Suốt cả năm nay, ở nước này, ngoài cuộc mưu sinh miếng cơm manh áo bắt buộc, người ta đã dành quá nhiều thời gian, sức lực, vật chất, tinh thần vào việc tổ chức đại hội đảng. Dù nó chỉ là một đoàn thể, một lực lượng chính trị nhưng nó đã làm cả xã hội bận bịu, tốn kém, mất thì giờ.
Tôi nhận thấy, không có thể chế nào thích họp hành như thể chế của những người cộng sản. Những năm 1920, nhà thơ cộng sản nổi tiếng V.Maiacovski của nước cộng sản khởi thủy Liên Xô (nay chỉ còn cái bóng) cũng phải thừa nhận cộng sản là “những người loạn họp”. Không ở trong chăn sao biết chăn có rận.
Xứ ta lâu nay họp là thứ đặc sản, là “một phần tất yếu của cuộc sống”, thậm chí đến mức tạo ra suy nghĩ thiếu nó là chết. Họp nhiều hơn cả sao trên trời. Họp từng tháng, từng quý, họp nửa năm, cuối năm; họp sơ kết, tổng kết; họp bình bầu, kiểm điểm; họp đánh giá khen ngợi, rút kinh nghiệm; họp cấp cơ sở, cấp xã phường, cấp quận huyện, cấp tỉnh thành, cấp bộ ngành, cấp đoàn thể, cấp trung ương; họp kín, đột xuất, công khai; họp nội bộ, họp mở rộng; họp giáp mặt, họp trực tuyến 4 chấm 0… Có những bộ máy được lập ra chỉ có nhiệm vụ họp, ngoài ra chẳng làm gì khác, chỉ thẳng lưng, lấy lý do chuyên về lý luận, vạch đường chỉ lối, đầu não, “một người hay lo bằng kho người hay làm”. Họp hành, hội nghị chán chê, sau đó mở đại hội. Đại hội trù bị xong mới tiến hành đại hội chính thức. Huy động không biết bao nhiêu mà kể nhân lực, vật lực vào chuyện họp hành bầu bán. Mà để làm gì, chỉ để ra thứ kết quả đã được ấn định trước, đã được sắp xếp kín với nhau. Sẽ “thành công tốt đẹp” hết. Tất cả tệ nạn họp hành ở xứ này đều bắt đầu từ đảng.
Không kể các lực lượng, bộ ngành, chỉ riêng 63 tỉnh thành đã phải tổ chức 63 cái đại hội đảng, mỗi đại hội ít nhất phải vài ba ngày, với mấy trăm đại biểu, chưa kể hàng trăm khách mời. Tỉnh Hà Nam được chọn tiên phong, vừa đại hội xong, chắc trên cũng có ý cho một anh làm trước rồi rút kinh nghiệm, sau đó thì đồng loạt đại trà. Tôi ngó cái đại hội của Hà Nam, quê cụ Nguyễn Khuyến vốn nổi tiếng là người giản dị lão thực tiết kiệm, mà ngán ngẩm.
Nhìn các đại biểu, ai cũng xúng xính đồng phục (chỉ trừ đại biểu lực lượng vũ trang). Nam thì com lê ca vát, nữ thì áo dài đỏ nhạt, tất cả giống nhau chằn chặn. Không nói ra, ai cũng biết bộ đồ vía đó vừa được may cho đại biểu. Tôi từng dự họp chán chê lần rồi, thừa biết không cá nhân nào phải trả tiền cho bộ trang phục ấy cả. Đã có ngân sách.
Cái sự trang trí của xứ này, thiên hạ đã kêu thấu tận trời về sự màu mè, lòa loẹt, tốn kém, hình thức, thiếu thẩm mỹ. Chả khó nhận ra, tất cả hội trường, sân khấu các đại hội đảng, từ cấp xã trở lên, đều chung một phom (form). Cờ phướn, băng rôn, khẩu hiệu xanh đỏ tím vàng ngập tràn. Trên giời dưới hoa, giống như nhà có đám chứ không phải nơi họp hội. Bàn ghế chăng bít vải lụa sặc sỡ trông như sân khấu tuồng. Cái phom này, lỗi không phải do nơi tổ chức đại hội mà do mấy ông bà cấp trên thiết kế. Chả hiểu sao những đầu óc như thế mà làm lãnh đạo được thì cũng lạ.
Lại nhớ câu chính các vị ấy nhân danh cách mạng tố cáo tội ác của thực dân Pháp: Bòn khố rách sắm dù sơn kiệu/Hút máu dân làm rượu làm trà. Nay chính họ lún sâu vào cái vế xe đổ đó một cách nhâng nháo.
Tôi muốn hỏi tất cả những ông bà là đại biểu dự đại hội đảng:
-Có nơi nào trên thế giới, đảng cầm quyền tử tế họp hành nhiều vậy không?
-Có đảng cầm quyền tử tế nào ngang nhiên chiếm ngân sách để chi tiêu riêng cho đảng mình không?
-Có đảng tử tế nào trọng hình thức, màu mè hoa hòe hoa sói đến mức vậy không?
Tôi chỉ hỏi bấy nhiêu thôi, còn ai muốn vấn nạn thêm thì đi gặp đảng mà hỏi.
Nguyễn Thông
Ảnh: Đại hội Đảng bộ tỉnh Hà Nam và Đảng bộ huyện Nam Đàn vừa “thành công tốt đẹp”
làm gì mà cũng phải có tiền chi phí chứ
Trả lờiXóa