Lại nhớ, gần 70 năm trước, xứ này chịu nạn, vướng tấn bi kịch khủng khiếp, tới giờ vẫn còn ám ảnh sau bao thế hệ. Đó là trận cuồng phong tàn phá tận gốc xã hội và con người, chính quyền gọi nó bằng cái tên cuộc cách mạng long trời lở đất, nói nôm na là cuộc cải cách ruộng đất.
Nhà cầm quyền làm gì họ cũng cho là đúng, không có sai. Khi họ tổ chức đấu tố và bắn giết, hệ thống báo chí vừa ca ngợi "chính nghĩa cách mạng", vừa a tòng a dua với súng đạn, lên án các bị cáo, góp phần không nhỏ vào sự giết người man rợ. Mỗi chữ như một đọi máu. Nhan nhản những bài kiểu "Địa chủ ác ghê". Trong hoàn cảnh ấy, không ai có thể cãi lại được chuyên chính vô sản và báo chí một giọng. Tới khi cải cách ruộng đất hiện nguyên hình là cỗ máy chém tàn bạo, phải sửa sai, người ta nhận ra rằng báo chí đã tự bôi gio trát trấu vào mặt nó, vết nhơ đầy máu không thể nào rửa sạch.
Chả biết sau gần 2/3 thế kỷ, báo chí có rút ra được bài học gì không, hay nó lại là cái loa cho chính quyền trong vụ Đồng Tâm, bất cần chính nghĩa, công lý, đúng sai; lại bôi những vết nhơ máu mới khi vết cũ vẫn chưa sạch.
Tẩy chay những tờ báo cùng giọng với bạo quyền về vụ Đồng Tâm là điều cá nhân tôi nghĩ tới và thực hiện. Chỉ có được, chứ chả mất gì, nếu có mất chỉ mất sự bực bội.
Một vết nhơ đáng xấu hổ, đầy máu và nước mắt như vụ Đồng Tâm mà còn bới ra, lôi ra xét xử, bất chấp phải trái, bất chấp dư luận và lòng người, thì các vị đừng có dẻo mồm kêu gọi dân chúng cùng tiến lên xã hội công bằng dân chủ văn minh với các vị nữa.
Nếu giỏi, hãy tổ chức xử những người dân Đồng Tâm ngay ở làng Kình cho dân địa phương bày tỏ thái độ với các bị cáo, công khai cho cả nước biết “tội ác” của họ, các vị có dám không.
Tòa ở trong lòng dân chứ không phải trong vòng vây của cảnh sát.
Nguyễn Thông
vụ Đồng Tâm là một vụ bọn phản động nhảy vào xuyên tạc và chống phá rất nhiều
Trả lờiXóa