Có lẽ hết chịu nổi, vừa rồi đích thân Thủ tướng Chính phủ phải lên tiếng về tình trạng “rất vớ vẩn mà cũng cực kỳ nghiêm trọng”: bơm tạp chất vào tôm, chủ yếu là tôm xuất khẩu.
Cụ thể, tại hội nghị Phát triền ngành tôm Việt Nam bàn về sản xuất, chế biến tôm, do Chính phủ triệu tập ngày 6.2, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc rất gay gắt và kiên quyết, yêu cầu các cấp bộ ngành, địa phương, cơ quan chức năng phải có biện pháp chấm dứt ngay hành vi bơm tạp chất vào con tôm. Nhiều tờ báo cũng khá phấn khích, rút tít đại loại Thủ tướng “tuyên chiến” với bơm tạp chất vào tôm…
Quá đúng, phải tuyên chiến, phải “đấu tranh này là trận cuối cùng” một mất một còn bởi hành vi đó rất đáng xấu hổ, làm nhục nền kinh tế của quốc gia, gây biết bao nhiêu tổn thất, vậy mà nó cứ kéo dài, tồn tại suốt bao lâu nay. Nó như thứ bệnh ghẻ lở hắc lào trên cơ thể, không gây chết người nhưng con người chả lúc nào được yên, luôn phải khổ sở, khó chịu vì nó. Nó tồn tại được cũng do một phần dưới góc độ nhìn nhận của số đông trong xã hội, rằng ôi dào, chuyện nhỏ, có đáng kể gì mà phải mất công.
Điều khá buồn ở chỗ, với những tình trạng dạng “vớ vẩn” như vậy rồi cuối cùng cũng phải đích thân Thủ tướng lên tiếng, chỉ đạo, yêu cầu. Cả một bộ máy quản lý nhà nước, cả một hệ thống cơ quan chức năng dày đặc từ trên xuống dưới, không biết bao năm nay làm cái gì, để rồi quả banh lại đá lên chân Thủ tướng. Cứ mọi việc, bất biết lớn nhỏ, bắt Thủ tướng phải ôm hết, bao hết, đứng ra giải quyết hết, vậy kết quả không nói ra, ai cũng hiểu. Thủ tướng không làm hết được, còn bộ máy cứ ì ra đó không chịu vận hành, nền kinh tế-xã hội làm sao đi lên.
Trở lại chuyện bơm tạp chất vào tôm. Nhiều năm trở lại đây, xuất khẩu thủy sản, trong đó có tôm, là lĩnh vực đem lại kim ngạch đáng kể cho Việt Nam. Con tôm, con cá từ Việt Nam bơi ra thị trường thế giới, tạo được sự thiện cảm nhất định về mặt hàng “made in Vietnam”. Nuôi tôm, chế biến tôm đã trở thành ngành sản xuất, chế biến quan trọng, ngày càng được đầu tư lớn và thúc đẩy phát triển. Nhiều vùng chuyên nuôi tôm như Bạc Liêu, Cà Mau, Kiên Giang, Sóc Trăng, một số tỉnh khu vực miền Trung… đã thay da đổi thịt, phát triển mạnh mẽ, một phần nhờ con tôm. Đưa con tôm trở thành nguồn lực thúc đẩy nền kinh tế của cả nước cũng như từng địa phương là hướng đi đúng đắn, thiết thực.
Để tạo được chỗ đứng vững chắc cho con tôm trên thị trường quốc tế, cả Chính phủ, các bộ ngành, địa phương, doanh nghiệp sản xuất và chế biến, người nuôi tôm phải đồng hành, nhất quán từng chủ trương, hành động. Xây được hình ảnh tốt đẹp đã khó, bảo vệ được nó về lâu về dài càng khó hơn. Cả nước chung tay tạo dựng, nhưng chỉ cần vài kẻ phá hoại là có thể phá hủy cả sự nghiệp. Người xưa nói, ngọn khói nhỏ có thể gây đám cháy, lỗ mối cỏn con có thể làm vỡ đê. Việc bơm tạp chất vào con tôm tưởng nhỏ, tưởng vặt mà lại hoàn toàn không nhỏ. Nó là thứ chất cường toan cực kỳ nguy hiểm, ăn mòn, phá nát lợi ích của cả cộng đồng. Những gian thương bơm tạp chất vào tôm để trục lợi bất chính thừa hiểu điều ấy nhưng chúng cứ làm. Đồng tiền bẩn thỉu đã làm chúng tối mắt. Tạp chất thực ra không phải chỉ ở trong con tôm mà tạp chất chứa đầy trong đầu chúng. Chính vì vậy, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nói rõ: Làm gì cũng phải nghĩ sâu xa, vì cái chung, không được có tư tưởng tham bát bỏ mâm. Chính phủ từ nay tuyên chiến với các hành vi bơm tạp chất vào tôm cũng như các vi phạm làm ảnh hưởng đến uy tín của tôm Việt Nam ở mọi khâu.
Muốn chấm dứt con tôm có tạp chất, điều tiên quyết là phải triệt bỏ những kẻ có tạp chất trong đầu, làm ăn gian dối, vô đạo đức. Mà không phải chỉ với trường hợp con tôm. Người ta vẫn hằng ngày bắt gặp đâu đó những kẻ, khi công khai, lúc dấm dúi, bơm nước vào heo, vào trâu bò, nhét bã đậu căng diều con gà con vịt… chỉ cốt lừa đảo, tăng trọng lượng hàng hóa, kiếm tiền bất chính. Hành vi bất lương, vô đạo ấy, cũng như cắm đinh vào đầu tôm, bơm rau câu vào tôm, phải bị cả xã hội lên án, phải được chấm dứt. Những kẻ nào cố tình vi phạm, pháp luật cần quất roi thật mạnh, xử lý nghiêm khắc, thích đáng để những kẻ khác muốn kiếm tiền kiểu ấy phải chờn.
Nguyễn Thông
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét