Bạn bè

Tổng số lượt xem trang

Tìm kiếm Blog này

Chủ Nhật, 17 tháng 11, 2019

Nhạc và nhạc

Dư luận đang um về phát ngôn của ông nhạc sĩ phong trào Trần Long Ẩn. Cũng chưa rõ ổng có nói hẳn vậy không, chỉ thấy trên mạng xã hội và vài tờ báo, nhưng sự phản đối thì khá quyết liệt. Ai muốn biết ông Ẩn Long nói gì, cứ vào gu gồ gõ chữ Trần Long Ẩn thì ra ngay kết quả, nhà cháu không mất công thuật lại.

Chỉ nói riêng rằng, ông này có nhẽ được mỗi bài Tình đất đỏ miền Đông, còn những bài viết về sau, như Một đời người một rừng cậy, Đi qua vùng cỏ non... chỉ tinh lý sự, triết lý vớ vẩn, chẳng hạn "khi nghĩ về cuộc đời, tôi thường nghĩ về rừng cây", "ai cũng chọn việc nhẹ nhàng, gian khổ sẽ dành phần ai"... nghe rất chối, nổ mìn vào lỗ tai. Mọi người cứ thử ngẫm mà xem, không phải cứ hô hào triết lý mà ra lẽ đời đâu. Anh nào càng kêu to, càng nói lắm, càng rỗng tuếch. Ngược lại, đọc những ca từ của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn mà coi, không hề lên giọng dạy dỗ, lý sự, nhưng câu nào chữ nào cũng là chiều sâu cuộc đời, là thân phận con người. À, mà thôi, đem so ông Ẩn Long với cụ Trịnh, quá khập khiễng.

Nhân tối hôm qua "bàn" về âm nhạc, lại nhớ chuyện này.

Có một hôm, tôi ngồi lai rai với các đồng nghiệp, cả bắc cả nam. Mọi người bảo bây giờ đến tiết mục hát. Mấy anh Đoàn Khắc Xuyên, Nguyễn Duy Thông cười bảo ông Thông hát một bài nghe coi. Các bác ấy thừa biết giọng thuốc lào của tôi thì hát hò cái gì. Nhưng họ không biết gót chân Asin mà tôi giấu kín. Cái kim bọc giẻ lâu ngày cũng ra. Nhà báo Bùi Anh Tú cùng dân bắc như tôi buột mồm anh Thông chỉ biết nhạc đỏ thôi, muốn hát nhạc đỏ thì anh ấy chơi được, chứ nhạc khác thì chịu.

Quả thật, tôi chỉ biết thứ nhạc đỉnh cao thời đại như Sài Gòn quật khởi, Chào em cô gái Lam Hồng, Năm anh em trên một chiếc xe tăng, Người đi xây hồ Kẻ Gỗ, Lời Bác dặn trước lúc đi xa, v.v.. chứ những bài khác, kể cả của Trịnh Công Sơn, Lam Phương, Phạm Duy, Hoàng Thi Thơ, cả bolero... đành chịu, dù giờ đây ai cũng biết. Thế hệ tôi là vậy. Hát cũng như cái máy.

Tôi thú thật với các anh Khắc Xuyên, Duy Thông - những người sinh ra và lớn lên ở miền Nam, các anh ạ, nhạc miền bắc gần như 99% chỉ có chủ nghĩa anh hùng cách mạng, ca ngợi đảng bác, ca ngợi tập thể, căm thù, máu lửa. Ngay cả yêu nhau, gặp em, trên cao lộng gió, rừng Trường Sơn ào ào lá đỏ, em đứng, đứng ở ven đường, như quê hương, vai áo bạc, quàng súng trường, tới thế là riêng tư hết mức rồi. Còn muốn đi sâu vào tâm trạng, niềm vui nỗi buồn, chia ly xa cách, khổ đau giờn hận... cá nhân thì chỉ có nhạc miền Nam thôi. Miền Bắc không có nhạc tâm trạng, chỉ có nhạc khẩu hiệu. Khi hết phong trào thì tự dưng nó tắt bởi đã xong nhiệm vụ của nó.

Đó là sự khác nhau giữa hai nền nghệ thuật. Một nền vì đảng, một nền vì con người.

Thời gian như dòng sông trôi, thứ gì của con người sẽ sống mãi, trong mọi hoàn cảnh. Thứ của đảng, may lắm chỉ xuân thu nhị kỳ vang lên trong những kỳ lễ hội trên... tivi.

Nguyễn Thông

3 nhận xét:

  1. Một nền vì đảng, một nền vì con người.Thời gian như dòng sông trôi, thứ gì của con người sẽ sống mãi, trong mọi hoàn cảnh. Thứ của đảng, may lắm chỉ xuân thu nhị kỳ vang lên trong những kỳ gio chap trên... tivi.

    Trả lờiXóa
  2. Một thiên tài về âm nhạc như Văn Cao mà sống dưới chế độ cộng sản thì vẫn bị mai một và cả những năm dài sống ở miền bắc ông không có một sáng tác nào để đời. Đến sau 1975 ông mới sáng tác bài mùa xuân đầu tiên. Nhưng nhiều năm bị kềm hãm nên từ âm điệu đến ca từ cũng thấy tù túng. TCS,PD, NVĐ,... có những nhạc phẩm để đời và phát huy được thiên tài của họ cũng là nhờ sống dưới chế độ VNCH! Như vậy, đến bây giờ mới biết "ai giải phóng ai" nhé!

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Vì vậy, Ẩn tham mưu làm “giải phóng tập sau”

      Xóa