Thực ra thời tiết khí hậu Trung Quốc khác nhiều với Việt Nam, những gì cổ nhân của họ tính toán đều rất khoa học nhưng phù hợp, sát với thực tế bên ấy hơn. Sang xứ ta, ở miền Bắc còn hợp tí chút chứ càng xuôi về phương nam, tới Nam Bộ thì càng chênh lệch, thậm chí không phù hợp tí nào. Nhưng về mặt xã hội, cái gì hay, có ý nghĩa tinh thần, dung nạp được thì dân chúng chấp nhận. Người xứ ta, kể cả miền Bắc lẫn miền Nam cũng đón tết Thanh minh là vậy.
Theo tính toán của người xưa, Thanh minh là tiết thứ 5 trong 24 tiết khí hằng năm. Tiết Thanh minh (mát mẻ) đến sau ngày Lập xuân (của tiết Lập xuân, tức bắt đầu mùa xuân) 45 ngày, sau ngày Đông chí 105 ngày. Nhân đây cũng nói luôn, rất nhiều người thường nhầm ngày mùng 1 Tết Nguyên đán là ngày Lập xuân nhưng thực ra không phải, nó chỉ là ngày đầu tiên của năm âm lịch.
Ngày đầu tiên của tiết Thanh minh được xem là Tết Thanh minh. Chẳng hạn năm nay 2018, tiết Thanh minh bắt đầu từ 20.2 âm lịch, tức 5.4 dương lịch), kết thúc vào 5.3 âm lịch, tức 20.4 dương lịch), tiếp đó là tiết Cốc vũ (mưa rào), trời chuyển sang mùa hè. Tết Thanh minh năm Mậu Tuất 2018 trùng vào ngày 5.4 dương lịch.
Trong sách Việt Nam phong tục, cụ Phan Kế Bính viết "Tết Thanh minh: Trong khoảng tháng ba, có một tiết hậu gọi là tiết Thanh minh. Thanh minh nghĩa là trời độ ấy mát mẻ quang đãng. Theo tục Tàu vào hôm ấy, giai nhân tài tử đua nhau đi tảo mộ, gọi là hội Đạp thanh. Ta không ăn Tết ấy, nhưng cũng nhiều người nhân dịp này mà đi tảo mộ. Tảo mộ là đi thăm mộ tiền nhân, cỏ rậm thì phát cho quang, đất khuyết thì đắp bồi lên, rồi về nhà cũng làm cỗ cúng gia tiên".
Nguyễn Thông
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét