Bạn bè

Tổng số lượt xem trang

Tìm kiếm Blog này

Thứ Hai, 25 tháng 12, 2017

Chuyện mùa đông

Tháng 12.2017. Ông bạn tôi bảo chưa năm nào Sài Gòn nói riêng, miền Nam nói chung rét như năm nay. Ngoài Bắc càng rét tợn. Bản tin thời tiết trên tivi cũng như trên báo điện tử thu hút người đọc hơn cả tin vụ án “cướp giết hiếp”. Người ta cần biết hôm nay, ngày mai, thậm chí sáng hoặc chiều hoặc tối nhiệt độ sẽ xuống thấp bao nhiêu, rét như thế nào để có cách đối phó, chẳng hạn trẻ con rét quá thì nghỉ học, thanh niên trót hẹn người yêu đi dạo đường Thanh Niên, Bờ Hồ thì đổi địa điểm vào những nơi kín gió, v.v.., đại loại là vậy.

Từ cuối thu, các nhà khí tượng học đã cảnh báo năm nay rét sớm, rét dài, rét sâu hơn mọi năm. Mà đúng thật, mới đầu tháng 11 tây gió bấc đã réo, sang tháng 12 thì có hôm Hà Nội, Hải Phòng xuống còn 7-8 độ, vùng núi đã rơi tuyết, đóng băng. Bọn phượt nhắn nhe rủ nhau trên phây búc lên Sa Pa, lên đèo Ô Quy Hồ ngắm tuyết. Đứa cháu tôi ngoài Phòng (Hải Phòng) gọi điện vào bảo rét lắm cậu ạ, đêm ngủ quấn mấy cái chăn vẫn run cầm cập.

Sài Gòn năm nào cũng vậy cứ gần mùa Giáng sinh là se lạnh, bọn thanh niên thích ra mặt bởi có dịp diện đồ tung tẩy ngoài phố. Cứ trưng áo hai dây, váy ngắn mãi cũng chán. Những thứ đồ ấy chỉ toát lên sự khêu gợi, quyến rũ chứ không tạo được vẻ sang trọng, kiêu kỳ. Phải quần áo chuyên dùng cho mùa đông cơ. Đi trên phố Sài Gòn mấy hôm nay tưởng đang ở một thành phố châu Âu, Paris chẳng hạn, chứ không phải đô thị bên kênh Nhiêu Lộc. Nơi nơi treo đèn kết hoa, bày cây thông lục lạc, ông già Noel, con tuần lộc sừng cong vút, áo quần đỏ đặc trưng, nhất là khu vực gần mấy nhà thờ Đức Bà, Huyện Sĩ, Tân Định, Mông Triệu, Cầu Kho… Nam thanh nữ tú áo khoác áo choàng, khăn len mũ dạ trưng hết ra. Tuy ông phó chủ tịch quận 1 đã bị bó tay vụ dẹp vỉa hè, phố phường có vẻ nhếch nhác hơn trước khi dẹp, nhưng không khí đón Giáng sinh có vẻ khiến Sài Gòn sinh sắc hơn. Lại được ông trời ban thêm những đợt lạnh quý hóa nên càng thêm hấp dẫn.


Đêm 20.12, lạnh quá khó ngủ, tôi dậy coi cái cục thủy tinh đo nhiệt độ, thấy xuống dưới 18 độ. Cũng chưa phải rét đậm rét hại như xứ Bắc nhưng thế này thì bằng Đà Lạt rồi. Quấn thêm cái chăn mỏng, lẩn thẩn nghĩ về mùa đông.

Dạo xưa ở miền Bắc cứ mỗi lần cuối năm là nháo nhác đi tìm mua lịch. Lịch bloc hiếm lắm, chỉ phân phối cho cán bộ, lịch tờ cũng rất ít. Nhưng được cái may mắn bù lại là Nhà xuất bản Phổ thông, hoặc Nhà xuất bản Văn hóa in ra những cuốn lịch bé bằng lòng bàn tay, đủ cả 365 ngày âm dương trong năm, ngoài ra thêm những thông tin rất cần thiết, chẳng hạn các tuyến đường sắt qua những ga nào; những dấu mốc lịch sử, ví dụ năm Mậu Tuất 1418 khởi nghĩa Lam Sơn (sang năm 2018 cũng là Mậu Tuất, tròn 600 năm Lê Lợi dựng cờ). Mỗi cuốn giá chỉ 1 hào (tức 10 xu), bán rộng rãi, ai cũng mua được, bỏ túi rất tiện. Nhờ những cuốn lịch túi như thế mà lứa chúng tôi thuộc làu các ga tàu, chẳng hạn đường sắt Hà Nội - Hải Phòng thì cứ phải “Gia Lâm, Như Quỳnh, Lạc Đạo, Cẩm Giàng, Cao Xá, Hải Dương”… rồi cả chục ga nữa mới về tới Hải Phòng. Nhờ lịch mà biết nhiều chi tiết lịch sử, nắm được nhiều kiến thức mà không cần phải học ở trường. Tôi kể vậy bởi trong cuốn lịch ấy còn biên rõ những tiết khí trong năm, một năm gồm 24 tiết khí, là những tiết nào, sau tiết này thì tới tiết nào. Biết được lập đông (bắt đầu mùa đông) thường vào đầu tháng 11 tây, rồi tới những tiểu tuyết (tuyết mỏng), đại tuyết (tuyết dày), đông chí (giữa đông), tiểu hàn (rét nhẹ), và cuối cùng của mùa đông là đại hàn (rét đậm). Khi nào hết đại hàn thì sẽ sang lập xuân (bắt đầu mùa xuân).

Nói đến tiết đại hàn thì sợ lắm. Rét kinh người. Chỉ muốn thu lu cuộn tròn trong nhà. Chả muốn làm gì, ra đồng hoặc lội xuống nước lại càng ngại. Rét cắt da cắt thịt. Rét như lưỡi dao lạnh cứ phăng từng mảng vào cơ thể gầy còm. Tôi đã chịu hơn 20 mùa đông như thế tới khi vào miền Nam nhận việc. Đời sống vốn thiếu thốn, quần áo không đủ, chăn mền hiếm hoi, ăn uống ít, bụng đói cật rét, làm việc vất vả… nên mùa đông để lại cho tôi những ấn tượng nặng nề. Cứ nghĩ tới là rùng mình. Vậy mà sau này triền miên hơn 40 năm không có mùa đông giữa cái nắng nóng Sài Gòn, tự dưng đôi lúc thèm một chút co ro, nhớ mùa đông, như nhớ chút ấm nóng của bàn tay ai trong một đêm lạnh năm nào xa lắc.

Suốt thời thơ ấu, kể cả lúc thanh niên, đám chúng tôi đánh vật với mùa đông. Nhà nông dân nghèo, giường chiếu chả đủ, tôi thường ngủ ổ rơm. Đại loại khoanh một chỗ trong nhà, trải rơm dày vài lớp rồi phủ chiếu lên. Cây lúa cho hạt gạo nuôi người, lại hào phóng cho thêm cọng rạ cọng rơm để đun nấu, làm thức ăn cho trâu, và chống rét. Ổ rơm trông rườm rà xấu xí vậy nhưng rất ấm. Phải thú thật lòng, nhờ có ổ rơm mà đám nhà nghèo chúng tôi qua được những mùa đông khắc nghiệt. Nói như bác nhà thơ Nguyễn Duy xứ Thanh, “rơm vàng bọc tôi như kén bọc tằm/tôi thao thức trong hương mật ong của ruộng/trong cái ấm hơn nhiều chăn nệm/của những cọng rơm xơ xác gầy gò” để rồi kết luận “hạt gạo nuôi hết thảy chúng ta no/riêng cái ấm nồng nàn như lửa/cái mộc mạc lên hương của lúa/đâu dễ chia cho tất cả mọi người”.

Hồi xưa chưa có nệm kiểu nệm Kim Đan, Đại Thành, Hàn Quốc… bây giờ. Ổ rơm là một kiểu nệm. Nhưng ông anh họ tôi, ông Trác, khéo tay còn chọn rơm thật kỹ, đan thành những chiếc nệm rơm dày dặn, êm ái, vuông vức đặt gọn lên giường. Vừa “sang trọng”, vừa ấm áp. Lẩn thẩn nghĩ, mấy cái triển lãm về thời bao cấp mà thiếu chiếc nệm rơm này thì quả thật thiếu hẳn chủ đề về mùa đông.

Suốt gần 3 tháng mùa đông, nhất là lúc tiết đại hàn, những đêm gió bấc, tôi thường xuống bếp ngủ trong… thùng trấu. Đó là chiếc thùng xây bằng gạch trong nhà bếp, rộng khoảng nửa mét vuông để đựng trấu, rơm rạ đun nấu hằng ngày. Tuy chịu bồ hóng, tro bụi, lại nằm co ro nhưng được cái nhà bếp luôn có lửa, ấm áp, nhất là thày tôi vừa đun nồi cám lợn xong, tro vẫn hồng, tỏa hơi ấm đuổi cái giá lạnh mùa đông ra ngoài. Ngủ một mạch tới sáng, quên cả mùa đông đáng ghét. Sau này tôi kể cho vợ con nghe, “chúng” cười bảo hèn chi cái dáng ngủ co ro có gien từ ngày ấy. Mình thẹn thùng, biết là dáng ngủ của người vất vả nhưng không sửa được.

Với đám trẻ con, và cả người nhớn nữa, mùa đông đáng sợ ở chỗ bị chân bị cổ trâu, nứt nẻ. Hằng ngày đi làm đồng, chân trần, rét quá da cứ nứt toác thành từng vệt, máu phun ra ngoài khô dần, quết với bùn đất bụi bặm thành từng lớp vỏ xám xịt. Dưới bàn chân thì nứt nẻ, đi mỗi bước như đạp phải mảnh chai mảnh sành, buốt tựa kim châm. Còn cổ chân, mu bàn chân từng lớp máu-bụi đóng dày, gọi là cổ trâu. Suốt mùa đông phải đi làm đồng nên cứ kệ nó, tới gần tết ta mới bỏ một buổi làm cuộc chỉnh đốn thẩm mỹ. Lấy tro bếp trộn nước nóng, đắp lên chỗ cổ trâu, chờ một lúc bở thì ra bờ ao bờ cừ, cuộn búi rơm kỳ cọ. Chà đến đâu xót đến đó, người muốn nhảy dựng lên, không khác gì hành xác. Cổ trâu bợt rơi từng mảng, da rướm máu. Lau khô, bôi thuốc nẻ vào, vài hôm da mịn trở lại, có cái chân sạch sẽ đón tết. Bọn trẻ bây giờ giày này dép nọ, bít tất cao tới đùi, đâu biết cổ trâu là gì, nghe kể lại chúng sẽ bảo bịa, chuyện cổ tích.

Miền Nam ở hẳn trong vùng nhiệt đới nên quanh năm nóng, chỉ có hai mùa mưa-nắng, dường như không có mùa đông. Trừ đất cao nguyên Lâm Đồng - Đà Lạt mang cái rét lạnh đặc trưng cố hữu của vùng cao thì ở đất phương nam được hôm trời se se lạnh cũng hiếm. Tháng 4.1975 đất nước thống nhất, mùa đông năm đó trời lạnh bất thường khiến nhiều gia đình không kịp trở tay chống rét. Người ta đùa bảo nhau, cách mạng giỏi thiệt, thay trời đem được cả mùa đông rét mướt vào đất Sài Gòn.

Nguyễn Thông

5 nhận xét:

  1. Ông đã viết lại, không sai một chi tiết nào của mùa đông thời bao cấp, những ai ở nông thôn.khốn nạn thật,quên sao được.

    Trả lờiXóa
  2. Trọn khổ đầu anh Thông đang nói đến cái rét miền Nam. Nhưng chi tiết thanh niên trót hẹn người yêu đi dạo đường Thanh Niên, Bờ Hồ thì đổi địa điểm vào những nơi kín gió, làm văn mạch rời ra, khó hiểu. Gắng đọc lại vài ba lần, nghĩ bụng, anh Thông gõ quẩn.

    Trả lờiXóa
  3. đúng như TMĐ nhận xét.

    Trả lờiXóa
  4. thèm quá cái cảm giác về mùa đông của những người xa sứ cảm ơn bác

    Trả lờiXóa