Bạn bè

Tổng số lượt xem trang

Tìm kiếm Blog này

Thứ Năm, 1 tháng 4, 2021

Chấp bút

Những ngày qua, dư luận lao xao chuyện cố văn sĩ Hữu Mai bị "tước quyền" trên những cuốn sách hồi ký dựa theo lời kể của Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Mỗi người mỗi ý, ông nói ra, bà nói vào, người thẳng thắn, kẻ vòng vo, cứ gọi là rối hơn tơ vò.
 
Kể ra cũng hơi vương vướng ở chỗ đụng tới phần nhạy cảm là Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Nhưng về mặt đạo lý và nguyên tắc, chả nhẽ tước bỏ công lao của nhà văn Hữu Mai, cũng gần như vị tướng, người nổi tiếng của một thời, của giới văn chương, thì không nhạy cảm chăng?

Cần hiểu cặn kẽ vụ này về nhiều khía cạnh thì may ra mới gỡ rối được.

Nhớ lại dạo Tổng thống Mỹ Obama thăm Việt Nam hồi tháng 5.2016, nhân những sự kiện ông Obama diễn thuyết, phát biểu ở nơi này nơi nọ, nội dung rất hay, ấn tượng, có khá nhiều báo khai thác ở khía cạnh: những nội dung ấy ông Obama tự nghĩ ra, hay có ai chuẩn bị sẵn. Có 3 tờ báo viết rằng "ai đã chắp bút cho ông Obama?".

Xin nói ngay, viết thế là sai, phải viết là "chấp bút". Đây là một từ có thành phần Hán Việt nhưng đã được Việt hóa, dùng như từ thuần Việt. Chấp, theo nghĩa Hán Việt, là: cầm, giữ, nắm lấy, thực hành, nhận. Chấp chính là ai hoặc một tổ chức, lực lượng nào nó nắm giữ chính quyền; chấp đơn là nhận lấy cái đơn của người khác; chấp hành là chịu trách nhiệm thi hành những chương trình, kế hoạch đã định, đã được đặt ra, thông qua…

Chấp bút theo nghĩa thô là nhận lấy cái bút, cầm lấy bút để làm việc. Nghĩa văn vẻ thì chấp bút là khởi thảo, thực hiện một văn bản, công trình, tác phẩm nào đó theo đề cương gạch đầu dòng có sẵn, hoặc theo ý kiến, lời nói, lời kể, sự chỉ đạo của cá nhân hoặc tập thể nào đó. Người chấp bút là người làm cái công việc ấy. Chấp bút có thể là một người nhưng cũng có thể một nhóm người. Bản điếu văn do ông Lê Duẩn đọc tại lễ tang Chủ tịch Hồ Chí Minh ngày 9.9.1969 không phải do ông Duẩn viết mà do một nhóm cố vấn (các ông Đống Ngạc, Đậu Ngọc Xuân) chấp bút. Cho đến nay, người ta vẫn chỉ dám nói/viết rằng bản điếu văn do ông Lê Duẩn đọc tại lễ tang chứ không ai dám khẳng định "điếu văn của ông Lê Duẩn". Nó (bản điếu văn) đã thành tài sản chung nên ông Ngạc, ông Xuân cũng chả dám đòi tác quyền, mà thực ra có đòi cũng không được bởi các ông ăn lương, làm nhiệm vụ theo sự phân công. Nhưng nói tới điếu văn ấy mà lờ tịt tên hai ông đi thì rất tệ.

Với tác phẩm văn học thì khác. Hầu hết các tác phẩm hồi ký đều có người chấp bút. Đơn giản là người kể chỉ có vốn liếng thực tế đời sống, dạng tư liệu thô, kém khả năng văn học, hoặc rất bận bịu, không thể biến "tài sản" vốn tự có thành tác phẩm được. Nó cũng giống như xi măng, đem trộn kịp thời thì xây nên nhà cửa, còn bị cất mãi trong kho thì vón cục, chỉ còn nước bỏ đi. Người làm nhiệm vụ ghi lại, hệ thống lại những lời kể của ai đó để ra thành cuốn sách thì đó là người chấp bút. Không có họ, sẽ không có tác phẩm. Tất nhiên người kể và người chấp bút phải hợp nhau. Trên đời thiếu gì những ông to bà lớn lắm "xi măng" nhưng đành cất mãi trong kho, do không tìm được tri âm tri kỷ. Ông Nguyễn Đức Thuận sẽ chả mấy ai biết đến nếu không nhờ sự tài hoa của nhà báo Trần Đĩnh khi cuốn hồi ký "Bất khuất" ra đời. Nhắc tới "Bất khuất" là phải sóng đôi Nguyễn Đức Thuận - Trần Đĩnh (mà đúng ra phải Trần Đĩnh - Nguyễn Đức Thuận). Cuốn "Sống như anh" cũng vậy, bà Phan Thị Quyên đóng vai người kể, còn sự sáng tạo là ở người biên chép lại, nên trên sách chỉ ghi tên tác giả Trần Đình Vân, kèm dòng chữ nhỏ "theo lời kể của chị Phan Thị Quyên"...

Nhà văn Hữu Mai nổi tiếng trong văn giới không phải chỉ bởi ông là tác giả của nhiều cuốn tiểu thuyết nổi tiếng như Vùng trời, Ông cố vấn... mà còn bởi ông đã chấp bút thành công hầu hết những cuốn hồi ký của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, đặc biệt là cuốn Từ nhân dân mà ra. Hồi bé tôi được đọc mấy cuốn này, mê lắm. Càng về sau càng hiểu không có ông Hữu Mai thì những lời kể của tướng Giáp cũng chỉ như mấy câu khẩu hiệu thô vụng giăng đầy trên đường hoặc kẻ vẽ trên tường, vậy thôi.

Về nguyên tắc (do con người quy ước với nhau), với hồi ký, người được đứng tên tác giả luôn là người kể, còn người chấp bút được ghi trên sách bằng dòng "XYZ thực hiện". Không được lấn sân nhau, lại càng không được bỏ bất kỳ thành phần nào, bởi đó là đạo lý, là đánh giá đúng công sức lao động. Anh có thứ này, tôi có thứ kia, hai trong một, không thể có sản phẩm nếu thiếu một bên.

Chính vì vậy, dù có vận ra lệ này luật kia bằng giời đi nữa để nhằm xóa tên người chấp bút, cụ thể trong trường hợp này là nhà văn Hữu Mai, thì người ta đã cố tình đánh mất sự tử tế của con người. Buồn cười nhất là có một ông ở NXB Chính trị quốc gia khi được hỏi sao lần xuất bản ấy lại không có tên Hữu Mai, ổng trả lời ráo hoảnh rằng... quên, sơ suất. Cứ nhẹ bẫng như trò chơi thổi bong bóng xà phòng. Còn một ông chuyên gia thì khăng khăng khẳng định cụ Hữu Mai không có quyền gì cả bởi đó là nhiệm vụ cụ phải làm. Tôi chỉ muốn hỏi ông ấy, ai giao, và nếu không phải cụ Hữu Mai mà là thân sinh của ổng chấp bút thì có khăng khăng vậy không.

Nói thêm tí nữa cho hết nhẽ ngôn ngữ. "Chấp" còn là từ thuần Việt, có nghĩa là cho ai đó được điều kiện lợi hơn mình, ví dụ “chấp hai đánh một, chấp cả làng…”, trường hợp này không có liên quan gì đến nghĩa chấp của chấp bút.

Còn “chắp” là từ thuần Việt, có nghĩa là ghép lại (những cái gì đó rời rạc) vào nhau, cho nó liền lại. Truyện Kiều có câu "Trong khi chắp cánh liền cành/Mà lòng rẻ rúng đã dành một bên" để nói về tâm trạng của cô Kiều khi chàng Kim quá trớn, sàm sỡ không kìm được thói thường. Nhà thơ thiếu nhi Cẩm Thơ khi tưởng tượng ra hình ảnh tên lính Mỹ đầu hàng chú giải phóng quân có chi tiết rất tếu "Chắp tay lạy má xin cơm/Em mà có đói chả thèm thế đâu". Hai bàn tay khi úp lại với nhau cho nó dính liền ta gọi là chắp tay...

Còn viết là "chắp bút" rồi hiểu theo nghĩa chắp những cái bút lại với nhau thì quá thô thiển, làm hỏng hết vẻ đẹp của ngôn ngữ.

Nguyễn Thông

1 nhận xét: