Trước khi kể, vòng vo chút đã, như các cụ ngày xưa bảo phải “nói có đầu đuôi”. Tất nhiên tôi không khề khà tới mức, kiểu thưa ông con tằm nó nhả ra tơ, người ta đem tơ bán cho người tàu, người tàu dệt thành the rồi bán sang ta, ông đi mua the về may thành áo… Tôi chỉ làm chút lý lịch trích ngang thôi.
Ông Hạnh là chuẩn tướng, sĩ quan cao cấp của quân đội Việt Nam cộng hòa, mà người cộng sản gọi là “quân đội ngụy, ngụy quân”. Ông được mặt trận (tức phe cách mạng) móc nối, dụ dỗ nên ngả theo cách mạng. Thời trước 1975 ở miền Nam có câu “Ăn cơm quốc gia, thờ ma cộng sản”, dạng này nhiều lắm, trong đó có ộng Hạnh. Ông Hạnh thuộc nhóm “ăn cơm” kiểu Nguyễn Thành Trung, Tôn Nữ Thị Ninh, chứ không thể xếp chung vào nhóm Phạm Ngọc Thảo, Phạm Xuân Ẩn, Đặng Trần Đức, Vũ Ngọc Nhạ… bởi những ông vừa kể ăn cơm cộng sản, giả vờ phụng sự quốc gia. Một dạng là tình báo, điệp viên, còn một dạng là hai mang, bề tôi thờ hai chúa.
Dân đen như chúng tôi tất nhiên trước ngày đất nước thống nhất chả biết gì về ông Ẩn, ông Nhạ, lại càng không biết những người như ông Hạnh. Chỉ sau năm 1975, chỗ này chỗ kia xì ra, có lúc um lên, nhà văn nhà veo ghi chép thì công tích, sự nghiệp của họ mới rõ dần. Người ta biết ông Hạnh chủ yếu ở những giây phút cuối cùng, khi ván bài đã chuẩn bị ù, ông giúp cho tướng Dương Văn Minh có những động tác và chỉ thị mang tính quyết định để… đầu hàng, có lợi cho cách mạng. Nói gì thì nói, chỉ cần một lời khuyên của ông Hạnh với tướng Minh khi ấy, đã cứu được hàng nghìn người, thậm chí cả vạn người khỏi cái chết, giúp cho Sài Gòn gần như còn nguyên vẹn. Tất nhiên cả ông Hạnh lẫn tướng Minh big đều không hình dung ra được về sau lời ca của nhạc sĩ Lưu Hữu Phước đã bị cải biên thành “tiến về Sài Gòn, ta chiếm nhà mặt tiền; tiến về Sài Gòn, ta chiếm nhà thật toooo…”.
Sau 1975, ông chuẩn tướng quân đội Việt Nam cộng hòa cũng được chính quyền mới lưu dung, cho ngồi vào bộ máy nhưng cũng chỉ ở thứ đoàn thể chính trị xã hội vô hại là mặt trận tổ quốc chứ chả có ghế gì quan trọng. Ông cũng không được bất cứ thứ cấp bậc gì trong quân đội, chỉ được gọi là nhân sĩ, như dạng ông Trịnh Đình Thảo, bà Ngô Bá Thành, ông Lữ Phương, ông Hồ Ngọc Nhuận… vậy.
Chuẩn tướng Nguyễn Hữu Hạnh mất ngày 29.9.2019, tuổi già, sinh lão bệnh tử, đã sắp cúng 49 ngày. Ai rồi cũng phải ra đi hầu trời, kể cả ông cách mạng, ông tình báo, ông hai mang, ông chiêu hồi, chả ai cưỡng lại được mệnh trời. Nếu cưỡng được, suất ấy các vị lãnh đạo trung ương cũng giành hết chứ chả tới phần dân đen, ngay cả ông Hạnh.
Hết phần “nói có đầu”, bây giờ kể tới “đuôi”. Chả là ngay sau ngày cụ chuẩn tướng quân đội nửa Sài Gòn nửa cộng sản mất, tôi nhận được cuộc điện thoại, lúc ấy đang mặc áo mưa, ngồi lên xe chuẩn bị ra khỏi nhà, đi có việc gấp. Nghe máy, một giọng già nhưng còn rõ “Thông à, anh đây”. Thú thực đã lâu tôi không nghe trong máy viễn liên giọng này, dường như đầu dây bên kia cũng hiểu sự lăn tăn ấy, lại tiếp ngay “Anh Năm dự bị đây”. Trời, thủ trưởng cũ của tôi gần 20 năm, thầy Nguyễn Văn Năm, hiệu trưởng Trường dự bị đại học TP.HCM. Ngày nhà giáo 20.11 năm nào chúng tôi chẳng gặp thầy, sao hôm nay có chuyện gì mà thầy chỉ đạo sớm thế. Thầy bảo, mày có biết Nguyễn Hữu Hạnh chuẩn tướng không. Tôi dạ, em biết chứ, em còn nhớ đã gặp ổng trong phòng làm việc của thầy mà, năm 1978. Thầy lại bảo, phải, tao kể cho mày nghe chuyện này, nỗi uất ức của ông Hạnh. (còn tiếp)
Nguyễn Thông
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét