Hồi tôi còn nhỏ, học cấp 1, cấp 2 ở miền Bắc những năm thập niên 60, cũng từng nhặt nhạnh đủ thứ, cũng nô nức phong trào, gọi là kế hoạch nhỏ. Nhưng chả bao giờ nghĩ tới chuyện bảo vệ môi trường, mà chỉ một phần do đoàn-đội phát động, ra chỉ tiêu, không thể không tham gia, phần khác bán mấy thứ ve chai sẽ có tiền mua bút chì, mua kẹo, dù “thu nhập” chả bao nhiêu. Giờ nghĩ lại, thời ấy cái gì cũng thiếu, nên chẳng bỏ đi thứ gì. Người lớn thì “dọn tí phân rơi, nhặt từng ngọn lá/mỗi hòn than, mẩu sắt, cân ngô/ta nâng niu gom góp dựng cơ đồ”, còn trẻ con thì suốt ngày lùng sục, tìm bới, nhặt nhạnh bất cứ những gì có thể bán được, nộp được cho kế hoạch nhỏ. Những loại “hàng” chính là giấy vụn, sắt vụn, mảnh chai (thủy tinh), tóc rối, lông gà lông vịt, giẻ rách. Hồi đó gọi mớ phế thải là chè chai đồng nát, bây giờ người ta nói gọn bằng tên cụt lủn ve chai. Thỉnh thoảng lại nghe ngoài đường làng mấy bà quang gánh vừa đi vừa rao “Ai lông ngan lông gà lông vịt đồng nát giẻ rách bán không”, “Ai chè chai đồng nát bán không”, “Ai chè chai đồng nát nào”. Bây giờ cũng có người thu mua như vậy, chỉ khác một chút là đội ngũ đã được trẻ hóa chứ không chỉ thuần bà già, rao cũng khác, theo ngôn ngữ thời đại: “Ve chai bán không”.
Hôm vừa rồi, nhà có mấy vỏ chai thủy tinh, cái đựng nước mắm, cái chứa mật ong, còn lành lặn cả, tôi gom một túi, chờ bà ve chai lượn qua thì dúi cho. Thời này đâu phải thời chú Hỏa mà bán với biếc. Ai ngờ tới lúc bày tỏ thiện chí, cô ve chai còn trẻ chỉ ngoài 30 lắc đầu, bác ơi, cháu chỉ mua báo cũ, sắt vụn, lon bia vỏ nhựa thôi, chứ chai lọ thủy tinh giờ chả ai thu gom đâu, bác có cho cháu cũng chả lấy làm gì. Đúng là thời buổi đổi thay ghê thật, ngày xưa đám trẻ con, học trò chúng tôi mà được mớ thủy tinh này thì phải biết. Thậm chí có đứa tới kỳ nộp chỉ tiêu kế hoạch nhỏ rồi mà ngó đi ngó lại trong nhà không có thứ gì thừa bỏ, bèn lén đổ chai mắm ăn dở ra cái bát ô tô, giấu thày bu chiếc vỏ chai đem đi nộp.
Trong sách Tập đọc lớp 2 có bài nói về “ve chai”, tên “Mảnh thủy tinh kể chuyện”, đứa nào cũng thuộc. Chuyện rằng “Tôi là mảnh thủy tinh/Xưa kia ngoài bãi rác/Sau nhờ bạn học sinh/Thu nhặt về thành đống/Rồi đưa vào trong xưởng/Được các bác công nhân/Lao động rất chuyên cần/Biến chế thành chai cốc”. Học xong bài đó, thày Lương khuyên bọn học trò lùng sục hết bờ tre gốc dứa trong làng, hóa ra gom được một đống tướng, nộp kế hoạch nhỏ. Sau này lớn lên, tôi cứ nghe người ta nói học phải đi đôi với hành, ngẫm lại thấy thầy Lương và bọn học trò vắt mũi chưa sạch đã thực hiện nghiêm túc từ đời nảo nào rồi, chả cần lý luận.
Vẫn hồi nhỏ. Bu tôi thuộc thế hệ phụ nữ răng đen ăn trầu, vấn khăn mỏ quạ. Tới chị tôi thì răng trắng, chẳng trầu chẳng cau, như mọi cô gái tân thời. Bây giờ người ta vẫn trồng cau, nhưng không phải để cho các bà ăn trầu, mà bán sang Trung Quốc. Không ai vấn khăn mỏ quạ nữa bởi tóc ngắn dài đủ kiểu. Lại nhớ, mỗi khi chải đầu hoặc gội đầu, cả bu lẫn chị đều gom nhặt hết những sợi tóc rụng, cuốn lại thành bối nhỏ, giắt lên mái hiên. Đợi được một mớ kha khá, hôm nào vừa nghe tiếng rao ngoài đường “tóc rối bán không”, tôi lập tức lục lọi lôi xuống không sót bối nào. Tóc rối được giá nhất so với giấy vụn, sắt vụn, mảnh chai. Có hôm bán được hẳn 2 hào, tờ giấy bạc màu xanh. Ngầm giục bu, giục chị rụng cho nhiều tóc để mình có thứ bán, ác thế. Lẩn mẩn hỏi thày tôi, người ta mua tóc rối làm gì hở thày, thủ trưởng bảo nghe nói để xuất sang Hồng Công, làm tóc giả. Cái thời thật lạ, thứ gì cũng xuất biên sang Hồng Công, từ con lợn sữa, buồng chuối, quả dưa chuột, tới cả mớ tóc rối chè chai đồng nát. (còn tiếp)
Nguyễn Thông
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét