Súng trường CKC, K44, sau này cả súng tiểu liên AK47 ngoài phần bắn đều có chỗ lắp lưỡi lê. Tùy mỗi loại súng mà có lưỡi lê khác nhau. Lưỡi lê của K44 dài và nhọn như cái dùi có cạnh, cứng bén vô cùng. Tôi có lần đâm thử vào gốc cây dầu ở cổng trường Dự bị đại học trong phiên trực đêm cuối tháng 2.1979 sau khi xảy ra Trung Quốc tấn công biên giới phía bắc. Thầy hiệu trưởng đi họp về bảo phải tăng cường cảnh giác bởi trường ta đóng trên địa bàn phường 9 quận 5, nơi tập trung đông người Hoa nhất. Mỗi thầy giáo trong đội tự vệ được phát một khẩu K44. Thử lưỡi lê, cắm sâu tít vào thân cây, loay hoay mãi mới rút ra được. Như đã kể, khẩu súng ấy, với kẹp đạn rời 12 viên, tôi đem về căn hộ tự bảo quản, đến tối lại vác xuống đi rảo một vòng trong sân ký túc xá 43-45 Nguyễn Chí Thanh, kể ra có nó cũng yên tâm.
Sẽ có lúc lịch sử tỉnh táo và khách quan nhìn nhận, đánh giá lại “sự nghiệp chống Mỹ cứu nước”, giải phóng miền Nam. Điều thấy rõ nhất là suốt thập niên 60 và nửa đầu thập niên 70, lũ lượt trai tráng cả triệu lượt người từ Bắc kéo vào Nam để “giải phóng 14 triệu đồng bào miền Nam rên xiết dưới ách đè nén áp bức của Mỹ ngụy”, và gần như không có đoàn quân nào từ trong Nam ngược ra giải phóng miền Bắc cứu đồng bào miền Bắc đang bị tiến lên CNXH. Miền Bắc cấp người, còn súng đạn đã có 12 nước anh em phe xã hội chủ nghĩa, nhất là Liên Xô, Trung Quốc, lo cho. Không nói ra thì ai cũng rõ, phe “thiên đường” này quyết đánh Mỹ tới người Việt Nam cuối cùng, cũng là một kiểu “Việt Nam hóa chiến tranh”, chứ đâu phải chỉ có tổng thống Mỹ R.Nixon chủ trương như thế. Từ khẩu súng trường cho tới khẩu pháo cao xạ, dàn tên lửa SAM 1, SAM 2, cỗ xe tăng, từ cái bi đông đựng nước, hộp lương khô 701, 702, tới bộ quần áo vải tô châu, chiếc mũ cối…, tất tật đều do “anh em trong phe” xúm vào giúp để đỡ phải đổ máu. Tiệp Khắc và Hungary nổi tiếng với những khẩu súng trường, ngang ngửa với AK 47 của Liên Xô. Nghèo như Triều Tiên cũng để lại dấu ấn ở Việt Nam những chiếc mũ mềm bịt tai chống rét mùa đông cho lính, ngoài ra còn cử phi công sang “sát cánh với tinh thần quốc tế vô sản”, bây giờ còn khu nghĩa trang từng chôn hơn chục ngôi mộ phi công Triều ở tỉnh Bắc Giang. Phe xã hội chủ nghĩa thời ấy đã tồn tại một phần nhờ vào xương máu người dân Việt. Nói ra thì bảo vô ơn, chứ thực lòng mà nói cần lên án, kết tội cái đám xúi bẩy ấy, chúng chỉ cốt đẩy người ta, đẩy một dân tộc vào chỗ chết.
Làng Trà Phương quê tôi, cũng như hàng vạn xóm làng khác ở miền Bắc, trai làng bị vét gần như sạch. Thôn xóm hầu như chỉ còn phụ nữ, người già và trẻ con. Số đàn ông còn sót lại phần lớn đui què mẻ sứt, hoặc theo quy định (con một, nhà đã có cha anh ra lính…) nên được tạm hoãn. Càng về cuối cuộc chiến, vét càng khiếp, túm luôn cả những sinh viên dù mới năm thứ nhất hay đã năm cuối. Miền Nam như cái cối xay thịt khổng lồ, cuốn người và súng ống của miền Bắc vào như thác lũ. Nghe mấy từ “quân giải phóng miền Nam”, “hỡi người anh giải phóng quân”, ai không biết cứ tưởng người miền Nam vùng dậy đánh giặc, thực ra phần lớn là lính bắc, như cái câu văng vẳng nghe rất khiếp rợn trong đài Gươm thiêng ái quốc, rằng “sinh bắc tử nam”. Làng Trà Phương tới lúc tôi xa quê, đã hòa bình rồi, chỉ gần 3.000 khẩu, nhưng ngôi nghĩa trang liệt sĩ phải cơi nới mở rộng, thành chỗ cư ngụ của hơn một trăm người cầm súng ngã xuống, chủ yếu bỏ thân xác ở miền Nam. Càng thấm thía câu thơ của bác Nguyễn Duy, “Nghĩ cho cùng, mọi cuộc chiến tranh/Phe nào thắng thì nhân dân đều bại”.
Hồi học cấp 2, chúng tôi được nghe kể tỉ mỉ về những trận đánh mang dấu mốc lịch sử, nghe riết đâm thuộc, thậm chí đi kể lại cho người khác cứ như chính mình đã cầm súng xông xáo tham gia. Mở đầu là trận ấp Bắc (ấp phía bắc xã Tân Phú nên gọi là ấp Bắc, phe cách mạng gọi luôn thành Ấp Bắc) ở tỉnh Mỹ Tho. Thanh niên còn truyền nhau câu khẩu hiệu “Thi đua Ấp Bắc, giết giặc lập công”. Sau đó là tiếp nối những trận Bình Giã, Ba Gia, Núi Thành, Vạn Tường, Plây Me, Đồng Xoài, Long An, Quảng Nam, Củ Chi… Cứ xong mỗi trận lại sinh câu khẩu hiệu, một dạng tuyên dương, chẳng hạn “Củ Chi đất thép thành đồng”, “Long An trung dũng kiên cường toàn dân đánh giặc”, “Quảng Nam trung dũng kiên cường đi đầu diệt Mỹ”. Hồi ấy, từ trung dũng kiên cường rất hay được dùng, có nhẽ là sản phẩm của mấy ông trùm tuyên giáo như Tố Hữu, Hà Huy Giáp, Hoàng Tùng. Ngay đất Phòng nhà tôi, sau khi bắn rơi được chiếc máy bay, thấy bảo là thứ 1.400, thế là hôm sau, đám ông Tố Hữu phết cho ngay câu sáng rực “Hải Phòng trung dũng quyết thắng”, cứ là sướng rơn. Tâm lý được cả thiên hạ biết tiếng đã khiến anh nào cũng lao vào bom đạn không sợ chết. Phe cộng sản thắng được phe cộng hòa, có nhẽ cũng một phần do đám tuyên giáo làm ăn giỏi.
Tiện thể nói về trận Núi Thành. Trận này xảy ra giữa năm 1965 khi quân Mỹ mới chính thức đổ vào miền Nam. Đám chúng tôi đang học cấp 1, lớp 4, bé mà hăng lắm, nghe chuyện đánh nhau say như điếu đổ. Người nhớn đọc báo nghe đài kể bộ đội giải phóng nửa đêm bí mật cắt rào thép gai, xông vào một căn cứ Mỹ đóng ở núi Thành. Bọn hắn mới sang, lớ ngớ, chưa quen thổ địa, trở tay không kịp. Cán bộ kể bộ đội ta đánh rất tợn, không bắn, mà tinh đâm lê và dao găm, bọn Mỹ chết như ngả rạ, còn ta đánh xong thong thả về gần như nguyên vẹn. Ấy là cán bộ, thầy giáo kể thế thì biết thế, sau này có dịp tìm hiểu có rõ hơn chút. Dẫu sao vẫn là “ta thắng địch thua”, nhưng mà trận này thắng thật. Thắng bằng lưỡi lê của khẩu súng trường. Trong sách giáo khoa “Trích giảng văn học” cấp 2 còn có bài đọc thêm “Những dũng sĩ đâm lê Núi Thành” của nhà thơ Pham Hổ. Tôi còn nhớ đoạn thầy Phất dạy văn bắt phải học thuộc để làm dẫn chứng (bởi tôi từng được chọn thi học sinh giỏi văn, hì hì): “Những dũng sĩ đâm lê Núi Thành/Mắt tìm thù sao bay rực rỡ/Rượt đuổi thù chân như chiến mã/Đâm chết thù sức núi dồn tay”. Nghe trò đọc xong, thầy Phất hỏi hay không, cả đám muốn lấy lòng thầy, hay lắm, hay lắm, không khí lớp tràn đầy chủ nghĩa anh hùng cách mạng. Nhờ câu này và một số câu tủ nữa “mang dấu ấn thầy Phất” mà cuộc thi toàn thành phố năm lớp 7 tôi ẵm giải… khuyến khích, được thưởng 2 thếp giấy ca rô và chiếc bút con trâu mới tinh.
Hồi năm 2017, ông bạn Nguyễn Một (cái tên nghe rất ngạo nghễ) giám đốc truyền thông của hãng xe ô tô Trường Hải cho chúng tôi một chuyến đi Chu Lai để thực mục sở thị sự làm ăn của tập đoàn công nghiệp hiện đại nổi tiếng nhất nước này. Có cả những “yếu nhân”, người của công chúng như các nhà văn Hoàng Minh Tường, Nguyễn Trí, Nguyễn Ngọc Tư, Nguyễn Việt Hà, nhà báo như Đăng Bình, An Bình… Sau khi đi diện kiến ông Nguyễn Sự Hội An, tôi định rủ cụ Tường xin ông Một cho tạt vào nơi diễn trận Núi Thành, may ra kiếm được điều gì chăng. Thời gian ít quá, đành nén lại chờ dịp khác, kể cũng hơi tiêng tiếc.
Còn tí ti nữa kể nốt. Năm 1974, bọn sinh viên năm thứ 3 chúng tôi học xong khóa quân sự kéo nhau lên Sơn Tây bắn tập ở trường bắn Miếu Môn, nơi vừa xảy ra trận càn quét lẫy lừng Đồng Tâm. Lăn lê bò toài chán chê, giờ được bắn thật, thích lắm. Chả biết hồi hộp hay… sợ súng K44 nó giật, cả 3 viên tôi tương lên trời hết, không được điểm nào. Văng vẳng câu hát trong bài “trước ngày hội bắn” của nhạc sĩ Trịnh Quý “cả ba viên bắn ra ngoài, thì hoa em sẽ tặng người nào đây”. Mấy đứa con gái cùng lớp, có đứa như Kim Phương xơi 3 điểm 10, kinh thật. Đời mình hình như không có duyên với súng đạn, nên cũng chẳng có hoa.
Nguyễn Thông
bán súng hơi khó đó
Trả lờiXóa