Không phải cộng sản thì bị giải tán đã đi một nhẽ, nhưng ngay trong tổ chức cộng sản, có những lực lượng được chính họ lập ra, đóng vai trò nhất định, vậy khi cuộc chơi kết thúc cũng chịu cảnh phụ bạc phũ phàng. Trong bài này, tôi không nhắc tới những “cá nhân tiêu biểu” như tướng Chu Văn Tấn, tướng Trần Văn Trà, ông Ung Văn Khiêm, ông Nguyễn Văn Trấn, ông Trịnh Đình Thảo, ông Trần Độ, ông Nguyễn Hữu Đang, ông Vũ Đình Huỳnh… mà chỉ đề cập tới một tổ chức từng lừng lẫy kéo dài hơn chục năm tới khi cuộc chiến kết thúc. Đó là Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam, sau đó là Chính phủ cách mạng lâm thời cộng hòa miền nam Việt Nam. Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam và Chính phủ cách mạng lâm thời cộng hòa miền Nam Việt Nam, những con đẻ của đảng cộng sản, cánh tay nối dài của đảng vào tận miền Nam, cuối cùng cũng chịu chung số phận, kết thúc với công thức bi kịch giống như hai đảng trên. Nó đã biến mất khỏi đời sống xã hội Việt Nam lúc nào, rất nhiều người không biết. Người xưa có câu “lai vô ảnh, khứ vô hình” (đến và đi không để lại hình ảnh, hình dáng gì), nhưng với mặt trận và chính phủ lâm thời, khi “lai” chẳng những không hề vô ảnh mà rất ồn ào, chỉ đúng vế sau “khứ vô hình”, sau khi nó “tự nguyện hoàn thành nhiệm vụ”, tức là chết bất đắc kỳ tử, không còn ai nhắc tới nữa, may ra chỉ có ít dòng trong sách giáo khoa lịch sử.
Hôm 15.4.2019 vừa rồi, ở thủ đô Paris nước Pháp xảy ra trận hỏa hoạn kinh thiên động địa, cháy nhà thờ Đức Bà – Notre Dame de Paris nổi tiếng. Vụ cháy gây choáng đối với biết bao nhiêu người trên địa cầu, trong đó không ít người Việt Nam. Báo chí xứ ta thông tin dày đặc, căn tính từng giờ để có những tin tức mới nhất, lạ nhất. Và tôi thực sự choáng bởi cái nội dung lần đầu được biết, có nhẽ cũng rất nhiều người Việt mới biết lần đầu như tôi. Các báo biên rõ, kèm theo cả hình ảnh: Lá cờ nửa đỏ nửa xanh sao vàng năm cánh của Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam được treo tít trên đỉnh tháp nhà thờ Đức Bà Paris vào ngày 19.1.1969, một ngày sau phiên họp đầu tiên của Hội nghị Paris đàm phán hòa bình cho Việt Nam. Và hãi nhất là “sau khi bí mật treo cờ Việt Nam trên đỉnh nhà thờ Đức Bà Paris trong đêm, người treo cờ đã... cưa thang để không ai có thể leo lên gỡ xuống”. Cũng chưa rõ ai, tổ chức nào đã treo cờ, là người Việt Nam hay nước nào khác, nhưng để thực hiện được hành vi đậm màu sắc chính trị ấy, đương sự treo cờ đã làm một việc rất đáng lên án: “cưa thang”, đã đối xử với công trình kiến trúc lịch sử vô giá hơn 800 tuổi của nhân loại bằng hành vi cực kỳ vô văn hóa, thậm chí có thể coi là phá hoại. Thời bấy giờ, do thông tin bị bưng bít, hạn chế phương tiện truyền thông nên nhân loại ít biết sự vụ này, chứ nếu bây giờ, việc như thế sẽ bị lên án ngay lập tức, bị coi là khủng bố, phá hoại, không có thứ chính trị nào có thể bào chữa, bênh vực được.
Tôi sực nhớ tới Mặt trận bởi hồi đầu năm nay (2019) đọc báo thấy vào ngày 1.2, ông thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tới thăm và chúc tết bà Nguyễn Thị Bình. Bà Bình là nhân vật lịch sử đương đại nổi tiếng. Người phụ nữ giỏi giang này là cháu ngoại cụ Phan Chu Trinh, khi thành đạt nhất đã lên tới chức Phó chủ tịch nước. Năm 1960, đảng cộng sản từ Hà Nội chỉ đạo thành lập Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam, bà Bình được điều từ Bắc vào làm ủy viên trung ương. Chủ tịch mặt trận là ông Nguyễn Hữu Thọ, luật sư. Khi nâng cấp thêm bước nữa thành Chính phủ cách mạng lâm thời, bà Bình được đặt vào ghế Bộ trưởng Ngoại giao của chính phủ này. Năm 1968, bà Bình làm trưởng đoàn đàm phán của Mặt trận tại hội nghị Paris, tới năm 1969 giữ cương vị trưởng đoàn đàm phán của Chính phủ cách mạng lâm thời. Nói chung, bộ máy tuyên truyền của cộng sản đã rất thành công khi vẽ nên một nữ thủ lĩnh cách mạng tài giỏi, thông minh, khôn khéo, bản lĩnh, một ngôi sao sáng trên bàn đàm phán. Tôi không hề có ý gì hạ thấp bà Bình, chê bai gì bà, bởi thực ra bà là người có đạo đức, có tài, nhưng tôi không thích nghiệp vụ hội họa của bộ máy cộng sản. Họ mà đã khen ai thì người ấy chỉ kém thánh thần, toàn thiện toàn mỹ, như đấng toàn năng, như ngọc quý không tì vết. Lứa chúng tôi, sống trong thời kỳ lịch sử đó, mặc dù chỉ có thông tin một chiều nhưng hầu như ai cũng tự hiểu được rằng mặt trận hay chính phủ lâm thời cũng chỉ là những bình phong, là những bù nhìn của người cộng sản. Chúng tôi thời ấy theo dõi tin tức thời sự hội nghị Paris và hiểu dù tài giỏi nhưng bà Bình hay ông Xuân Thủy, ông Nguyễn Duy Trinh (hai vị bộ trưởng Ngoại giao, trưởng đoàn đàm phán của Bắc Việt) cũng chỉ múa may cho sinh động, chứ quyền hành, quyền quyết định, tiếng nói trọng lượng đều do ông Lê Đức Thọ nắm hết, quyết hết. Phía sau ông Thọ là ông Duẩn, là đảng, còn Mặt trận cũng như Chính phủ lâm thời không là cái đinh gì.
Khó mà trách đảng được bởi Mặt trận và Chính phủ cách mạng lâm thời do họ đặt ra thì họ cũng có quyền giải tán. Giá như họ cứ chẻ hoe, thẳng băng nói như vậy, nếu có mất lòng tí chút cũng chỉ thời gian đầu, đằng này đảng vẫn chủ trương sách lược: miệng thì nói về sự tôn trọng, về quyền tự quyết, nhưng tay thì bóp chặt, siết lại, ghé tai gằn giọng buộc con nhà người ta phải tự tuyên bố đã hoàn thành nhiệm vụ. (còn tiếp)
Nguyễn Thông
"Mặt Trận dân tộc giải phóng miền nam là con đẻ của bọn cọng sản Bắc Việt" Câu nói của Nguyễn Văn Thiệu cũng đã cảnh giác cho giới trí thức miền Nam hô hào theo cộng sản. Nhưng giờ này mấy vị trí thức miền nam theo cọng sản bắc việt mới sáng mắc ra phải không Huỳnh Tấn Mẫm, Huỳnh Liên, Chân Tín, Nguyễn Ngọc Lan,....Âu cũng là số phận của dân tộc VN!
Trả lờiXóaHay, cũng là mạch chép sử ở xứ đông Lào đây
Trả lờiXóaMoi day co mot so nguoi goi nuoc Viet nam la dong Lao. Co ai lam on giai thich gium toi. Xin cam on.
Trả lờiXóaĐông Lào là vì nước VN ở về phía đông của nước Lào đấy anh bạn
Xóa