Nhưng sau khi Mỹ ngưng ném bom từ tháng 11.1968 thì miền Bắc được hưởng chút không khí hòa bình. Rồi đâm ra ngại đánh nhau, ngại bom đạn, sợ chết chóc. Đầu năm 1972, khi nghe phong thanh Mỹ nó sẽ đánh trở lại, nhiều người lo lắng. Chỉ nghĩ cảnh phải bỏ nhà bỏ cửa, bỏ công ăn việc làm dắt díu bồng bế nhau đi sơ tán đã đủ mệt. Cuộc sơ tán năm 1964 còn chưa phai trong ký ức, chả nhẽ lại sơ tán nữa. Mà nó đánh thật. Đầu tháng 4.1972, Mỹ tuyên bố ném bom trở lại. Đêm 16.4.1972, máy bay Mỹ kéo đến đặc trời, cả Hải Phòng chìm trong khói lửa. Nặng nhất là nó đánh trận địa pháo bảo vệ cầu Niệm, rải thảm bằng B-52 ở thôn Phúc Lộc, xã Hưng Đạo làm gần 4 chục dân thường bị chết. Đêm đó, tôi ở nhóm lớp 10 trực canh gác Trường cấp 3 Núi Đối, cùng với hai bạn Vũ Trường Thành và Phạm Thị Nga, nhìn về phía nội thành thấy lửa sáng rực trời, bom nổ dậy đất, đứa nào cũng phát hoảng, lẩm nhẩm cầu giời khấn phật nó đừng đụng đến mình.
Lời thầy Duyên dạy chính trị đã hiệu nghiệm. Nhà trường thông báo trong tháng 5 sẽ có đợt lên đường làm nghĩa vụ quân sự, rất nhiều thầy trò ra đi. Cả trường nhốn nháo, buồn bã. Chỉ còn hơn tháng nữa là thi tốt nghiệp, nhưng chiến tranh, biết làm sao. Lớp tôi bị gần chục người, những anh nào nhà còn anh em trai đều có tên trong danh sách. Cả thầy chủ nhiệm, thầy Nguyễn Văn Mễ dạy môn vật lý cũng đi. Dành nguyên một ngày giữa tháng 5.1972, cả lớp kéo nhau đến từng nhà làm cuộc chia tay, động viên người vào lính. Thấy bảo sẽ chỉ huấn luyện rất ngắn ngày rồi lên đường vào B ngay bởi mặt trận đang rất khốc liệt. Quân ta đánh giải phóng Quảng Trị nhưng quân “ngụy” phản công dữ lắm, giành nhau từng tấc đất, chết không biết bao nhiêu mà kể. Ra trận lần này, không hẹn ngày về. Đầu tiên đến nhà thầy Mễ. Ôi người thầy mà chúng tôi rất quý mến, dạy lý thật hay, dễ hiểu, ngày mai thầy đi rồi. Đứa nào cũng khóc. Thầy cười buồn, các em ráng ôn cho kỹ để thi cho tốt nhé, đứa nào rảnh nhớ viết thư cho thầy, thỉnh thoảng tới thăm cô cho cô đỡ tủi thân.
Cả lớp lần lượt tới nhà các tân binh Nguyễn Văn Biên (Biên tây, bởi lai tây, cao lớn, da đỏ như gà chọi, cùng xã Thuận Thiên với thầy Mễ), Vũ Trường Thành, Lương Xuân Thắng (xã Minh Tân), Trương Văn Lĩnh, Nguyễn Văn Sơn (Thanh Sơn), Ngô Trọng Tiến (Thụy Hương), Phạm Văn Như, Nguyễn Văn Thảo (Hợp Đức), Nguyễn Văn Thắng (Đại Hà), Vũ Xuân Thanh (Ngũ Đoan), còn hai ba đứa nữa ở xã Tân Trào tôi quên mất tên do đã quá lâu. Bọn con gái mắt đỏ hoe, chả còn nước mắt mà khóc nữa. Thằng Vũ Trường Thành vốn xưa nay tếu táo, chiều hôm ấy chỉ ngồi ôm thằng Thi em nó, rồi bảo nhỏ chúng mày phải cười lên không thì tao khóc đấy. Bọn chúng tôi, những đứa ở lại cũng chả nói gì bởi nói mấy cũng bằng thừa, chỉ nhìn nhau đưa tiễn ngậm ngùi.
Ngày hôm sau, cả trường làm lễ tiễn tân binh, rồi lại lao vào chuyện học hành. Lớp vắng hẳn, ngồi dồn lên phía trên, rộng thênh thang. Rồi thi tốt nghiệp cấp 3. Đề thi văn năm ấy yêu cầu bình luận câu nói nổi tiếng của chiến sĩ Lê Mã Lương “Cuộc đời đẹp nhất là trên trận tuyến đánh quân thù”. Hồi cấp 2 thì học tập tấm gương Vương Đình Cung (con vị bí thư tỉnh ủy Hải Hưng, không đi nước ngoài mà cứ dứt khoát đòi ra trận), lên cấp 3 thì Lê Mã Lương, nên thi cử cũng phải vận vào các anh ấy.
Giữa tháng 4, máy bay Mỹ đánh rất ác, cả ngày lẫn đêm. Kho xăng Sở Dầu bên Thượng Lý cháy suốt mấy ngày đêm, khói đen ngút trời, ban đêm lửa bốc cao cách cả chục cây số vẫn nhìn thấy. Một hôm có người ở nội thành Hải Phòng đạp xe về báo tin bom đánh trúng khu nhà dân gần Sở Dầu, cả hai vợ chồng thầy Sơn - cô Quý đều chết, bỏ lại hai đứa con đã đi sơ tán. Hai thầy cô trước kia đều cùng dạy ở trường xã tôi, sau mới chuyển ra Phòng. Thầy rất hiền, còn cô đẹp lắm, mái tóc phi dê bồng bềnh sang trọng hơn hẳn các cô giáo vùng nông thôn. Thật tội nghiệp.
Thế là cái câu sấm người ta truyền nhau từ đầu năm (mà tôi đã nhắc ở cuối bài phần 1) “Đầu năm mưa đá, giữa năm bắn phá, cuối năm hòa bình” đã ứng nghiệm 2 phần, liệu phần còn lại có thành sự thật không. Tự dưng, ai cũng mong mỏi năm nay qua đi thật nhanh, cho điều thứ 3 ấy tới. (còn tiếp)
Nguyễn Thông
Không có đánh nhau thì tốt biết bao, dù là gì đi chăng nữa!
Trả lờiXóa