Bạn bè

Tổng số lượt xem trang

Tìm kiếm Blog này

Chủ Nhật, 15 tháng 9, 2019

Chuyện bóng đèn phích nước

Tôi hơi bị xui. Chả là từ khá lâu rồi, cố lục lọi bộ nhớ già nua cũ kỹ, giống như thứ bộ nhớ của cái máy tính cổ lỗ sĩ 286 khi mới có ở xứ này, để biên “chuyện xưa tích cũ” về một thứ đồ dùng quen thuộc trong mọi gia đình hồi trước. Ấy là bóng đèn phích nước. Chưa kịp động phím, đùng một cái xảy ra vụ cháy Rạng Đông. Cả nước nhao nhao. Kể lại mấy thứ có liên quan dễ bị quy thành ăn theo lắm. Mà không kể thì đợi đến bao giờ.

Xứ ta, nói tới bóng đèn phích nước là nghĩ ngay đến nhà máy Rạng Đông. Suốt một thời gian dài, cái logo Rạng Đông in trên giấy, vẽ trên thủy tinh, dập trên nhôm, có ở tất cả sản phẩm bóng đèn, phích nước, đã tạo nên thời vàng son của nó. Đó là hình ảnh một nửa ông mặt trời đang nhú lên với những tia nắng hình rẻ quạt. Biểu tượng ấy theo Rạng Đông suốt hơn nửa thế kỷ, chui vào từng nhà.

Tôi không rõ lắm, bởi còn bé tí, nhưng biết chút ít, hồi những năm cuối thập niên 50, đầu thập niên 60 miền Bắc bắt đầu xây dựng các nhà máy xí nghiệp để thực hiện cách mạng công nghiệp hóa. Trong khi anh cả Liên Xô giúp súng đạn máy bay tàu bò để đánh nhau thì Trung Quốc gánh phần giúp phát triển sản xuất. Hầu hết nhà máy xí nghiệp mới, được ra đời thời kỳ này có sự giúp đỡ của “anh hai”. Cụ thể là cụm công nghiệp Cao Xà Lá gồm 3 nhà máy Cao su (Sao Vàng), Xà phòng (Hà Nội), Thuốc lá (Thăng Long) tại căn cứ địa Thượng Đình; nhà máy Bóng đèn phích nước (Rạng Đông) ở khu Hạ Đình. Thời ấy, từ Ngã Tư Sở trở ra chẳng khác gì ngoại thành, càng đi về Hà Đông càng thưa thớt nhà cửa, từ ga xe điện Cầu Mới trở ra chỉ tinh ruộng là ruộng. Đầu thập niên 70, tôi diện xe điện 5 xu, từ bờ Hồ về Mễ Trì, tới ga Cầu Mới, tàu chạy một mạch qua chợ Xanh thì còn thấy dăm ba ngôi nhà ven đường, chạy thêm nữa đường tàu chỉ ven theo ruộng lúa. Tàu dừng ga Thượng Đình cho sinh viên trường Tổng hợp và công nhân khu Cao xà lá (đối diện với trường, bên kia đường) xuống, chạy hơn cây số nữa tới ga Thanh Xuân.

Suốt dọc đường Thượng Đình - Thanh Xuân, qua luôn khu Hạ Đình, ruộng lúa xanh ngăn ngắt, trâu bò hộ khẩu thủ đô túc tắc gặm cỏ ven đường tàu. Giữa cánh đồng quê lúa nổi tiếng chỉ cấy trồng lấy gạo cho vua ăn ấy, giữa mênh mông là con đường thẳng tắp đôi bờ với hai hàng phi lao cao vút, nối khu Mễ Trì - Thanh Xuân, nơi đóng đô Trường đại học Ngoại ngữ, khoa Văn và Sử trường đại học Tổng hợp, Trường dân tộc Trung ương (nơi anh hùng Núp học), Trường trung cấp Nông nghiệp, với khu Thượng Đình. Thời ấy rất hiếm vườn hoa, công viên, mà công viên Thống Nhất hoặc đường Thanh Niên-Cổ Ngư thì quá xa, đi lại tốn kém thời gian, tiền bạc nên sinh viên các trường đổ về con đường xuyên đồng này mỗi tối. Họ gọi đó là đường tình, đường tình yêu, đường lên hạnh phúc. Có đứa còn ngâm thơ cụ Hồ “đường lên hạnh phúc rộng thênh thênh”. Ngồi tán nhau, nghe phi lao rì rào ca hát, thỉnh thoảng lại leng keng chuông tàu điện ngân vào, ngắm trăng non lên, nhìn xa xa vào nội thành quầng sáng mờ ảo, đúng là thiên đường, cấu nhéo nhau quên cả trời đất.

Một thời gian ngắn sau khi hình thành khu công nghiệp hoành tráng Cao xà lá, cũng ở vùng này, Liên Xô ra tay giúp xây dựng, trang bị cho ông em dại nhà máy cơ khí hiện đại nhất bấy giờ, gọi là Nhà máy cơ khí Trung quy mô. Có lẽ do ông Lê Duẩn đề xướng “Ưu tiên phát triển công nghiệp nặng một cách hợp lý trên cơ sở phát triển nông nghiệp và công nghiệp nhẹ, lấy công nghiệp cơ khí làm then chốt” nên ra đời nhà máy cơ khí hiện đại. Ca sĩ nghiệp dư Huy Túc nổi tiếng với bài “Chào em cô gái Lam Hồng” là công nhân của nhà máy cơ khí; anh cũng cùng thời với cô Ngọc Bé là thợ đầu máy toa xe công ty xe điện, hát rất hay (và chua chua) bài “Em là thợ quét vôi”, rồi cô Quỳnh Liên sinh viên Trường đại học Sư phạm Cầu Giấy cũng khá nổi tiếng với “Em đứng giữa giảng đường hôm nay”… Phải công nhận, những ca sĩ không chuyên thời đó hát hay bằng mấy những giọng ca thời thượng bây giờ.

Thơ văn cũng vậy, có những trường hợp nổi như cồn, chẳng hạn chị Lý Phương Liên, vốn chỉ là công nhân cơ khí, làm thơ gửi cho báo văn nghệ trung ương, báo đăng, vụt lên sáng chói. Thơ chị Liên mang cái hồn của công nhân, chân chất, thật thà, tình cảm. “Bạn bè em có nhiều ý lạ/Khi nói tới ca ba/Ca của những đêm hè trời đầy sao hoa/Ca của những đêm đông bập bùng bếp lửa/Còn em/Với niềm vui bé nhỏ/Em gọi ca ba là ca bình minh”. Sau chị Liên bị ông Tố Hữu trừng trị bởi viết bài “Nghĩ về Thúy Kiều” mà ông cho rằng ám chỉ bôi xấu chế độ. Những Đào Cảng, Thi Hoàng, Thanh Tùng, Nguyễn Tùng Linh, Nhật Tuấn, Võ Khắc Nghiêm… cũng vậy, đều xuất thân từ người lao động chân lấm tay bùn chứ chả phải dân chuyên nghiệp văn nghệ văn nghẽo gì, mà thơ văn thì hay lắm. Nhờ họ mà dân chúng mới có cái hay để đọc, chứ đợi đám các ông Nguyễn Đình Thi, Nguyễn Khải, Xuân Diệu, Hồ Phương… có mà mục thất. Hồi đó người ta truyền cho nhau câu “Xuân Diệu, Xuân Trường, Xuân tóc đỏ/Tú Xương, Tú Mỡ, Tú lơ khơ”, kể cũng không đúng lắm khi lôi cả cụ Tú Vị Xuyên vào.

Ngoài khu Cao xà lá, Trung Quốc còn giúp thằng em dại thêm nhiều nhà máy, xí nghiệp khác, như nhà máy gang thép Thái Nguyên, mà cụ Hồ gọi là biểu tượng của tình hữu nghị Việt - Trung; nhà máy sứ Hải Dương, tân trang máy móc cho nhà máy dệt Nam Định… Chỉ có điều, thời ấy nó (Trung cộng) đã rất láu cá, toàn đưa thiết bị lạc hậu sang giúp em, vận hành đã khó, lại rất tốn kém, sản phẩm làm ra chất lượng chả ra gì. Thép Thái Nguyên chỉ hơn chục năm sau đã cực kỳ lạc hậu. Người ta bấy giờ hay kể cho nhau nghe chuyện chuyên gia Trung Quốc chọn nơi đặt nhà máy sứ Hải Dương gần đường tàu lửa, tàu chạy ầm ầm suốt ngày đêm nên bát đĩa méo mó, xô lệch, ít khi tròn trĩnh, cứ dính bệt vào nhau. Còn đế chế công nghiệp Cao xà lá và Bóng đèn phích nước Rạng Đông thì khỏi nói, ô nhiễm vào hạng vô địch. Nạn nhân trực tiếp của không khí toàn chất độc, mùi xút, a xít, cao su, hơi thuốc lá, thủy ngân… không phải ai khác chính là người dân sống quanh đó, nhất là thầy trò Trường đại học Tổng hợp cơ sở Thượng Đình, và các khu tập thể công nhân của 4 nhà máy ấy. Bọn Tàu rất thâm, luôn đặt người khác vào sự đã rồi mà không làm gì được, thậm chí còn phải biết ơn nó. (còn tiếp)

Nguyễn Thông

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét