Bạn bè

Tổng số lượt xem trang

Tìm kiếm Blog này

Thứ Năm, 5 tháng 9, 2019

Bác cả Năng (kỳ 3)

Hồi nãy có lẩn mẩn kể bác cả Năng lấy xe đạp lai (đèo) mình đi Thượng Đình. Cả hai lớp văn, văn A (lớp trưởng Lê Xuân Sang) và văn B (lớp trưởng Phạm Văn Sĩ, cả hai thủ trưởng đều sớm theo cụ Hồ), nếu tính đếm thật tỉ mỉ, may ra có độ chục chiếc xe đạp, trên tổng dân số gần trăm người. Mấy bác quân khu Thanh Hóa mặc dù là cán bộ cấp cao (lớp trưởng, lớp phó, bí thư đoàn, trưởng ban tự quản) nhưng có nhẽ dân xứ Thanh cũng nghèo, nên không mấy ai có xe. Không kể bọn con gái, vài đứa nhà khá giả cấp cho chúng ngựa sắt, còn phe đàn ông tôi liệt ra được các chủ thể “tuyên bố chủ quyền xe đạp” gồm: cụ Bùi Trọng Cường có chiếc Phượng Hoàng, cụ Nguyễn Ngọc Xuân chiếc Favorit, “thằng” Hoàng đen sở hữu chiếc xe nam cũng đen như chủ không chuông không phanh, xe này không ai dám mượn, mất mạng có ngày. Thằng Tân loe xài chiếc xe cuốc thể thao của Tiệp lốp bé tí như ngón tay, thằng Chương có một chiếc nhưng tôi không nhớ hiệu gì, hình như anh Hoàng Sĩ Chiến và anh Trần Nam Việt cũng có. Và tất nhiên trong đội ngũ địa chủ tầng lớp trên ấy có bác cả Năng.

Tôi ở cùng phòng với cụ Xuân nhưng suốt 4 năm rưỡi chưa hề mượn xe cụ lần nào. Phần vì đó là chiếc xe quý, quá đắt, màu xanh ngọc mới tinh, lỡ mất thì đền nhọc, về quê bán nhà cũng không đủ tiền đền; phần vì cụ kỹ quá, lau suốt ngày. Xe cụ Xuân để sát ngay cái tủ tường 2 ngăn dùng chung của cả phòng, cứ đi qua cụ lại lau một nhát, đi lại cụ thổi phù một nhát, bụi cũng chả còn chỗ đậu. Anh Cường còn nhận xét xe cụ Xuân lúc nào cũng bóng lộn lồn lồn. Mỗi sáng ngủ dậy, cụ lấy chiếc khăn mùi xoa phủ trên gối ra, hai tay cầm hai góc, phất một nhát, kêu phật, bao giờ đủ 4 phất 4 phật thì mới xếp vuông vắn. Tôi ở giường dưới ngước lên chứng kiến, hôm nào cũng như hôm nào, thấy mà kinh. Đố dám mở mồm mượn xe.


Xe Phượng Hoàng của cụ Cường cũng mới, cụ cũng khó tính và chi li phết. Cụ Cường không những là con nhà khá giả xứ Đoài Sơn Tây mà còn bộ đội đi học nên xe xiếc chả có gì ghê gớm. Không những xe, cụ Cường còn có đủ cả đồ sinh hoạt cao cấp, như cạp lồng 3 ngăn Liên Xô, dây mai so đun nước, xô tôn loại dày, máy quay đĩa Melodia… Thực ra, chả riêng gì cụ Xuân cụ Cường, ai thời ấy có xe đạp cũng thế thôi. Cho mấy ông ôn con mượn, nó đi thì ít, nó phá thì nhiều, nó chở con người yêu nó, vênh cái mắt lên giời chạy bất kể đường sá lởm khởm thì sớm muộn không sang vành, thủng săm, tuột đinh ka vét, cong gác đờ xen, thì cũng rơi nắp chuông, mất ốc này nọ. Xe có hỏng, lại mình móc tiền túi sửa chứ chúng nó trên răng dưới cát tút, tiền nước chè cô Xuyến con bà bu quán ngoài ngõ còn nợ dây tháng này qua tháng khác, chờ được nó sửa có mà mục thất. Tốt nhất cứ chặn trước, khó khăn tình đồng môn một tí, mất lòng trước được lòng sau.

Nhưng tôi vẫn dân vận, thực ra là chủ xe vận, được cụ Cường. Cũng phải lao tâm khổ tứ, khổ nhục kế lắm chứ không hẳn mưu mẹo giỏi giang gì. Tôi ký với cụ cái hợp đồng miệng, hằng ngày 2 cứ bữa chính trưa và chiều tối, tôi xách cạp lồng xuống nhà ăn lấy 2 phần cơm (chuyện chia cơm cũng phức tạp, nhạy cảm lắm, sẽ kể sau), đem về phòng, hai anh em ăn, ăn xong tôi bao luôn phần rửa bát, bù lại khi cần vào phố, cụ cho cưỡi xe Phượng Hoàng. Về sau nữa, khi chuyện cụ với chị Ninh bị trục trặc, cụ buồn một thời gian, tới khi anh Đỗ Xuân Chính người Thanh Trì về học chung với lớp mình, anh ấy giới thiệu cho cụ Cường cô em gái bán hàng ở hiệu thuốc trên thị xã Hà Đông. Cô này rất xinh, tôi nhìn dung nhan mấy lần. Cụ rủ tôi đi cho có bạn, cũng để đỡ run. Tôi bật mí với cả nhà là cụ Cường rất nhát gái, cứ ngồi một tí là ớ miệng ra không biết nói gì, chả nhẽ lại đọc thơ. Tới nơi, cụ vào “nhà” nàng, thực ra là cái phòng nhỏ phân cho nhân viên cửa hàng dược phẩm, còn tôi làm “nhiệm vụ” phóng xe Phượng Hoàng đi rảo thị xã Hà Đông khoảng 1 tiếng chờ rồi quay giở lại. Cũng chả biết đi đâu, tới hiệu sách thị xã, giả bộ ngó nghiêng tìm mua cuốn nọ cuốn kia, nhưng thực ra để có cái đọc giết thì giờ. Tới khi họ đóng cửa thì mình bái bai, quay lại điểm hẹn, bấm chuông kính coong mấy nhát kêu cụ Cường ra, hai anh em về, hệt như thầy trò Đông Ki Sốt và Săng Sô Păng Sa đi chính phục nàng Đuyn Xi Nê Đơ Tô Bô Giô. Vất vả tí nhưng có xe đi. Tướng Hoàng Cái nhà Ngô thời Tam quốc phải gọi khổ nhục kế của mình bằng cụ.

Người thứ hai tôi thỉnh thoảng mượn ngựa sắt là cụ cả Năng. Không có bất cứ điều kiện tiên quyết gì. Hình như chiếc xe này có từ thời cụ đi học trường cấp 3 Kiến An, cách nhà hơn chục cây số. Xe cũ mờ hết cả thương hiệu lẫn nước sơn nhưng chắc chắn, còn đủ cả chuông phanh. Đám thằng Tửu thằng Chiến trắng… cùng phòng không dễ gì mượn được, nhưng tôi thuộc đối tượng chính sách, đồng hương loại 1, bởi mỗi lần nghỉ hè, về quê vài ngày là tôi lại tếch sang thăm chào các cụ thân sinh cụ Năng bên xã Minh Tân, nên cụ quý cái tình, cụ tiếc gì chiếc xe. Mà cũng chỉ khi nào cần lắm, không còn 5 xu dính túi để diện tàu điện, thì tôi mới mò sang phòng cụ, tần ngần một tí, rụt rè một tí, thế là cụ cả hiểu ngay, đưa chìa khóa, dặn nhớ đi cẩn thận. (còn tiếp)

Nguyễn Thông

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét