Sáng 9.4, Thủ tướng và nhiều quan chức cấp rất cao của chính phủ về tỉnh Hải Dương tham gia cuộc "đối thoại" với nông dân trong tỉnh. Dĩ nhiên là tổ chức ở hội trường chứ không phải ngoài đồng. Đại biểu nông dân ăn mặc diện ngất, nhiều vị còn đeo cả ca la vát.
Nói chung, những nhà cai trị đến với dân để lắng nghe tâm tư nguyện vọng của dân, hiểu họ nghĩ gì muốn gì là việc đáng khen. Nhưng cũng nên hiểu được cả những thứ diễn ra ngoài hội trường, nơi bà con một nắng hai sương chân lấm tay bùn; hiểu cả những thân phận không phải dạng đại biểu ngồi chĩnh chện trong phòng máy lạnh, mà đang đánh vật với cuộc sống nghèo khó; hiểu cả những thực tế chân xác chứ không phải nghe đám trợ lý "báo cáo anh" thế này thế nọ...
Tôi hơi tủm tỉm khi nghe ông Phúc ra vẻ hiểu biết, nói rằng su hào bắp cải vùng Hải Dương ngon lắm, chất lượng cao lắm, người Nhật rất thích.
Ý của bác Phúc rằng người Nhật mà còn thích thì làm sao chẳng ngon. Đã lâu Nhật là một thứ tiêu chuẩn mặc nhiên đối với người Việt ta rồi. Ai khen thì còn nghi ngờ chứ Nhật đã khen thì miễn chê. Tôi nhớ hồi những năm 70 ở miền Bắc, xe ô tô rất hiếm, chủ yếu từ phe XHCN nhập về. Những chiếc xe tải IFA của Đức khi sang Việt Nam, trên cabin hoặc đầu xe thường có hàng chữ rất... thiếu khiêm tốn, đề hẳn bằng tiếng Việt: Miễn góp ý. Hàng của Đông Đức hồi ấy luôn được coi là chất lượng hàng đầu khối XHCN, nhưng họ biết người Việt tuy xài đồ cho không (viện trợ) vẫn hay ý kiến ý cò chê bai nên họ phải chặn họng trước.
Lại nói về rau. Rau vụ đông ở miền Bắc là một dạng đặc sản vùng miền trên diện rộng. Hầu như tỉnh thành nào ở miền Bắc, nhất là đồng bằng Bắc Bộ, cũng trồng rau vụ đông. Ngược với rau vụ đông là rau vụ hè, như rau ngót, rau đay, mướp, mùng tơi, rau dền, su su, bí đao… Miền Nam nắng nóng tất nhiên nhiều rau vụ hè, ngoài ra cũng trồng được các loại rau vụ đông, ở cả đồng bằng sông Cửu Long, vùng ven Sài Gòn, nhất là trên Đà Lạt, chỉ có điều chúng không ngon. Ông trời ban cho miền Bắc thời tiết lạnh suốt mấy tháng, từ tháng 10 tới tháng 3 dương lịch, hợp với rau vụ đông. Những su hào, bắp cải, củ cải, cà chua, khoai tây, xà lách, súp lơ, đậu hà lan, rau diếp, cải thìa, cải tàu... xanh ngắt trên đồng. Về quê bắc những ngày tháng ấy, trên giời dưới rau. Dịp chính vụ (trước và sau tết âm lịch) rẻ lắm, mấy đứa cháu tôi bảo rẻ thối ra, bỏ 10 ngàn bạc ăn rau mệt nghỉ. Quả thật thế. Hồi tháng 3 tây vừa rồi tôi về quê Phòng hơn nửa tháng. Lên chợ ông Ỷ gần nhà mua rau. Khoai tây, cà chua, su hào chỉ nhìn đã muốn ăn. Quen cái giá đắt của Sài Gòn, tôi nghĩ củ su hào bánh xe to như cái bát ô tô thế kia chí ít cũng 10 nghìn. Mua tạm 2 củ thôi. Hỏi cô ơi, bao nhiêu một củ. 10 nghìn 5 củ bác ạ. Mình tưởng nghe nhầm, lí nhí hỏi lại, còn nó đang bận tính tiền cho khách, gắt lên 5 củ 10 nghìn. Giời ạ. Củ nào củ nấy xanh nõn, phải nặng hơn nửa ký.
Đang phân vân, ai đó kéo sau áo. Nhìn lại thì ra cô em, cô Quỳnh (em gái ông em rể tôi) trong làng. Nó cứ toang toang, anh ơi, anh đừng mua, su hào ấy trông đẹp mã thế nhưng là su hào Hải Dương, không ngon đâu. Qua bên kia đường em mua cho, su hào quê mình, su hào Phòng xấu mã một tí nhưng ngon gấp mười. Nó cứ kéo sang, để đỡ mất lòng cô hàng gắt khi nãy, tôi nhặt đại một củ Hải Dương, trả 2 nghìn rồi te tái sang củ nhà.
Cũng 10 nghìn 5 củ, cũng to như cái bát ô tô, rồi tôi mua thêm 2 ký khoai tây nữa 5 nghìn/ký, lặc lè xách về nhà. Quả như Quỳnh tư vấn (nó mà làm tổ tư vấn cho thủ tướng thì hay phết), củ su hào Hải Dương nhạt, không chắc, khác hẳn su hào quê, đất Phòng quê tôi. Su hào quê luộc lên ngọt lừ, đậm đà, ăn như miếng giò thực vật. Củ su hào tỉnh Đông (Hải Dương) có chất phù sa sông Hồng, sông Luộc, sông Thái Bình nhưng củ su hào Phòng có vị đậm đà mặn mòi của đất duyên hải, ngon khó tả.
Rau rẻ quá, những ngày ở quê, tôi lên lịch “công tác”, sáng khoai tây nấu tơi ra cho mỡ vào, ăn với rau diếp, chiều su hào luộc chấm mắm Cát Hải, ngày nào cũng làm nguyên một củ bánh xe quê. Hôm đám bạn đồng môn từ kinh thành về chơi, tôi cũng đãi su hào quê luộc, chúng xơi ráo củ tỉ, no căng, chừa lại tinh giò chả thịt thà mà chúng đem theo. Thằng Xuân Ba đêm đó vừa rít thuốc lào vừa khen su hào quê mày ngon đéo chịu được.
Tuyền ăn rau, vậy mà bữa về lại Sài Gòn, vợ ra đón, nhìn kỹ nghi ngờ. Hỏi sao bà ngắm kỹ thế, bả hỏi lại hay có bà nào mát tay ở quê chăm cho mà thấy béo ra. Nghĩ bụng, con mẹ rau chứ ai.
Củ su hào, tôi nhớ hồi còn bé, nghe người làng mình gọi là củ thò lò. Nhiều nơi ở Phòng cũng gọi củ thò lò. Cái tên nghe thật lạ. Chị Khoắn tôi kể, dạo cải cách ruộng đất thỉnh thoảng có nghe cụ Đẹn làng mình hát mấy câu “Thịt bò, thịt bò, thò lò/Thò lò, thò lò, bắp cải/Bắp cải, bắp cải, thịt bò/Thịt bò, thịt bò, thò lò…”, chỉ có thế mà múa may hát mãi. Hát xong đi tố địa chủ, tố xong lôi lên đầu núi bắn. Ông anh họ tôi cắt nghĩa, thịt bò là để cán bộ xơi, còn thò lò bắp cải dành cho dân chứ cho ai mà còn hỏi.
Nay thấy bác Nguyễn Xuân Phúc khen su hào Hải Dương, tôi sực nhớ củ thò lò làng mình. Người Nhật chưa biết thò lò làng Trà, thò lò đất Phòng thôi, chứ nếu họ biết thì bác Phúc có mà khen cả ngày.
Nguyễn Thông
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét