Bạn bè

Tổng số lượt xem trang

Tìm kiếm Blog này

Thứ Tư, 11 tháng 9, 2019

Góp ý với các nhà báo (phóng viên, biên tập viên): Lũ lụt

Trời mưa lớn, đang định đi đám cưới mà cứ mưa trói buộc kiềm tỏa thế này. Phố xá ngập như sông, xe máy đương nhiên đầu hàng rồi, mà ngay cả ô tô cũng lần chần ngần ngại. Tôi gọi điện thỉnh chiếc Grab, nó bảo chú ơi ngập lụt hết rồi, chú thông cảm nhé. Tôi càu nhàu, tao phải đi đám cưới, kệ mày, mày cứ phải chở tao đến, không tao bắt đền. Nó cười trong máy, cháu chở chú thì cháu có tiền, nhưng lụt như kia thì cháu chịu, tiền tấn cháu cũng chịu.

Nghe nó nói, lại nghĩ tới nghề. Không phải nghề lái xe mà nghề viết, nghề báo, phóng viên, nhà báo, những người sử dụng tiếng Việt để kiếm ăn. Hóa ra họ còn thua cả anh lái xe Grab chỉ quen với vô lăng, đường phố.

Chả là mấy hôm nay miền Trung, nhất là 2 tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình bị mưa nhiều, lũ lụt. Sự nghiệp phá rừng để xây dựng chủ nghĩa xã hội đã hoàn thành, về đích sớm nhất, vượt kế hoạch, thậm chí đã phá sang… Lào, thì đâu còn rừng, tấm thảm xanh nữa để mà ngậm nước, giữ nước mưa. Sông suối bị tống quả bom nước biến thành dòng chảy dữ, lao về hạ lưu, biến cả vùng hạ du thành biển nước. Lũ đã gây ra lụt. Những vùng nông thôn ven sông vốn yên bình bỗng dưng thành túi nước, nơi chứa nước.

Chỉ có điều, các nhà báo yêu quý của chúng ta, giỏi cái gì thì chưa biết, nhưng rất dở tiếng Việt, dở thứ công cụ mà họ dùng hằng ngày, dở cái cần câu cơm của họ. Chả cần tinh ý, cứ coi tivi, nghe đài phát thanh, đọc báo in báo mạng, đều thấy họ nhất nhất gọi những vùng đang ngập nước là vùng lũ, kể cả những nơi bị mưa to ngập lụt, không liên quan gì tới lũ cả.

Nói có sách. Tra từ điển tiếng Việt sẽ thấy nghĩa của những từ liên quan. Mà có khi, chẳng cần từ điển cũng hiểu, bởi đó là kiến thức phổ thông. “Lũ” để chỉ trường hợp nước mưa lớn từ thượng nguồn đổ vào sông suối. Bỗng dưng chứa lượng nước quá khủng, sông biến thành dòng chảy hung dữ, tốc độ nhanh gấp trăm lần bình thường. Vùng núi độ dốc lớn hay có lũ quét, sông suối bị mở rộng ra, nước quét phăng tất cả chướng ngại trên dòng sông và hai bên. Có khi chỉ trong chớp mắt, lũ xuất hiện nhanh không ngờ, tàn phá cũng chớp mắt, không dây dưa kéo dài. Đã nói tới lũ là phải nói tốc độ, sức mạnh của dòng chảy và sức tàn phá khủng khiếp. Đó là lũ.

Lũ gây ra lụt, đương nhiên. Nước bị dồn xuống hạ du, xuống những vùng trũng, nước thoát không kịp thì lụt. Có những vùng do nước lũ đổ về, gọi là vùng lũ thì cũng tạm chấp nhận.

Nhưng với những vùng đồng bằng, vùng trũng dưới xuôi, chịu mưa lớn kéo dài, nước không thể thoát đi đâu, thì chỉ có thể gọi là bị lụt, vùng lụt. Lụt tức là ngập nước. Có nhiều nơi nước ngập kéo dài vài ba ngày, thậm chí cả tuần, khiến dân rất khổ sở. Huyện Chương Mỹ (tỉnh Hà Tây cũ) năm ngoái bị lụt nặng, nước ngập tới nóc nhà bởi là vùng trũng, mưa lớn quá, mà nước sông Hồng, sông Đáy, sông Tích, sông Đà khi ấy đều đã quá cao, báo động 3, nước ngập lụt không thoát ra được nữa. Một số vùng ở Quảng Bình mấy hôm nay cũng tình trạng vậy. Tuy nhiên các nhà báo ẩu, hoặc nghĩ mình là… nhà báo, viết bất cần biết đúng sai, cứ gọi tuốt là vùng lũ. Tệ nhất là có khá nhiều vị, ngay cả khi viết về ngập lụt ở đô thị, Sài Gòn hay Hà Nội, cũng tương luôn vùng lũ, mưa lũ. Hình như họ cho rằng phải gọi là lũ thì mới ấn tượng. Cả bác Phó thủ tướng Vương Đình Huệ cũng bắt chước nhà báo gọi là vùng lũ, đi thăm động viên dân vùng lũ. Chán bác quá.

Tái phím: Cuối cùng thì trời cũng tạnh, nhà cháu tới được đám cưới, gặp tinh người nổi tiếng, hì hì.

Nguyễn Thông

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét