Bạn bè

Tổng số lượt xem trang

Tìm kiếm Blog này

Chủ Nhật, 20 tháng 8, 2017

Chính phủ thuế

Hầu như ai quan tâm đến thế sự xứ này đều biết rằng sau khi ngồi vào ghế nóng thủ tướng, đứng đầu chính phủ, ông Nguyễn Xuân Phúc đã lập ngôn bằng những khái niệm riêng của ông, nổi bật nhất là “chính phủ kiến tạo” và “chính phủ liêm chính”.

Làm lãnh đạo và nói, đó là lối xưa nay của nhiều người, chả riêng gì ông Phúc. Hồi xưa ông Lê Duẩn đi đâu cũng vác theo cụm từ “làm chủ tập thể”, kể cả khi đi thăm trại chăn nuôi. Ông Nguyễn Văn Linh thì luôn luôn đòi “cởi trói, đổi mới”, cả kinh tế, xã hội, văn nghệ, tư tưởng. Ông Nông Đức Mạnh nổi tiếng với “trồng cây gì, nuôi con gì” trong mọi trường hợp, bất kể khi đang ngồi ở hội trường hay đứng trên đồi trọc (do đã phá trụi rừng). Ông Nguyễn Tấn Dũng một thời lừa mị được bao nhiêu người khi câu cửa miệng của ổng là “tăng trưởng kinh tế, kiềm chế lạm phát, đảm bảo an sinh xã hội”. Ông Nguyễn Phú Trọng do xuất thân con nhà nòi lý luận nên sáng tạo được nhiều danh ngôn hơn, nhưng nổi tiếng nhất là “thế lực thù địch, diễn biến hòa bình, suy thoái, tự diễn biến”, vừa rồi lại thêm “ném chuột vỡ bình” và “củi tươi vào lò”…

Quay lại chuyện ông Phúc đứng đầu chính phủ. Thực ra thì đứng đầu chính phủ, nếu ở nước khác, như Nhật Bản, Anh quốc, Thái Lan, Đức, Canada, Singapore chẳng hạn, thì quả là to, rất to, quyền nghiêng trời lệch đất. Trên thì chỉ có vua, nữ hoàng, tổng thống nhưng thực ra mấy vị “minh quân”, tổng thống ấy quyền lực chỉ mang tính tượng trưng, chứ quyền hành dồn hết cho thủ tướng. Có quyền thực sự trong tay nên lời nói và việc làm mới dễ khớp với nhau, biến lời nói thành hiện thực.

Ở xứ ta thì khác. Thủ tướng cũng chỉ là một dạng công chức siêu hạng, phải làm theo sự chỉ đạo, điều khiển của siêu vua, siêu hoàng đế, siêu tổng thống. Đó là đảng. Đảng mới là siêu quyền lực, bắt tất cả mọi bầy tôi phải răm rắp tuân theo. Hồi xưa “quân xử thần tử, thần bất tử bất trung” (vua bảo bề tôi phải chết, bề tôi không chết là không trung), mà đã không trung thì “không quân thần phụ tử đếch ra người” (Nguyễn Công Trứ). Nay nhà nước phong kiến đã xuống lỗ lâu rồi nhưng vua-đảng vẫn khiến trăm họ phải run sợ, nói chi thủ tướng.

Cũng có ngoại lệ. Ông 3X Nguyễn Tấn Dũng làm liên tiếp 2 nhiệm kỳ thủ tướng. Có thể ông ta đọc sử thể chế cộng sản xứ này thấy ông Phạm Văn Đồng (thường được đồng chí của ông gọi thân mật là anh Tô) ngồi ghế thủ tướng những… gần chục nhiệm kỳ, 31 năm đứng đầu chính phủ, mà chả quyền hành gì, chỉ làm bung xung cho kẻ khác, cuối cùng cũng chỉ để lại dấu ấn về một vị thủ tướng hiền lành, trọng tiếng Việt, quý bác Hồ, nên 3X định phải khác chăng. Và ít nhiều ông ta đã khác những người tiền nhiệm, những Phan Văn Khải, Võ Văn Kiệt, Đỗ Mười, Phạm Hùng…, đã chọc trời khuấy nước, đã suýt nữa hất tung cả vòng kim cô. Tuy nhiên, một gian hùng như ông 3X cũng còn thiếu cơ trời, lại thiếu cả nhân tâm-nhân hòa nữa, nên thất bại là phải. (còn tiếp, viết ngắn cho dễ đọc)

Nguyễn Thông

3 nhận xét:

  1. "cuối cùng cũng chỉ để lại dấu ấn về một vị thủ tướng hiền lành, trọng tiếng Việt, quý bác Hồ"

    Bác Thông quên bản công hàm nổi tiếng mang tên Thủ tướng Phạm Văn Đồng gòi! Nhờ có bản công hàm đăng đàng goàng trên báo Nhân Dân mà mọi người tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, dồn sức vào cho mong muốn của Cụ Hồ là giải phóng miền Nam . Bản công hàm đó cũng mở đường cho cộng hòa Xã Hội Chủ Nghĩa việt nam ra quốc tế -đúng, 1 phần nhờ Trung Quốc đệ trình .

    Một dấu ấn rất đặc sắc của Thủ tướng Phạm Văn Đồng bác Thông ui . Thử hỏi nếu không có bản công hàm đó, còn ai tin vào sự lãnh đạo của Đảng được cơ chứ .

    Trả lờiXóa
  2. Nhân vô thập toàn,nhưng đó chỉ dành cho thứ dân,còn các nguyên thủ quốc gia,phải là người hoàn chỉnh không thể sơ xuất được,bởi vì chỉ một ý sai của câu nói là hàng triệu triệu người lâm vào cảnh khốn cùng,do vậy dân phải chọn thật kĩ người nắm vận mệnh của mình,nhưng ở ta dân không được chọn khổ vậy,N Đ,.

    Trả lờiXóa
  3. Ở bất kì một quốc gia nào trên thế giới này cũng trông vào thu thuế để nuôi bộ máy chính quyền và phát triển dân sinh,phòng vệ đất nước,là dân thì đóng thuế là nghĩa vụ,,song có một điều, được chính phủ liêm chính,chi tiêu tiền hợp lí dân sẽ mãn nguyện với đồng tiền mình đóng thuế ,nhưng cũng không muốn ai sống phè phỡn,vinh thân phì gia bằng tiền thuế của mình,hoặc ai mà sống bằng tiền thuế của dân mà hại dân là không được.N Đ

    Trả lờiXóa