Bạn bè

Tổng số lượt xem trang

Tìm kiếm Blog này

Thứ Năm, 30 tháng 5, 2019

Quần đùi

Một tờ báo tiếng Việt (chứ nếu báo tiếng Anh thì nói làm gì) viết bài kể rằng có vị Phó giáo sư mặc quần đùi lên phát biểu tại hội thảo khoa học quốc tế. Tút này không bàn tới chuyện khen chê mặc quần gì là hợp, mà chỉ lưu ý tới quần đùi.

Phải nói ngay rằng không phải mặc loại quần cứ lộ đùi ra thì gọi đó là quần đùi. Trong tiếng Việt ta đã có đủ từ ngữ để chỉ từng loại quần, chả cần phải sáng tạo thêm làm gì.

Nói toẹt ngay, từ "quần đùi" để chỉ loại quần lót, ngắn, bằng vải mỏng, dùng mặc lót bên trong trước khi mặc quần dài. Nó chỉ là quần lót, dùng cho đàn ông. Miền Nam gọi là quần xà lỏn. Ngày xưa ở miền Bắc, đàn ông không mấy ai mặc quần xi líp, quần xì, mà chỉ mặc quần đùi. Đối lập với quần đùi là quần dài.

Nói chung quần đùi-xà lỏn chỉ để mặc lót, còn nếu mặc nó không có quần dài phủ ngoài thì chỉ lúc nào ở nhà. Ngay đám trẻ con nông thôn khi xưa, dù rách rưới, thiếu thốn, không mấy đứa dám mặc quần đùi tới trường hoặc ra đường. Ngượng bỏ mẹ. Hồi tôi học lớp 5 (bằng lớp 6 bây giờ), một lần cả hai cái quần dài vải xanh kaki Nam Định đều bị ướt, tôi tặc lưỡi liều mặc quần đùi đến lớp. Đang thập thò ở cửa lớp nơi sơ tán bên làng Phương Đôi, tôi định lẻn vào cuối lớp nhưng cô Cúc giáo viên địa nhìn thấy, hiểu ngay ra "vấn đề", cô bảo hôm nay hình như em bị ốm (bệnh), cô cho em nghỉ, em cứ về đi. Một lần mà nhớ mãi. Trăm sự cũng tại cái nghèo.


Có một dạo, hồi năm ngoái năm xưa, báo chí ta cũng ồn lên chuyện GS Trương Nguyện Thành, Việt kiều Mỹ, hiệu trưởng Đại học Hoa Sen mặc "quần đùi" lên bục giảng bài. Lời ra tiếng vào, rồi sau cộng với vài chuyện xích mích, vị giáo sư này đành quay về Mỹ. Hiệu trưởng Hoa Sen bây giờ là cô Mai Hồng Quỳ, đương nhiên không thể xảy ra tình trạng mặc quần đùi giảng bài hoặc chủ trì hội họp. Nếu cô Quỳ bắt chước thầy Thành, tôi sẽ cố nộp đơn xin thi vào đại học Hoa Sen.

Thực ra, các nhà báo xứ này đã nhầm lẫn tai hại giữa quần đùi với quần soọc (short, có nghĩa là ngắn, ngoài Bắc gọi là quần soóc). Ngắn, chứ không phải đùi. Đây là loại quần tây, mặc cho gọn gàng, cho mát, nhưng vẫn lịch sự. Không mấy ai chê vận quần short là mất lịch sự. Các công chức thời Pháp, cứ vào mùa hè là mặc quần short, cả đi làm lẫn đi chơi. Cụ Hồ trong kháng chiến 9 năm lẫn khi về thủ đô làm chủ tịch cũng hay mặc quần short làm việc và tiếp khách. Chỉ có điều, thời ấy hơn bây giờ, là không có tờ báo nào tường thuật cụ mặc quần đùi. Đơn giản là người viết báo dù có dốt mấy cũng chả bao giờ nhầm lẫn giữa quần đùi với quần short.

Vốn tiếng Việt của các nhà báo bây giờ quả thật đáng báo động.

Nguyễn Thông

1 nhận xét:

  1. Gọn: Tiếng Việt gọi là quần cộc(cụt), nét nghĩa so sánh với quần dài. Thời Pháp thuộc, quần cộc của Tây, của thiếu sinh quân, của lính bảo an biến tấu từ quần tây(dài), vải dày, thường gọi quần sọt(sort). Gọi sort thực sự cũng không chính xác lắm. Vì sort chỉ có một nét nghĩa liên quan: hoàn cảnh sinh hoạt. Quần đùi, quần xà lỏn...là phương ngữ Trung, Nam bộ.
    Ông Trương Nguyện Thành xuất hiện trước sinh viên, tôi xem tỉ mỉ, có khi mặc quần cộc, có khi mặc quần sọt. Quần cộc thường may bằng vải mỏng, thoáng mát. Quần sọt thì luôn may bằng vải dày. Báo viết thì gọi GS "quần đùi". Báo nói thì gọi GS "mặc quần sọt ca-rô lên lớp". Thời nay, xuất hiện trước đám đông, dù viện dẫn mục đích gì, thì cũng không nên mặc quần cộc hay quần sọt; trừ khi mặc sọt để chạy việt dã vận động ủng hộ người nghèo, trẻ khuyết tật...hi... hi.

    Trả lờiXóa