng chùng lại, bất giác hoài cổ, bao nhiêu thứ lần lượt hiện về.

Tôi thuộc vào đám trẻ ra đời giữa thập niên 50 ở miền Bắc, rặt nông thôn. Làng quê đồng bằng Bắc Bộ khi ấy nghèo, bờ tre gốc rạ, nhà đất mái gianh. Cha mẹ làm ruộng nên con cái cũng bám lấy đồng đất mà sống. Nông phu ngay từ hồi còn bé tí. Thạo đủ mọi việc cày bừa cấy hái, đập nương, nhổ mạ, tát nước, bắt sâu, chăn trâu, gánh gồng, đan rổ đan rá, câu cá, đánh dậm, biết bơi biết trèo... Chả cần học khóa kỹ năng sống nào, tất cả do cuộc mưu sinh buộc mình phải có, phải thích nghi để tồn tại. Khi có chiến tranh, lại bắt chước nhau, truyền cho nhau cách bện nùn rơm, đan mũ rơm, tập băng bó vết thương, biết lắng nghe tiếng máy bay xa gần để chọn thời điểm nhảy xuống hầm, thậm chí còn phân biệt được trên trời đâu là máy bay thần sấm, con ma, thập tự quân... Tinh những điều những việc lớn hơn so với tuổi, nhiều lúc cảm thấy sao mà nặng nề vất vả, oán thày bu không sinh mình làm đứa trẻ con thành phố, nhưng càng về sau càng thấm thía, không có trường nào dạy ta tốt bằng trường đời.

Những điều ấy, việc ấy, ở nông thôn có nơi đến nay vẫn còn dù xã hội đã trải qua hơn nửa thế kỷ. Công việc chăn trâu, làm ruộng, gánh gồng… cũng thỉnh thoảng được ai đó viết lại, nhắc lại, nên tôi chả biên ra đây nữa. Trong ký ức tôi còn đượm những thứ, những điều chả ra đâu vào đâu, vụn vặt, linh tinh, thậm chí nhố nhăng, vớ vẩn, vậy mà tua lại vẫn thấy bâng khuâng. Dường như chúng chỉ vừa thoáng qua, mình vừa mới làm xong phút chốc. Đó là thứ sinh hoạt hằng ngày, là việc mà không phải việc, chỉ xảy ra vào thời ấy. Tôi kể ra đây: lau bóng đèn, rút rơm, soi muỗi, rửa chân, đốt cơm, đánh trận giả, rửa rau lợn…


Nông thôn miền Bắc những năm 60 chả nơi nào có điện đèn. Vài xã khá lắm, hiện đại lắm thì có được hệ thống loa truyền thanh, cốt để phổ biến đường lối chính sách của đảng và nhà nước. Chiếu sáng chỉ bằng đèn dầu. Mỗi nhà có dăm ba cái đèn dầu, bằng thủy tinh hoặc bằng sắt tây, bóng thủy tinh tròn, cũng có bóng thuôn dài cỡ 1 gang. Kiểu đèn ấy gọi là đèn Hoa Kỳ, thày tôi bảo khi xứ ta mới có dầu hỏa ai đó chế ra chiếc đèn ấy theo mẫu của Mỹ. Dầu đổ vào bầu chứa, phía trên bầu có chỗ ống hỏa tháo ra lắp vào, vặn bấc bằng bánh xe răng, trên cùng là bóng thủy tinh. Nhà nào khá giả thì có đèn măng xông, đốt sáng bằng hơi dầu bơm vào cái măng xông, sáng lắm nhưng tốn dầu. Chỉ có đám cưới, đám tang hoặc họp tổ sản xuất HTX mới dám dùng đèn măng xông. Mà phải cẩn thận kẻo máy bay từ xa nó ngó vào thấy sáng trưng nó tương cho thì bỏ mẹ. Ngay cả mấy chiệc đèn con cũng phải làm cái chụp bằng bìa gắn vào để thu ánh sáng xuống, đề phòng máy bay.

Ngày nào cũng vậy, cứ tầm gà lên chuồng, thày nhắc anh em tôi lau bóng đèn, đổ thêm dầu vào đèn, nghe mãi nên quen, sau không cần nhắc, cứ tự động làm. Cũng đơn giản thôi, tháo cái bóng thủy tinh ra, lấy mảnh vải vụn lau những vết muội đen bám bên trong bóng. Sau mỗi đêm, muội thường bám đầy, nhất là đốt bằng dầu cặn. Có khi phải rửa bằng xà phòng mới sạch. Thày nhắc cẩn thận kẻo thủy tinh cứa đứt tay. Bóng tròn chỉ cần thọc ngón tay cuộn giẻ vào khua khua vài vòng, lau dễ hơn bóng dài, chứ bóng dài của đèn treo phải dùng chiếc đũa mới lau khắp. Ngay cả đèn dầu nhưng không phải muốn dùng bao nhiêu cái cũng được. Những nhà nghèo chỉ nhà trên nhà dưới mỗi nơi một chiếc. Nhà đông con đi học thì học chung đèn. Thời chiến tranh, dầu hỏa là thứ hàng phân phối hiếm hoi. Có dạo bu tôi nhờ chị Cót bán hàng ở HTX mua bán để lại cho được nửa chục lít hàng tồn kho, đổ vào chai thủy tinh nút thật chặt đem chôn hết ra vườn. Không dám để trong nhà bởi sẵn quá sẽ dùng phung phí, vả lại lỡ máy bay nó ném bom cháy nhà thì dầu cũng không sao.

Việc đơn giản nhưng cần thiết thế mà cũng có hôm mải chơi nên quên, thày lại phải làm. Có lần mùa đông, tôi lau bóng đèn xong rồi đổ dầu vào, quá tay nên tràn, bu tôi nhìn thấy tiếc, mắng cho một chặp. Có lần cốt làm nhanh cho xong để còn lên sân hợp tác Thụy Sơn xem phim Chiến dịch địa lôi thấy bảo của Trung Quốc hay lắm, bị bóng đèn sắc cứa chảy máu tay, chị Khoắn tôi lại phải lấy băng cá nhân trong túi băng cá nhân của dân quân ra băng lại cho, xuýt xoa thương em như chính mình bị cứa tay vậy. (còn tiếp)

Nguyễn Thông




1 nhận xét:

  1. Vào những năm tháng ấy cái khổ còn nhiều lắm bác THÔNG ạ nhưng có lẽ không có cái khổ nào bằng cái đói,rét,có khi chưa qua tết hầu như đã hết thóc xay nhà nào cũng vậy,thôi thì rau các loại thứ gì ăn được là cho vào nấu cháo ,nhất là rau lang.Đói quay, đói quắt,lại còn cái rét nó sợ ,chăn chẳng có ngủ đống rơm, cho chân bao tải. Còn nhiều lắm tôi không viết nổi ,mong bác là người có học viết lại để sau này đọc để nhớ,cám ơn bac THÔNG nhiều.

    Trả lờiXóa