Hôm trước nói tới đâu rồi nhỉ. Chuyện dân quân xã tôi (xã Thụy Hương, huyện Kiến Thụy, TP.Hải Phòng) tháng 11.1967 trực chiến trên đỉnh núi Chè, dùng súng trường góp đạn vào việc bắn rơi một chiếc tàu bay AD6 lặc lè bom bay ngang qua. Thấy ông Nam lùn trung đội phó dân quân còn kể ngồi trên đỉnh núi ngó rõ mồn một thằng phi công trong buồng lái. Bắn rơi máy bay hiện đại của Mỹ bằng súng trường, như chuyện thần thoại. AD6 vốn là loại máy bay ném bom phổ biến hồi những năm đầu chiến tranh phá hoại miền Bắc. Chính tướng phi công Nguyễn Cao Kỳ cũng từng cưỡi một chiếc AD6 bay ra thả bom xuống thị xã Đồng Hới (Quảng Bình) bị trúng đạn cao xạ sém chết, may mò về lại được sân bay Nước Mặn (Đà Nẵng). Chả biết hồi thập niên 90 ông ta được mời về nước để hòa giải hòa hợp dân tộc, có ai nhắc lại với ổng chuyện này.
Xã Thụy Hương với thành tích liên quan tới súng trường được nhà nước khen thưởng Huân chương chiến công hạng ba (giờ vẫn còn lưu trong phòng truyền thống xã) và nghe đâu sẽ tặng con bò. Đang đánh nhau hăng, lấy bò về làm gì. Lãnh đạo xã khi ấy là ông Nguyễn Văn Sơn (bí thư), ông Nguyễn Công Hoạt (chủ tịch) đề nghị thưởng thứ khác, nhờ ông Vũ Duy Hâm làm ở Huyện đội (cho nên đám chúng tôi quen gọi là ông Hâm huyện đội, oai lắm) nói giúp. Huyện bèn thưởng cho khẩu trung liên mới toanh, lãnh đạo xã và trung đội dân quân ai cũng hỉ hả. Tôi từng hỏi cu Dân con ông Hâm, học cùng cấp 2, sao lại không lấy bò, Dân bảo thày nó nói mãi mới được súng đấy, chứ lấy bò về ai ăn ai đừng.
Thực ra không phải chỉ có dân quân xã tôi “bắn rơi” máy bay Mỹ bằng súng trường. Hồi đó hầu như cả nước ai cũng biết, vụ nổi tiếng nhất là các cụ lão dân quân Hoàng Hóa quật tàu bay Mỹ. Cứ gọi “lão dân quân Hoằng hóa” theo thói quen tuyên truyền khi đó, chứ thực ra là các cụ ở xã Hoằng Trường, huyện Hoằng Hóa. Tôi nắm được vậy bởi có anh lớn tuổi đồng môn, cùng lớp thời đại học, anh Đặng Quốc Khánh là người tại chỗ, biết kỹ đầu đuôi vụ việc. Khi có chiến tranh, chẳng riêng gì người trẻ khỏe, ngay cả đàn bà, trẻ con, người già đều “tất cả hành quân, tất cả thành chiến sĩ”. Vả lại bộ máy tuyên truyền cũng đang ráo riết xây dựng những điển hình, tấm gương đánh giặc nên cứ có gì là lạ là đôn lên ngay.
Xứ Thanh bấy giờ là chiến trường ác liệt. Trường hợp “em” Nguyễn Bá Ngọc ví dụ rõ nhất. Ngọc dắt hai em nhỏ con nhà hàng xóm vào hầm, lại lấy thân mình che chắn ngoài cửa hầm nên trúng mảnh bom hy sinh. Bộ máy tuyên truyền vào cuộc, đủ cả bài báo, truyện, truyện tranh, bài hát ca ngợi Nguyễn Bá Ngọc. Đám thiếu nhi chúng tôi sàn sàn tuổi Ngọc, khắp cả nước, đứa nào cũng thuộc “Trên đất nước anh hùng ngày ngày thêm những chiến công. Gương anh Nguyễn Bá Ngọc sáng soi rực rỡ núi sông”. Có khi không thuộc quốc ca của cụ Văn Cao nhưng không quên một chữ một âm nào bài hát “Nguyễn Bá Ngọc người thiếu niên dũng cảm”. Cứ vừa tới lớp, thầy giáo bước vào, lớp trưởng hô “học sinh đứng” (có lớp thì hô "các bạn đứng"), tất cả hô “nghiêm”, lớp trưởng hô tiếp “học sinh ngồi”, cả đám đồng thanh “xuống”. Quản ca đứng lên bắt nhịp “Trên đất nước anh hùng, hai ba”, đám quần thủng đít rống lên “Trên đất nước anh hùng ngày ngày thêm những chiến công… Anh hiến dâng cả cuộc đời, băng qua lửa đạn bom rơi, cứu em nhỏ thoát cơn bom đạn giặc Mỹ. Anh qua đời, gương anh còn soi…”. Hát xong, thầy giáo mới bắt đầu dạy. Hôm nào cũng như hôm nào. Thuộc tới mức giờ trong mỗi tế bào não cũng có anh Nguyễn Bá Ngọc. Tôi có ông bạn đồng hương đồng tuế, quan năm an ninh, Đào Lê Bình từng đóng vai Tổng báo An ninh thủ đô, cứ mỗi lần đàn đúm gặp nhau là y rống lên “Trên đất nước anh hùng” rồi cười tít mắt.
Trẻ thì là vậy, còn già đã có gương các cụ lão dân quân Hoằng Trường Hoằng Hóa. (còn tiếp)
Nguyễn Thông
súng phải sử dụng đúng mục đích
Trả lờiXóa