Các nhà lý luận thường bảo đừng đánh đồng hiện tượng với bản chất, đừng vội quy một sự việc hoặc hiện tượng nào đó thành bản chất, v.v.. Khuyên thế không sai, bởi lý luận không phải sinh ra từ ý chí chủ quan của con người, mà được đúc rút từ thực tiễn.
Tuy nhiên, trong cuộc sống có rất nhiều vụ việc, ban đầu tưởng chỉ là dạng cá biệt, mà thực ra khá phổ biến, giống như những đáp số của bài toán có chung mẫu số. Vụ việc dưới đây có thể coi là hiện tượng, dù không phải bản chất, nhưng cũng gần như “sự phổ biến” đáng phải cất lên những hồi chuông khẩn báo.
Chuyện là, ngày 4.4 vừa qua tại tỉnh Quảng Trị, một thanh niên mới vào ngưỡng 16 tuổi, tên Lê Văn Hoài, chạy xe máy điện chở bạn gái trên đường, gặp đèn đỏ nhưng vẫn bất chấp vượt qua suýt gây tai nạn cho người khác. Khi được nhắc nhở, kẻ vi phạm luật giao thông không những không phục thiện, nhận cái sai của mình mà còn hung hăng phản ứng, rút ngay dao nhọn thủ sẵn đâm người khác. Một mạng người lương thiện bị cướp đoạt, và kẻ gây tội ác chắc chắn phải đối mặt với sự trừng phạt nghiêm khắc của pháp luật.
Thật không thể hiểu nổi, một đứa còn trẻ, vừa chớm vào tuổi thành niên, chỉ vì được nhắc nhở chuyện rất bình thường (vượt đèn đỏ) mà giết người không gớm tay. Xung quanh vụ việc đau lòng và rất đáng phẫn nộ này có nhiều điều cần phải bàn.
Cần lưu ý, hung thủ nói trên không phải loại đối tượng du thủ du thực có số má, không phải giang hồ cộm cán, cũng không phải đối tượng đầy tiền án tiền sự, vào tù ra khám như cơm bữa. Y mới 16 tuổi, cái tuổi “ăn chưa no, lo chưa tới”, là đối tượng của giáo dục chứ không phải của pháp luật. Tuổi 16 trăng tròn, chỉ tiếc rằng ta không tìm thấy ở y những nét dễ thương, đáng yêu, dễ thông cảm, mà trái lại, đã lộ ra đầy những u cục, cộm cán.
Không trách gì một thanh niên 16 như Hoài có bạn gái, dù như thế là hơi sớm. Có bạn thì chở bạn đi chơi, cũng là chuyện bình thường. Ai khắt khe với tuổi trẻ làm gì. Nhưng trẻ hay già thì trước hết phải là con người, có thiện lương; phải là công dân, có tư cách công dân, biết chấp hành pháp luật.
Nhìn mặt, coi tuổi, sẽ khó đoán được bản chất con người. Nhưng sẽ lồ lộ ra bản chất, hoặc ít ra là tính cách, khi có những sự không bình thường. Nếu Hoài là người lương thiện, vậy con dao nhọn giắt trong người, có lẽ được thủ sẵn thường xuyên, dùng để làm gì? Đừng bảo rằng để tự vệ, để phòng thân. Cũng đừng nói rằng ở bên Mỹ người ta còn cho mang súng thì đã sao, dao là cái đinh gì. Cãi lý sẽ vậy, nhưng tôi cam đoan rằng, ở một xã hội mà con người sống lương thiện và biết tôn trọng pháp luật, thì con dao ấy chỉ chứng minh kẻ thủ sẵn nó không phải người tốt.
Điều đó được chứng minh ngay. Bất kỳ ai tôn trọng pháp luật, cụ thể là luật giao thông, khi gặp tín hiệu giao thông đều phải chấp hành. Nhưng Hoài thì không. Gặp đèn đỏ, không chịu dừng, cứ phóng qua, sẵn sàng gây tai nạn cho người khác. Luật không là gì. Coi trời bằng vung. Cần biết rằng, từ xưa tới nay, xã hội thường bị rối loạn bởi những kẻ coi thường coi khinh pháp luật, chà đạp lên mọi quy tắc thuận thảo của cộng đồng.
Và gì nữa? Kẻ mang dao trẻ tuổi kia thể hiện rất rõ thói coi thường đạo đức. Chính mình làm điều sai quấy, được người khác chân tình nhắc nhở, chẳng những không nghe lời nói phải mà giở ngay thói côn đồ. Giới hạn tột cùng của sự vô đạo đức, bất nhân ấy là không cần biết phải trái, đúng sai, rút dao đoạt mạng người, giết người không ghê tay.
Từ vụ việc kẻ sát nhân 16 tuổi, và đã từng xảy ra khá nhiều án mạng tương tự, thậm chí còn ghê gớm, khủng khiếp, tàn bạo hơn, điều khiến chúng ta suy nghĩ là dường như sự giáo dục con người suốt bao năm qua đã nhiều thất bại. Chủ tịch Hồ Chí Minh từng quả quyết “Hiền dữ phải đâu là tính sẵn/Phần nhiều do giáo dục mà nên”, vậy thì thứ sản phẩm là Hoài và những kẻ như Hoài đều là sản phẩm lỗi, khuyết, què quặt của giáo dục. Cả gia đình, nhà trường và xã hội đều phải chịu trách nhiệm về thứ phế phẩm nhân tính này. Cả đoàn thể nữa, cụ thể là đoàn thanh niên. Và rộng hơn là cả hệ thống chính trị mà chúng ta lâu nay tưởng rất chi li, chặt chẽ trong việc quản lý xã hội, quản lý giáo dục con người. Quá nhiều lỗ hổng. Để lọt ra cuộc sống những dạng như Hoài, không ai có thể bảo rằng mình vô can. Tên Hoài là hậu quả của cả quá trình dài bị buông lỏng giáo dục, bị bỏ rơi, không được đoái hoài, chứ không phải kết quả phát sinh một sớm một chiều.
Phải chặn đứng dòng chảy sinh ra những kẻ vô đạo. Nếu không, điều rất nguy hiểm sẽ là, con người cảm thấy làm người tốt thời buổi này quá khó. Chỉ cần làm người tốt thôi cũng đã nguy hiểm rồi, chứ nói gì làm Lục Vân Tiên.
Nguyễn Thông
Nhìn lại một chút thì thấy rất rõ .Một nơi tất cả người dân đều đặt niềm tin cho sự công bằng cho xã hội lấy lại những thứ mà ta gọi là tham nhũng , nhưng chính nơi ấy lại là nơi.THAM nhũng đủ loại... Ví dụ ông TRUYỀN tổng thanh tra khi về hưu con kí tới 60 Q Đ bổ nhiệm..Rồi bây giờ trước khi về hưu còn đi nước ngoài học tập kinh nghiệm ,hởi rằng như vậy đất nươc sao được bình yên..Ai giáo dục ai,ai ngăn chặn ai,.
Trả lờiXóaLại nói về bản chất.Thưa ông Thông bản chất con người thực rất khó biết nó có thể được che đậy rất kĩ một thời gian rất dài ví dụ, một quan chức lên tới chánh thanh tra khi về hưu mới lòi ra là một kẻ đốn mạt.Thử hỏi ta còn tin vào đâu mà gọi nó là sản phẩm lỗi.
Trả lờiXóa