Bạn bè

Tổng số lượt xem trang

Tìm kiếm Blog này

Thứ Ba, 14 tháng 5, 2019

Chuyện đi lại (kỳ 2)

Những năm chiến tranh và thời bao cấp ở miền Bắc, nếu không kể tới chuyện chết chóc đạn bom vốn rình rập thường ngày, thì trong những cái khổ, khổ nhất là đói ăn và rách rưới, khổ nhì là việc đi lại. Những sự khổ sở bất hạnh khác, chỉ đáng xếp sau hai “đặc sản” ấy.

Đói và rách, đương nhiên không thể tránh khỏi. Nền kinh tế tập trung, quốc doanh tuyệt đối, nhất nhất theo sự chỉ đạo điều hành của nhà nước đã đẩy con người vào chân tường cùng quẫn. Loại trừ một bộ phận cán bộ được nhà nước chăm lo ưu đãi, thì hầu như cả phần sinh mệnh còn lại của xã hội, của cuộc sống đang tiến lên chủ nghĩa xã hội, kể cả cán bộ và dân chúng, rơi vào thảm cảnh đói rách. Khổ nhất là nông dân và dân tự do ở thành thị. Tôi từng chứng kiến, từng nghe người ta khi trò chuyện vãn với nhau, họ chả ao ước gì, chỉ ước được ăn no, được bát cơm không có độn. Chỉ cần no thôi, không cần ngon, bởi bị đói quanh năm chứ đâu phải chỉ đận giáp hạt, tháng ba ngày tám, nên cốt no đã, ngon mà làm gì cho phí lời ao ước, khó thành hiện thực.

Và quần áo, cũng chỉ ước ao lành lặn, đừng rách rưới là được, chưa cần đẹp. Ai đời tới lúc máy bay Mỹ đánh ra miền Bắc, xây dựng chủ nghĩa xã hội được cả chục năm, rồi 15 năm, rồi 20 năm mà vẫn cứ vá chằng vá đụp. Ông anh rể tôi có chiếc áo sơ mi vải pô pơ lin trắng Liên Xô, mặc sà sã hơn chục năm, lộn cổ đi lộn cổ lại, đứt cúc mấy lần, áo dài tay phải cắt thành ngắn tay bởi không thể vá mãi chỗ khuỷu bị dầy quá, màu trắng chuyển thành màu cháo lòng vàng khè, thế mà vẫn không dám bỏ. Tôi bảo, bác cứ giặt sạch, cất vào đáy rương, giữ như thứ kỷ niệm về một thời hãi hùng, đừng bỏ nhé, sau này lấy ra cho con cháu nó ngắm nếu đời nó khá hơn đời anh em mình. Chả biết bây giờ chiếc áo đầy dấu ấn “lịch sử thời đại” ấy có còn không.

Vâng, sau ăn mặc thì là nỗi khổ đi lại. Ở bài kỳ trước, tôi đã kể rằng phần đông dân chúng, ngay cả cái xe đạp cũng không có mà đi. Vậy nên ấn tượng khó quên sau khi đất nước thống nhất tháng 4.1975 là hình ảnh anh bộ đội miền Bắc buông súng trở về quê hương, trên ba lô thường cột thêm 2 món đồ rất phổ biến lúc bấy giờ: con búp bê nhựa to bằng em bé sơ sinh biết mở mắt nhắm mắt, và chiếc khung xe đạp. Hầu hết “chiến lợi phẩm” của bên thắng cuộc là hai món ấy. Búp bê dành cho con cái, cho người yêu, cho bạn gái, bởi miền Bắc chưa bao giờ thấy con búp bê lạ và đẹp thế. Xe đạp dành cho cả nhà, “niềm ao ước bấy lâu nay đã thỏa nỗi chờ mong”. Chỉ có điều, anh bộ đội nghèo, không đủ tiền mua cả chiếc xe, vả lại vận chuyển xe nguyên chiếc về tới quê cũng quá rắc rối, cước phí có khi còn hơn cả tiền mua xe. Vậy nên chỉ cần chiếc khung. Đa phần là khung thô, tức khung bằng sắt chưa sơn, chưa dán đề can, chưa có bất cứ thứ gì gắn vào. Đem về nhà đã, rồi từ từ nhặt nhạnh sắm sửa từng món, khi bộ săm lốp, khi cặp xích líp, lúc cái vành, lúc bộ đùi đĩa pê đan, gác ba ga, dây phanh… Bao giờ đủ thì đem ra tiệm cho thợ ráp vào. Có những chiếc xe nhãn hiệu “1975” phải mất cả năm mới lắp xong, chạy được. Hoàn thành, đem lên đồn công an huyện xin đăng ký biển số.

Tôi nhớ, năm 1976 bu tôi vét voi mãi mới đủ tiền nhờ cậu tôi ở ngoài phố Hải Phòng ra chợ Sắt mua giúp chiếc khung xe nữ miền Nam do con buôn đem về, hết hơn 120 đồng. Cậu lại nhờ người mua đủ phụ tùng lắp hoàn chỉnh xe, đem về giao cho thày tôi. Thày tôi không biết đi xe đạp, giao cho tôi. Tôi hớn hở chạy lên huyện, công an hạch hỏi mãi giấy tờ mua bán khung xe và phụ tùng, xem xét từng li từng tí có hợp pháp không, sau đó mới cấp cho chiếc biển số to bằng cái điện thoại iPhone 7 bây giờ. Tôi nhớ láng máng biển số có chữ HP và 3 con số kèm theo một chữ cái nữa, kiểu như HP-789X. Sau khi tôi vào Nam nhận công tác, xe được giao cho cô em gái, rồi về sau số phận nó thế nào thì không rõ.

Nhờ có miền Nam mà phần đông dân chúng đất Bắc mới sắm được xe đạp, dù cũng chả dễ dàng gì. Cũng như cái thời đầu thập niên 80, khi bia Vạn Lực, bát sứ hình hoa rau muống và xe máy Lifan, Daiyang từ Trung Quốc tràn sang, đám bình dân xứ Việt mới được làm chủ chiếc xe máy mà họ đã từng tuyệt vọng nghĩ rằng chẳng bao giờ mới sắm nổi, dù là hàng “sì cơn hen” (secondhand) do mấy chú thủy thủ Vosco đánh về. (còn tiếp)

Nguyễn Thông

5 nhận xét:

  1. Nhận xét này đã bị quản trị viên blog xóa.

    Trả lờiXóa
  2. Nhận xét này đã bị quản trị viên blog xóa.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Nhận xét này đã bị quản trị viên blog xóa.

      Xóa
    2. Nhận xét này đã bị quản trị viên blog xóa.

      Xóa
  3. Bác Thông nhầm rồi: Xe máy Lifan không phải những năm 80 đâu. Năm 2000 cơ mới tràn sang VN nhé

    Trả lờiXóa