Bạn bè

Tổng số lượt xem trang

Tìm kiếm Blog này

Thứ Năm, 7 tháng 12, 2017

Chuyện bị ốm

Ốm là nói theo cách của người miền Bắc. Bà con trong Nam gọi thành bệnh hoặc bịnh. Khi sức khỏe có vấn đề, suy sụp, cơ thể đang bình thường bỗng yếu hẳn đi thì ai đó bảo “tôi bị ốm rồi”. Nhẹ thì tự chữa ở nhà, nặng phải vào nhà thương (bệnh viện), có khi phải ra nước ngoài mới chữa khỏi. Ốm xong thường khỏi, nhưng cũng có những trận ốm chết người. Để chỉ cái cảm giác sung sướng sau khi khỏi bệnh, tiếng Việt có câu “lâng lâng như người mới ốm dậy”.

Tôi ốm thì tôi kể chuyện ốm của mình, chứ không nghe đồn có ai đó ốm nặng mà biên ra đây, chả có ý bóng gió, ám chỉ này nọ. Cứ chuyện mình, mình kể ra là lành nhất, chẳng sợ ai kiện cáo.

Khi gõ đến mấy chữ này, vẫn đang ốm, chưa khỏi hẳn. Lâu lắm mới bị cơn ốm nặng, tưởng chết. Sáng thứ hai vừa rồi vẫn bình thường, chở bà xã vào bệnh viện Nguyễn Trãi nhổ cái răng. Không hề có biểu hiện gì của người sẽ bệnh, thậm chí trên đường đi còn rất vui vẻ, nhìn thấy cậu bán vé số Vietlott ở đường Tùng Thiện Vương còn nhoẻn cười với nó. Thỉnh thoảng nó bán cho mình chút “niềm tin yêu và hy vọng”. Chen chúc trong bệnh viện, người bệnh đông như quân Nguyên, đủ thứ bệnh tật tim gan phèo phổi, đủ thứ vi trùng, yếm khí. Chữa bệnh theo chế độ bảo hiểm y tế thì phải chịu vậy, đòi hỏi gì.

Về nhà giữa trưa, vẫn oai phong Lý Đức, đi lại bình thường, lo bữa cho cả nhà. Đùng một cái, 2 tiếng đồng hồ sau, sụp cái uỵch. Người quỵ hẳn. Cứ như người mượn, mất hết cả sinh lực. Thân lạnh toát, chóng mặt, thấy xung quanh quay như chong chóng, sốt, bụng cồn cào, đầu cứ ong ong. Tệ nhất là cơ thể đau như dần, nhất là chỗ thắt lưng như có thằng khốn nạn nào hai tay hai vồ quật vào đó liên hồi kỳ trận. Đêm nằm, ngửa không được, nghiêng bên trái hoặc bên phải cũng không được. Có đêm mình lồm cồm bò dậy, ngồi thi gan với nó, cuối cùng vẫn thằng khốn nạn hai tay hai vồ thắng, buộc mình lại phải nằm cho nó quật tới sáng.

Chán ăn. Ai ốm cũng chán ăn. Có đổ sơn hào hải vị vào mồm cũng nhổ ra. Miệng đắng chát. Bà xã nấu cho nồi cháo, múc chén đầy bảo lão ơi dậy ăn nào. Giá cứ như bình thường mình sẽ húp cái soạt, vài ba soạt là hết nhẵn, xong rồi đẩy cái chén ra, quắc mắt hỏi (ấy, chả ai cấm chúng ta tự sướng) có còn cho bát nữa đi. Giờ nhìn bát cháo nghi ngút khói thơm mà ứ tận cổ. Mà chẳng những chỉ chán ăn, còn chán tất tật, không thèm quan tâm tới bất cứ điều gì. Giá có ai bảo Triều Tiên nó phóng tên lửa hạt nhân sang Mỹ rồi, hoặc trạm BOT Cai Lậy lại cho thu phí phớt lệnh của thủ tướng rồi, mình cũng chả thèm nghe, có khi còn bảo ông bà ra chỗ khác khoe, để tôi yên.

Có đêm nằm nghĩ, thế này mình đi trước bác Ải Lậc Cậc Ma Duy Giang K17 đang nằm chữa ung thư ở bệnh viện K Hà Nội rồi, nhập vào đám tiền trạm K17 ở bên kia, những Đỗ Xuân Thanh, Nguyễn Duy Chiến, Đoàn Văn Tuyến, Đồng Văn Duyệt, Lê Xuân Sang, Phạm Văn Sĩ, Trần Quốc Vượng... chuẩn bị sẵn cơ sở vật chất để ai đó chán đời thì long trọng rước xuống.


Lâu nay, mình có cái thói thế này, ốm gì thì ốm, cứ kệ, cứ nói không với thuốc, để cho cơ thể tự điều chỉnh. Vợ con giận lắm, bảo ông cứ làm vậy, có nặng thêm đừng trách nhé. Mình cười hì hì, mà lần nào cũng tự khỏi, chả tốn một viên thuốc chứ nói gì tốn tiền khám cho bác sĩ. Mấy ông thầy thuốc gặp ai cũng như tôi thì dờ thần hồn, lại chẳng đói rã họng. Ấy là mình học cách của cụ giáo ở Hà Nội. Có lần mình đọc cuốn bút ký của thầy Hà Minh Đức, thầy giáo mình, viết về đồng nghiệp của thầy, cụ Giáo sư Nguyễn Lương Ngọc hay cụ Bùi Văn Nguyên, chứ lâu quá rồi nên chỉ nhớ láng máng. Cụ Ngọc (Nguyên) cả đời chả uống một viên thuốc, ta cũng như tây, cứ mỗi lần ốm đều để cho cơ thể tự điều chỉnh. Cụ khoe với thầy Đức vậy. Tới ngoài 90 cụ vẫn da dẻ hồng hào, rất khỏe, ít bệnh, thầy Đức trân trọng gọi là người ẩn sĩ già. (còn tiếp)

Nguyễn Thông
Mệt quá, chả muốn biên tiếp, nhưng cố thế này là để luyện cái đầu, nó cứ ông ong, sợ nó xuôi xị như bọn tay chân thì bỏ mẹ. Mai nhờ con ra chợ mua cho nắm lá xông vậy.

2 nhận xét:

  1. Một khi thân xác chúng ta mọi cơ quan đoàn thể đã sử dụng chúng quá lâu,tất lẽ nó phải hao mòn nó phải hỏng, cho dù nó bền nhất, ốm đau ở tuổi già là bình thường ,và cũng đã báo hiệu cho ta đi gần tới đích của đời chẳng có gì phải lo ông Thông ạ.

    Trả lờiXóa
  2. Khoan vội "sang sông" ông Thông ơi. Đời này vẫn cần những thằng như ông, còn những ông như thằng mới đ cần.

    Trả lờiXóa