Mặc dù thế sự đang có nhiều chuyện đáng quan tâm nhưng mỗi người dân đừng lãng quên chuyện BOT trấn lột bởi cuộc đấu tranh bảo vệ lợi ích của người dân lương thiện chưa có hồi kết thúc.
Trong khoảng thời gian 1 tháng mà Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vừa đặt ra, bọn chủ BOT phi lý (ở nhiều nơi chứ không phải chỉ ở Cai Lậy) cùng với quan thầy đang tìm trăm phương ngàn kế nhằm duy trì sự bóc lột của chúng. Phải kiên trì vạch mặt chúng.
Trước hết, cần vạch trần thái độ lì lợm của lãnh đạo Bộ GTVT trong việc cố lèo lái cái sai của họ sang những cách hiểu khác. Chính họ chứ không phải ai khác đã cho phép đặt những trạm thu phí không nằm trên đường BOT được đầu tư mới mà lại đặt trên những con đường cũ đã được người dân có quyền tự do sử dụng, chỉ nhằm vơ vét được nhanh hơn, nhiều hơn rồi ăn chia với nhau. Ngay họ cũng thừa nhận rằng nếu đặt trạm trên đường BOT, đường tránh thì sẽ thu rất chậm, không được bao nhiêu, vì vậy cần phải lôi trạm ra những tuyến đường nơi nhiều xe cộ bắt buộc qua lại. Họ coi dân như cái mỏ tiền, cứ cần tiền là móc vào túi dân, bất cần biết phải trái, đạo lý, công bằng.
Họ lại giờ trò đề nghị chính phủ mua lại trạm BOT của nhà đầu tư để nhà đầu tư đỡ thiệt thòi. Phải nói cho họ biết, tiền nhà nước, tức tiền thuế do dân đóng góp, không phải vỏ hến, để bù đắp vào sự sai trái của họ.
Họ đưa ra phương án cho phép trạm BOT Cai Lậy thu đủ 300 tỉ đồng gọi là bù phần chi phí “cải tạo, sửa chữa phần quốc lộ 1 qua Cai Lậy”, bao giờ thu đủ thì sẽ dời trạm vào đường tránh. Cũng lại cứ nhằm vào túi tiền dân một cách vô lý. Và điều cần thiết, cần có sự kiểm toán lại thật lỹ lưỡng, chính xác con số mà họ công bố 300 tỉ kia, ai cũng biết đó là một con số ma, nếu làm rõ được sẽ ối kẻ tra tay vào còng. Trước khi có con số thật, dứt khoát không được sử dụng tiền nhà nước để đền bù cho chúng, cũng như không được móc túi dân bù vào.
Họ đang làm ra vẻ biết lắng nghe dư luận, kiểu như giảm phí ở rất nhiều trạm thu phí, miễn phí cho một số loại xe cộ. Đó chỉ là thủ đoạn của kẻ bất lương mang bộ mặt nhân từ, cố lừa dư luận. Nhân dân không cần sự ban ơn, bố thí như vậy. Cứ đem các BOT phi lý về đặt đúng chỗ. BOT thu phí hầm đường bộ Hải Vân thì cứ về trước cửa hầm Hải Vân, BOT thu phí hầm Đèo Cả thì cứ về trước hầm Đèo Cả, BOT của cao tốc Hà Nội -Hải Phòng cứ đặt trên cao tốc, BOT Cai Lậy, BOT Biên Hòa… nào cũng thế, cứ đúng chỗ. Thói đâu có cái thói làm mới ở một chỗ, lại đặt BOT ở một nơi không liên quan gì. Cứ coi thử xem, nếu cái trạm BOT thu phí hầm vượt sông Sài Gòn không đặt ngay cửa hầm mà lôi ra xa lộ Hà Nội hoặc tuốt tận Thủ Đức thì người dân không kéo đổ ngay trong chớp mắt, tôi cứ đi bằng đầu.
Những ông bà lãnh đạo cũng đừng ăn nói cải lương hai hàng mà cần vào thẳng vấn đề. Chẳng hạn bà chủ tịch quốc hội, cử tri bức xúc chuyện BOT phi lý, đáng nhẽ bà đồng tình thì gật, không đồng tình thì lắc, lại cứ vòng vo rằng BOT là chủ trương đúng, là cần thiết, là cách thu hút đầu tư ngoài vốn nhà nước, là đã góp phần này nọ vào phát triển kinh tế, nếu còn chỗ nào sai thì sửa, v.v.. Thưa bà, tất cả những điều ấy dân chúng biết cả rồi, nắm thủng hết rồi, cả thủng túi nữa, chỉ cần ở cương vị bà, bà công bố rằng trạm BOT nào đặt sai thì phải bắt nó về đúng vị trí, thế thôi, nói linh tinh mất thì giờ.
Công cuộc chống tham nhũng của các vị cầm quyền đang đánh tanh bành ổ tham nhũng khủng là ngành dầu khí, Tập đoàn Dầu khí. Tôi cho rằng, nếu các vị thực lòng chống tham nhũng chứ không phải đấu đá phe phái nhau, thì hãy để mắt đến ngành giao thông, Bộ GTVT, có lẽ nó cũng chẳng kém ngành dầu khí đâu.
Nguyễn Thông cào
Chống tham nhũng thì nên tấn công vào Tập đoàn điện lực VN, Đường sắt, Bộ Công thương. Các tập đoàn này đã lợi dụng sự quản lý yếu kém của Nhà nước để trục lợi.
Trả lờiXóa