Bạn bè

Tổng số lượt xem trang

Tìm kiếm Blog này

Thứ Bảy, 12 tháng 8, 2017

Mối lo cán bộ xã

Có lẽ cần phải liệt kê lại chút ít theo kiểu nhật ký thì mới dễ hình dung vụ việc. Những thông tin trên báo chí, truyền thông và mạng xã hội thời gian qua khiến người dân không thể không lo về thực trạng cán bộ xã.

Ngày 7.8, một công dân ở xã An Bình (huyện Nam Sách, tỉnh Hải Dương) than phiền trên mạng xã hội việc ủy ban xã khi xác minh lý lịch cho người nhà đã lạm quyền, làm trái quy định, bêu xấu cả gia đình anh vào trong lý lịch. Anh còn chụp ảnh rõ phần xác nhận của một vị phó chủ tịch xã rằng “Bản thân và gia đình chưa chấp hành và thực hiện tốt quy định của địa phương”, trong khi theo nguyên tắc chỉ cần xác nhận lời khai có đúng không, hoặc đương sự có đang trú ngụ tại địa phương hay không.

Dư luận bất bình. Báo chí vào cuộc, chỉ ra cái sai, lạm quyền của cán bộ xã. Đích thân Chủ tịch xã An Bình phải đứng ra xin lỗi người dân, chứng thực lại lý lịch. Tưởng chuyện như thế sẽ dừng, đùng một cái, chỉ một hôm sau, xảy ra y chang, mà ngay xã ở thủ đô mới khiếp. Đích thân Chủ tịch xã Duyên Hà (huyện Thanh Trì, Hà Nội) bút phê vào lý lịch một thanh niên xin xác nhận để đi học đại học. Ông Chủ tịch Nguyễn Đăng Huấn hạ bút thật nặng nề “Ủy ban nhân dân xã Duyên Hà xác nhận anh Ngô Việt Anh có hộ khẩu thường trú tại xã. Bản thân và gia đình chưa chấp hành chủ trương chính sách của đảng, pháp luật của nhà nước, quy định của địa phương”.



Giá như ông Chủ tịch xã chỉ cần dừng lại ở sự xác nhận hộ khẩu thì chả ai nói làm gì. Tất nhiên là dư luận sôi sùng sục, hơn cả trường hợp xã An Bình huyện Nam Sách. Có vẻ như cán bộ xã Duyên Hà không thèm đọc báo, không dỏng tai nghe ngóng những gì thời sự xảy ra xung quanh. Chả biết hằng ngày họ làm gì. Khi cấp trên biết chuyện phê bình, họ lại rối rít xin lỗi, lại quay ngoắt sửa lời phê thành “luôn chấp hành…”, thật không thể hiểu nổi.

Thực ra chuyện gây khó khăn bằng bút phê lý lịch không phải mới mẻ gì. Hồi trước, rất nhiều trường hợp khi cán bộ xã không ưa ai thì hoặc không thèm xác nhận lý lịch, hoặc “phê cho chết luôn”, đương sự muốn vào đoàn thanh niên, muốn đi thoát ly, đi học… bị tắt hết hy vọng. Cái quyền trong tay cán bộ xã tưởng nho nhỏ nhưng khi họ cố tình làm sai làm bậy cũng có thể vùi dập biết bao nhiêu số phận người lương thiện.

Một vụ khác cũng xảy ra ngay tại thủ đô hồi tháng 7 vừa rồi. Không phải xã mà là phường, nhưng xét về cấp thì cũng là chính quyền cơ sở tương đương với xã. Lãnh đạo phường Văn Miếu (quận Đống Đa) gây khó dễ cho người dân khi họ đến làm thủ tục khai tử người nhà, bắt chờ đợi, hẹn qua hẹn lại, hẹn tới hẹn lui, trong khi chỉ cần xác minh xác nhận là ai đó đã chết rồi. Xứ ta xưa nay chuyện hiếu hỉ thường gắn với yếu tố thời gian mang tính tâm linh, cán bộ phường không cần biết, cứ hành dân được đến đâu hay đến đấy. Thật lạ.

Chắc nhiều người còn nhớ vụ chủ quán kéo đến trụ sở ủy ban xã đòi nợ tiền ăn nhậu, hát karaoke hồi năm ngoái 2016. Đồng Thái là xã ở huyện Ba Vì (Hà Nội). Trong số 3.126 hộ dân thì có 411 hộ nghèo, 67 hộ cận nghèo (0,02%). Xã nghèo nhưng cán bộ ăn chơi có hạng. Qua vài năm, số nợ vài trăm triệu đồng tiền ăn nhậu và hát karaoke của cán bộ xã thành nợ xấu khó đòi khiến chủ nợ phải kéo đến ủy ban làm um lên. Một cán bộ xã Đồng Thái kể dù 3 tháng không nhận lương nhưng anh em vẫn đi hát suốt. Sau mỗi sự kiện hay ăn uống xong là anh em lại kéo nhau đi hát. Chủ yếu hát nợ, tên người nợ ăn nhậu hát hò là… ủy ban xã.

Còn ở xã Khánh Thuận (huyện U Minh, tỉnh Cà Mau) năm 2015 xảy ra chuyện chủ quán xách hẳn hai can xăng vào trụ sở ủy ban đòi đốt, “lành làm gáo, vỡ làm muôi” nếu chính quyền xã không trả nợ tiền ăn nhậu, có ghi nợ hẳn hoi, cũng thành nợ xấu. Chủ tịch xã phải đứng ra năn nỉ, hứa sẽ trả dần bởi “mọi năm chúng tôi đều trả đủ cho chủ quán vào dịp tết, nhưng năm nay xã… khó khăn nên chưa trả được”. Chết cười cái đoạn cán bộ ăn nhậu nợ nần.

Lại nhớ thêm, cách nay vài hôm, 14 vị, phần lớn là cán bộ xã Đồng Tâm (huyện Mỹ Đức, Hà Nội) hầu tòa. Cả một lũ một lĩ, hết đời chủ tịch này đến chủ tịch khác liên tiếp vi phạm pháp luật, khi đứng trong vành móng ngựa lại phân trần do trình độ còn hạn chế, chưa hiểu biết pháp luật. Giá như họ hiểu điều đó ngay khi họ ngồi ghế quan xã thì đâu đến nỗi, đâu khiến dân phải khổ mà nhà nước cũng mất uy tín bởi những người lãnh đạo như họ.

Hàng nghìn xã phường trên đất nước này mà đội ngũ cán bộ thay mặt cho nhà nước quản lý xã hội chính là những người gần dân, sát cạnh dân nhất. Dân chúng quan sát, nhìn vào từng cử chỉ, việc làm, lời nói, thái độ của họ để đánh giá chất lượng chính quyền. Nếu cứ cái kiểu cán bộ xã-phường như ở An Bình, Duyên Hà, Đồng Thái, Đồng Tâm, Khánh Thuận, Văn Miếu… thì khó mà biến câu khẩu hiệu “chính quyền của dân, vì dân” thành hiện thực.

11.8.2017
Nguyễn Thông

1 nhận xét:

  1. Trình độ và học hành của họ cũng vậy thôi,nó còn tồn tại mãi, nếu vẫn còn kiểu Bầu cử như hiện nay!Họ là những ông Vua địa phương mình cai trị,muốn làm thế nào tùy sở thích của họ(QUAN XA BẢN NHA THÌ GẦN).Nếu không có mạng thông tin đại chúng thì không biết bao nhiêu số phận cuộc đời sẽ thành bất hạnh đang xẩy ra hàng ngày ở khắp nơi trên đất VIỆT ta,mong một ngày tươi sáng hơn.N Đ/

    Trả lờiXóa