Bạn bè

Tổng số lượt xem trang

Tìm kiếm Blog này

Thứ Bảy, 5 tháng 8, 2017

Chuyện thông tin (kỳ 2, tiếp)

Trong bài trước, tôi có kể rằng suốt bao nhiêu năm (thập niên 60 - 70) ở miền Bắc thế hệ chúng tôi muốn biết thế giới xung quanh diễn ra làm sao chỉ có kênh thông tin duy nhất là đài phát thanh của nhà nước. Dân chúng nghe đài, mỗi ngày họ phát 3 buổi: đầu sáng, giữa trưa, chiều muộn và tối. Ngoài tin thời sự “ta thắng địch thua” thì được nghe ca nhạc, hát chèo, nghe các chương trình đọc truyện đêm khuya, kể chuyện cảnh giác, buổi trưa thường có dạy hát kiểu “rế móc đơn, si móc kép, dấu nặng đen, gạch nhịp”… Nhu cầu thông tin của dân chúng nói chung cũng đơn giản, chả cần biết nhiều làm gì cho mệt đầu. Hôm nào có sự gì đặc biệt thì tập trung ở sân ủy ban hoặc sân kho hợp tác xã để nghe đọc báo, nghe cán bộ huyện về phổ biến nội dung này nọ. Cũng chủ yếu đám thanh niên tới nghe, còn trẻ con thì đến vui đùa bởi thường đốt đèn măng xông sáng lắm, chứ nông dân lớn tuổi như thày bu tôi chả mấy khi dự bởi buổi tối vẫn đầy việc, xay thóc giã gạo, nấu cám lợn, vò lúa, rửa khoai…

Tôi lại nhớ tối 3.9.1969 ông Quảng chủ nhiệm HTX nông nghiệp (là bố của ông Thiếu chủ tịch xã Thụy Hương quê tôi bây giờ) nhắc các đội trưởng sản xuất tập trung hết cả dân chúng tới sân hợp tác nghe phổ biến thời sự. Nhà tôi ngay sát sân kho nên tôi cũng ra nghe. Ông cán bộ huyện thông báo rằng Bác Hồ đang bị ốm nặng, bà con nên bình tĩnh, bác đang chữa ở bệnh viện Việt Xô có nhiều bác sĩ Liên Xô tài giỏi sang chữa, thế nào cũng khỏi. Ông còn nhắc đi nhắc lại Bác chỉ ốm thôi, trung ương đã khẳng định như vậy. Ai dè, sáng hôm sau, ngày 4.9, mới sáng sớm cái loa kim trên tường đã đọc bản tin đặc biệt thông báo vị lãnh tụ kính yêu từ trần lúc 9 giờ 47 phút ngày 3.9. Nhiều người khóc rưng rức. Hóa ra ông cán bộ huyện kia cũng không biết cụ đã mất, hay là ông ấy nói dối mình. Về sau thì lại tá hỏa, có tin xì xào rằng cụ mất từ hôm 2.9 kia, ngay ngày quốc khánh. Vậy ông cán bộ huyện cũng bị lừa chứ không phải chỉ đám dân cổ cày vai bừa. Sự thực ấy phải mấy chục năm sau chính quyền mới thừa nhận. Họ thông tin, họ nói dối như thật, nhưng dám dối cả ngày mất của cụ Hồ thì không thể nào hiểu nổi.

Hồi đó, đi đâu cũng thấy người ta kẻ lên tường những câu khẩu hiệu nhắc nhở dân chúng rèn luyện lập trường cách mạng, cảnh giác trước âm mưu của kẻ thù. Tôi nhớ trên ngay bức tường chính nhà HTX mua bán, anh Hạ (anh họ tôi, bị gù lưng nhưng rất khéo tay, viết chữ rất đẹp, vẽ giỏi) đã nắn nót câu khẩu hiệu thơ rõ to: “Nghe đài đọc báo của ta/Đừng nghe đài địch bàn ra tán vào/Tin đài tin báo của ta/Đừng nghe tin địch ba hoa nói càn”. Tôi đứng xem anh kẻ chữ, hỏi anh thôn Trà Phương mình có ai nghe đài địch đâu, làm gì nhà nào có đài mà nghe, anh Hạ cười bảo thì cứ viết thế.

Thực ra cũng vài người sắm được đài (radio hồi ấy gọi là đài), là mấy vị đi thoát ly làm ăn ngoài Phòng (Hải Phòng) hoặc cán bộ xã. Ông Ngân cán bộ Ban Tổ chức chính quyền thành phố có hẳn cái đài Orionton của Hungary to bằng nửa vỏ thùng bia bây giờ, còn ông Tế anh họ tôi làm Phó chủ nhiệm HTX có cái đài Xianmao Trung Quốc, mấy nhà xóm trong làm ăn khá giả về sau cũng sắm được đài. Chủ yếu cho nó oách chứ có nghe mấy. Thấy bảo ở trên huyện có những ông đi làm đeo hẳn chiếc Orionton nặng xệch cả người. Nhiều khi sắm được đài nhưng không có pin nên chỉ làm cảnh. Pin là thứ hàng phân phối cho cán bộ, còn dân chúng muốn mua pin để lắp đèn pin chiếu sáng phải mua ngoài chợ đen, giá tới 3 đồng/cặp (giá phân phối chỉ có 5 hào/cục). Hồi ấy rặt pin đại loại nhãn hiệu Con thỏ của nhà máy pin Văn Điển, vỏ giấy, mau hết pin; pin của Trung Quốc hiếm lắm, vỏ kim loại, xài rất bền, chỉ cán bộ to mới mua được. Ông bà nào chẳng may mua phải cái đài dùng pin trung thì coi như cấm khẩu bởi gần như không có loại pin đó. Công nhận thời ấy hàng Trung Quốc cực kỳ tốt, bền, đẹp, chẳng hạn xe đạp Phượng Hoàng hoặc Vĩnh Cửu, bút máy Kim Tinh, bát tráng men, đồng hồ con gà mái mổ thóc, phích nước Trường Giang, vải ka ki Tô Châu. Tôi hồi sinh viên có cái bát sắt tráng men Thượng Hải dùng suốt mấy năm mà chả sứt mẻ gì, có lần sẩy tay rơi từ tầng 3 nhà C2 ký túc xá Mễ Trì xuống đất, vội chạy xuống nhặt lên thấy vẫn y nguyên, khiếp thật. Còn cái quần bộ đội vải ka ki Tô Châu ông anh tôi đi bộ đội, lúc vào Nam năm 1970 để lại cho thằng em, tôi mặc mãi tới cuối năm 1973 mới rách, màu chưa phai.

Đài địch mà nhà nước cấm nghe là đài BBC, đài Gươm thiêng ái quốc, đài Hoa Kỳ. Ông nào nghe đài địch mà bị phát hiện thì kể như toi đời. Chỉ có quân phản động mới nghe đài địch. Nhiều ông nghiện quá chịu không nổi, tới giờ đài BBC tiếng Việt phát phải chui vào chăn nghe, chỉ dám mở lí nhí, nhờ con cháu trông chừng nếu có ai tới thì dặng hắng vài tiếng làm hiệu. Chính quyền cấm gắt gao lắm bởi mấy đài đó thường phát tin tức về đánh nhau ở miền Nam, bộ đội bị chết bị thương ra sao, chiến trường khốc liệt thế nào. Đài Gươm thiêng ái quốc tối nào cũng phát chương trình “Sinh Bắc tử Nam” liệt kê tên tuổi, quê quán bộ đội miền Bắc bị chết trận, chết ngày nào, trận nào, chôn ở đâu… Dân chúng mà nghe mấy đài ấy dễ mất tinh thần, mất lập trường cách mạng, rồi lấy ai vào Nam chiến đấu. Phải cấm tiệt. (còn tiếp)

Nguyễn Thông

2 nhận xét:

  1. Đã trải qua thời ấy.Tuy nghèo nhưng sạch.

    Trả lờiXóa
  2. Dân mình quả là dễ thuần phục,nếu không có đổi mới,chắc cũng như Cu Ba Bắc Triều Tiên luôn coi các nước Tư bản là kẻ thù muôn đời,đã ngu lại không chịu chấp nhận học hỏi những thành tựu khoa học tiến, luôn học những thứ của ông bạn lớn phát minh như nấu cứt trâu cho lợn ăn,trồng khoai lang sọt,cuối cùng là đói mờ cả mắt,nghĩ lại vẫn toát mồ hôi hột.N Đ

    Trả lờiXóa