Nhưng đó là Tết xưa, Tết truyền thống mang hồn dân tộc. Tết
nay khác nhiều rồi. Giá mà cái khác ấy theo chiều phát triển, đi lên, giàu có
hơn, đẹp và ý nghĩa hơn thì quá tốt. Ai dè, quá nhiều điều xảy ra khiến nhân gian
buồn lòng. Buồn nhất là dịp tết, đánh nhau nhiều hơn ngày thường. Mấy ngày tết,
đánh nhau tóe máu đầu trên toàn quốc, người chết và bị thương như ngả rạ, bệnh
viện cấp cứu bở hơi tai.
Chả cần kiểm chứng đâu xa, cứ đọc trên các báo, theo dõi những
bản tin truyền hình, rõ ngay. Xen giữa những thông tin về không khí nhộn nhịp,
náo nức “mừng đảng, mừng xuân”, người người nhà nhà vui vẻ chuẩn bị cho cái Tết
Đinh Dậu, những chuyến hăm hở đi xa, những khoản tiền thưởng đem niềm vui cho
gia đình người lao động… là những hung tin. Có lẽ tin dữ về những cuộc choảng
nhau chỉ chịu lép vế, lùi về hàng thứ 2 sau tin về tai nạn giao thông. Rồi đến
lúc nào đó, các nhà xã hội học cần phải nghiên cứu và công bố thật mạch lạc,
sâu xa về tình trạng đổ máu “nhân dịp tết” để góp xây một bức tường ngăn chặn
thứ tệ nạn rất đáng sợ này.
Đọc những văn sách, khảo cứu, ghi chép của người xưa về tết,
chẳng hạn cuốn Việt Nam phong tục của học giả Phan Kế Bính, ta thấy Tết truyền
thống thật đẹp. Con người lấy sự yêu thương, kính trọng, chan hòa làm mạch chủ
đạo trong mọi hành vi, cư xử, lời nói. Người ta chúc nhau, dành cho nhau những
điều tốt đẹp. Không chỉ trong gia đình, họ tộc, con cháu đối với ông bà, cha mẹ,
anh chị em trong nhà, mà rộng ra cả mọi quan hệ xã hội, cái mạch chủ đạo ấy cứ
xuyên suốt. Người xưa cho rằng sự khởi đầu tốt đẹp sẽ đem may mắn, đẹp đẽ cho cả
năm. Đối xử với nhau bằng tình người chan chứa, sâu đậm, tất nhiên sẽ được nhận
về những tốt lành cho chính bản thân mình. Có lẽ vì vậy mà khi năm cũ qua đi,
năm mới kế tiếp, vẫn biết đó là quy luật thiên nhiên nhưng con người ta, hầu hết
già trẻ gái trai đều hồ hởi với Tết, háo hức đón Tết. Tết cổ truyền, đúng như
tên gọi của nó, đã truyền từ đời này qua đời khác bằng sức sống mãnh liệt chứa
đựng bên trong nó.
Ấy là chuyện xưa. Giờ thì khác rồi. Tết nhất giờ đây có nhiều
thay đổi, biến thái. Có thứ bắt buộc phải đổi thay để phù hợp với cuộc sống mới.
Có những thứ biến thái xấu xí làm hỏng Tết cổ truyền. Rõ nhất là chuyện đánh
nhau. Tết nhất đánh nhau hơi bị nhiều.
Tìm cho ra nguyên nhân những cuộc xung đột, hung hăng, đổ
máu ngày tết là việc của các cấp chính quyền, các nhà nghiên cứu, nhà giáo dục,
các bậc đạo cao đức trọng. Tôi chỉ rụt rè nêu ra một vài dẫn chứng thực tế để
thấy sự xuống dốc nguy hiểm của nhân cách, sự bất cập của giáo dục, sự bó tay
hoặc lơi lỏng của pháp luật.
Chắc nhiều người còn nhớ vụ việc xảy ra ngày 28 Tết (25.1), tại
huyện Chương Mỹ, sát nách trung tâm thủ đô, chỉ vì sự va quẹt nhỏ trên đường mà
một đám người trẻ to khỏe đã chặn xe, hành hung dã man ông Hoàng Tiến Vin.
Khoan chưa cần nói đám “giặc” kia đánh đập một ông già 62 tuổi đã rất đáng lên
án, cứ cho rằng chúng không biết ông là thương binh, nhưng chúng có phải mù đâu
mà không thấy người già ấy bị cụt chân, đang chạy chiếc xe mang biển hiệu
thương binh 27.7. Bao nhiêu bài học trong nhà trường dạy chúng phải biết kính
trọng, yêu thương người già, người tàn tật gần như không có giá trị gì, kết quả
thu được là con số 0. Cứ tạm cho là ông Vin cũng có lỗi gây ra va quẹt thì cũng
không thể chạy tội cho bọn giặc này. Nói như luật sư Nguyễn Anh Thơm (Đoàn luật
sư Hà Nội), “ông Vin là thương binh, lại tàn tật, xét cả về tình và lý, hành vi
của nhóm thanh niên là không thể chấp nhận được". Tôi xin bổ sung, đánh
người dã man đến mức phải nhập viện chỉ vì những lý do không đâu trong những
ngày vui đón tết lại càng không thể chấp nhận, bởi không chỉ nạn nhân chịu đau
đớn trong dịp tết mà cả gia đình ấy cũng bị vất vả theo, bị mất vui, mất cả tết
cả xuân.
Đánh người trước Tết, trong Tết, sau Tết, dường như hành vi
côn đồ chả cần chừa gì tết nhất, chẳng thèm biết gì đến nỗi đau của người khác.
Thậm chí càng tết càng đánh tợn. Một cụ bà đi chùa, hành hương nơi cửa Phật
chùa Hương cũng bị “chen lấn” đến ngất xỉu. Cướp lộc ở lễ hội đền Gióng, lễ hội
chùa Hương, tranh giành không được cũng choảng nhau vỡ mặt. Hung hăng ngay nơi
cửa Phật. Lại nhớ câu thơ của nhà thơ Vũ Cao “ngõ chùa cháy đỏ những thân cau”,
thôi thì thời chiến tranh nó vậy, còn bây giờ là hòa bình, cái ác vẫn chả tha
chốn thiền môn. Đi chúc tết, đi lễ, du xuân trên đường, bên bàn nhậu, cùng hát
karaoke, cha bênh con, vợ đòi về quê ăn tết, nghi vợ có tình xuân với người
khác, v.v.., hàng nghìn thứ lý do dẫn đến đánh nhau, chém nhau, đổ máu, chết
người trong những ngày tết đến xuân về.
Cứ như bản thống kê chưa đầy đủ của Bộ Y tế, chỉ trong 7
ngày “vui tết” từ 26.1-1.2 (tức từ ngày 29 tết – mùng 6 Tết) đã có hơn 4.500
người phải nhập viện do đánh nhau. Theo Bộ Y tế, so với cùng kỳ 2016, số vào viện do đánh nhau dịp tết năm nay cao hơn. Đã có hơn hai chục người tử vong trong những
cuộc đổ máu đầu xuân ấy. Thật kinh khủng.
Cứ đà đạo đức “suy thoái”, sự hung hăng “phát triển” như thế
này, rồi liệu có còn ai dám định nghĩa “vui như Tết”, coi Tết là ngày sum họp,
yêu thương?
Nguyễn Thông
Thắng lợi của việc xây dựng con người mới xhcn ở miền bắc hơn 60 năm đó!Đúng là "đã tan" trí tuệ tuyệt vời!
Trả lờiXóa"Tết nhất, đánh nhau hơi bị nhiều"
Trả lờiXóaTiếp tục tinh thần Mậu Thân 1968 thôi, bác Thông để ý làm gì .
Xã hội nào thì sinh ra con người đó. Trách cái bạo hành của người dân một thì hãy trách cái dã man của chế độ mười. Hòa bình đã non nữa thế kỷ mà họ vẫn vận dụng bạo lực vào điều hành cuộc sống như liệu pháp tiên quyết, mà đã bạo lực thì phản giáo dục, phản văn hóa nhân văn là những thứ người dân sẽ phải chịu tác động sớm nhất và sâu xa nhất, nặng nề nhất !
Trả lờiXóa