K17 Văn Hán Ngữ chúng ta suốt 4 năm rưỡi ở Khoa Ngữ văn, Đại học Tổng hợp Hà Nội được học rất nhiều thầy cô. Tinh người giỏi (ấy là mình đang nói về thầy cô, chứ không phải về sinh viên - đám giặc). Những cây đa cây đề đinh lim sến táu gụ tếch hoàng đàn sưa… quý hiếm nhiều lắm, không thể kể ra đây hết được.
Mỗi thầy cô dạy một phần, mà hàng chục thầy cô, cho nên tới giờ tụi mình vẫn chưa tiêu hóa hết kiến thức là vậy. Có những thầy dạy vài chục tiết, thậm chí có thầy kéo dài cả năm trời. Thầy Hà Minh Đức, thầy Nguyễn Trường Lịch, thầy Nguyễn Kim Đính, thầy Chu Xuân Diên, thầy Hoàng Xuân Nhị, thầy Trương Quang Chế, cô Ngô Anh Thơ (mình kể bên văn thôi) là những thầy cô gắn bó lâu dài với đám giặc chúng ta. Có những thầy dạy ít, chẳng qua do ít tiết, như thầy Đỗ Ngoạn, thầy Huy Liên, thầy Trần Vĩnh, thầy Đinh Gia Khánh, cô Đặng Thị Hạnh, thầy Lý Tân Hoa, thầy Nguyễn Tài Cẩn, thầy Hoàng Trọng Phiến… Nhưng có lẽ ít tiết nhất là thầy Bùi Thanh Quất.
Thầy Quất hồi ấy còn trẻ, chỉ độ ngoài 30. Người thấp nhỏ, ngược hẳn với thầy Lê Chí Quế cao hoặc Nguyễn Văn Khỏa to. Gương mặt chữ điền. Hôm thầy vào lớp, giọng nhỏ nhẹ, nghe thầy tự giới thiệu là giảng viên môn logic học, tôi giật mình. Từ thuở cha sinh mẹ đẻ tới giờ chưa hề biết môn logic học mặt mũi nó thế nào, ngô khoai ra sao. Nhưng giờ thì biết mặt thầy Quất, và được nghe những câu chuyện về cuộc đời truân chuyên của thầy. Đại loại thầy thuộc nhóm sinh viên xuất sắc được sang làm phó tiến sĩ ở Liên Xô. Gặp trúng lúc Liên Xô diễn ra “tự chuyển hóa” như bên mình bây giờ, thời đó gọi là chủ nghĩa xét lại Khơ Rút Sốp, đám sinh viên, nghiên cứu sinh Việt Nam bị nhà nước lôi tuốt về, sợ “chúng” chịu tiêm nhiễm, ảnh hưởng. Có một dạo dư luận cứ bảo họ bị Liên Xô đuổi về, thực ra không phải. Chính nhà nước Việt Nam bắt ép phải về, dù có người sắp bảo vệ luận án, có người đã học xong năm thứ 3. Thầy Quất là một trong số ấy. Những trí thức thuần túy thường cam chịu lệnh của nhà nước, không như những ông Hoàng Minh Chính, Nguyễn Minh Cần, Đỗ Văn Doãn, Lê Vinh Quốc… có dính tí chính trị nên khôn ngoan hơn, bỏ đảng luôn, hoặc trở về vẫn bảo toàn được chức vụ. Những người như thầy Quất về nước chịu khổ chịu sở, bị nghi ngờ, theo dõi, để xem máu xét lại đã ngấm tới đâu rồi.
Công nhận môn logic của thầy Quất quá mới lạ và khó học. Chỉ có những anh chị nào tư duy xuất sắc, thông minh vốn sẵn tính trời, suy nghĩ chặt chẽ rành mạch mới ngốn được nó. Thằng Phạm Văn Bích học logic như chơi mà điểm rất cao. Tôi vốn ham chơi, chỉ giỏi… trai gái và trốn học, nên suýt bị thi lại môn thầy Quất. Môn của thầy có hơn chục tiết, thú thực tới giờ tôi vẫn chẳng nhớ mình đã nạp được tí logic nào trong đầu chưa. Nhưng thầy Quất, thầy Bùi Thanh Quất thì tôi vẫn nhớ. Nhất tự vi sư, huống hồ mình ngồi nghe thầy giảng hơn chục tiết, nếu tính cả những tiết trốn học có nhẽ phải gần 20 tiết.
Sau này vào đời, lờ mờ hiểu được logic là dạng thế này:
Một giáo sư dạy logic học bị mất kính. Ông bèn suy luận: Ai lấy cắp? Đương nhiên là kẻ cắp rồi. Và tên này có thể bị cận thị, cũng có thể không. Có thể hắn đã có kính, cũng có thể chưa có. Nhưng nếu chưa có thì làm sao hắn trông thấy kính của mình? Tức là hắn không bị cận thị. Mà không bị cận thị thì đâu cần tới kính.
Từ những giả thuyết trên, có thể kết luận rằng không ai lấy kính của mình cả. Chắc chắn nó nằm ở đâu đây thôi. Nhưng mình đã tìm khắp rồi, không thấy gì. Mà mình nhìn được như vậy thì có nghĩa là mình không mất kính.
Ảnh của thầy Đinh Văn Đức và thầy Phạm Quang Long, chụp với thầy Bùi Thanh Quất.
Tôi năm nay cũng là U80,từ sau năm 75 cho đến tận bây giờ cứ mãi chịu thua cái mà nhà nước VN gọi tên là LOGIC.Nghe đâu lại còn có môn Logic học.Logic là sao?Xin ai thông minh giải thích giùm rất cám ơn.Chúng ta biến chữ nầy thành quốc ngữ hay sao? Các GSTS ngôn ngữ học không cách nào tìm ra từ thay thế chăng?Hiện nay môn học nầy được dạy ở trường nào?
Trả lờiXóa