Nói tới Trần Phương nhiều người không biết dù ông rất nổi tiếng, nghệ sĩ nhân dân. Ở ta nghệ sĩ nhân dân hơi bị nhiều, đạo diễn diễn viên lại quá nhiều nên sự không biết cũng chả nên trách. Nhất là thời gian đã trôi đi cái chặng ông nổi tiếng cũng mấy chục năm rồi. Nhưng đám chúng tôi, thế hệ đẻ vào thập niên 50 và cả 60, 70 nữa thì chả mấy đứa không thấy ông. Có khi chưa rành về diễn viên Trần Phương nhưng đảm bảo nắm chắc nình nịch về anh chàng A Phủ trong bộ phim có tên “Vợ chồng A Phủ”. Nhiều lúc chúng tôi đùa nhau lứa mình là lứa A Phủ, mặc quần thủng đít đi xem A Phủ. Vì vậy, bây giờ nhiều khi thấy buồn cười và vui vui khi nghe mấy đứa con gái bảo “này, để Mỵ nói cho mà nghe”. Sức sống của nhân vật văn chương thật lâu bền. Hình như mặc nhiên những cái tên A Phủ, Mỵ đã là thứ riêng, không đụng hàng. Giả dụ giờ có đứa con gái nào bố mẹ nó đặt cho tên là Mỵ, người ta cũng cứ quy vào vợ chồng A Phủ, làm gì có Mỵ thứ 2.
Những năm đầu thập niên 60, cứ chiều tối cuối tuần là bọn ranh con chúng tôi vội vội vàng vàng, tay năm tay mười, làm qua quít mấy việc quét sân, rút rơm, cho trâu ăn, đun nồi cám lợn…, đánh tiếng vài câu học bài cho người nhớn biết, rồi biến. Hôm nào sân kho hợp tác chiếu phim thì còn thong thả chờ nhọ mặt người mò tới, chứ hôm lên huyện xem thì phải đi thật sớm, trèo qua đèo núi Đối, lần men khe núi, nép vào rặng bạch đàn, trốn xuống bãi. Vất vả nguy hiểm nhưng tiết kiệm được một hào tiền vé. Một hào to lắm đối với đứa trẻ như tôi bởi chả bao giờ trong túi có tới 5 hào. Hóa ra mình đã thực hiện chủ trương tiết kiệm, đồng thời gian dối tham nhũng ngay từ tuổi thò lò mũi xanh. Có đôi lần bị bảo vệ bãi chiếu bóng tóm được, họ đá đít cho vài phát, xong đuổi vào sân.
Phim coi từ dạo ấy, tới nay đã hơn nửa thế kỷ, nhớ lại vẫn rạo rực. Đành rằng tinh những ta thắng địch thua, nhưng sao mà khoái thế. Tất nhiên “Vợ chồng A Phủ” chiếm vị trí đầu bảng, sau nữa là Không nơi ẩn nấp, Con chim vành khuyên, Chị Tư Hậu, Biển lửa, Lá cờ chuẩn, Người chiến sĩ trẻ, Kim Đồng, Nổi gió… Xem đi xem lại không chán. Muốn xem phim Liên Xô, Trung Quốc, phải ra rạp ngoài phố. Công nhận, hồi ấy đạo diễn ta cũng giỏi, diễn viên ta diễn cũng hay, hay hơn sau này, hơn cả bây giờ.
Trần Phương đóng vai A Phủ thật hợp. Cái mặt rắn rỏi, gân guốc, mắt như có thép, hai cánh tay cứng cáp, đúng như cụ Tô Hoài viết trong truyện “đứa nào lấy được thằng A Phủ bằng nuôi được mười con trâu mộng”. Giả dụ bây giờ làm lại phim về A Phủ, chọn được diễn viên kể còn khó hơn đường vào nước Thục (Thục đạo nan). Khi A Phủ bị thằng A Sử loẻo khoẻo trói, vụt sợi roi da trâu vào mặt, có đứa đang xem hô lên, A Phủ, đánh bỏ mẹ nó đi, bởi nghĩ đơn giản việc gì mà A Phủ kính yêu chả làm được.
Mấy hôm bác Trần Phương 90 xuân mất, thiên hạ, báo chí nhắc đi nhắc lại phim “Vợ chồng A Phủ” và vai của bác Phương, tuy nhiên lại hơi lơ đễnh quên một vế rất quan trọng, là Mỵ. Có A Phủ mà không Mỵ thì cũng vứt, cao lắm được nửa phim là cùng. Không mấy ai nhớ tới người đóng vai Mỵ, hồi xưa gọi là diễn, nữ diễn viên Đức Hoàn. Mấy “nữ hoàng” thời ấy như Thụy Vân, Trà Giang, Phi Nga, Đức Hoàn đã tạo nên sự “vang bóng một thời”. Cái đôi mắt hơi xênh xếch của Đức Hoàn khiến đám trai làng chết như ngả rạ. Sau này có nhẽ chỉ cô Ái Vân là sức thu hút ngang cơ. Đã nhắc tới bác Trần Phương, đừng eo hẹp chi mà không biên cho cô Mỵ - Đức Hoàn vài chữ, người góp phần quan trọng tạo nên thành công của phim, huống hồ đó còn là một phụ nữ xuất sắc, cả diễn và đạo diễn (cũng đa hệ như bạn diễn Trần Phương vậy), tài năng và vẻ đẹp của một thời, tất nhiên ở miền Bắc. (còn tiếp)
Nguyễn Thông
phim hay sẽ có nhiều người coi
Trả lờiXóa